Tháo cũi xổ lồng
Tan nát trái tim
Bảy mẫu đầu đũa nữa được Nguyên nhi bẻ ra và để vào một góc, chung với hai mươi đầu đũa trước đó.
Bảy ngày nữa đã qua đi, chưa có gì đáng phấn khởi, ngoại trừ Nguyên nhi được bảy ngày sống trong cảnh đoàn viên với mẫu thân. Tuy chỉ là nơi giam giữ tù nhân, nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ sưởi ấm lòng Trang Đài Trúc! Một phấn khởi nữa là biết được rõ tên họ của mình, Văn Thảo Nguyên!
Bảy ngày qua, bảy bữa ăn trưa, bảy bữa ăn tối lặng lẽ trôi qua.
Không! Bữa ăn tối thứ bảy không lặng lẽ, bình thường như trước đó...
Vì lẽ, người đưa cơm, Hoàng Nhân có đưa thêm vào một vật: một bức thư. Và kèm theo đó là một câu hỏi :
- Cao đại ca! Đại ca có biết một người nào có tên là Vạn Ngọc Châu không? Đại ca có thơ của người này gởi.
Văn Thảo Nguyên bàng hoàng trước lời nói này của Hoàng Nguyên, đã định hỏi thêm cho rõ thì cũng như lần đưa thư trước, Hoàng Nhân đã vội phải quay đi.
Trở lại chỗ ngồi, tay cầm bức thơ mà Văn Thảo Nguyên nhớ lại hình bóng của Vạn Ngọc Châu. Văn Thảo Nguyên tự hỏi: “Vạn Ngọc Châu có liên quan gì nơi này mà có thể gởi thơ vào được đến đây? Hay là... hay là nàng cũng đã bị lão Quân chủ bắt? Đã bị lão... lão...”
Lắc đầu, xua đi ý nghĩ không hay, Văn Thảo Nguyên vội kể lại chuyện quen biết Vạn Ngọc Châu trước đây cho Lã Nguyên Sinh và mẫu thân mình nghe khi thấy cả hai người đưa mắt dò hỏi.
Nghe xong, không nói gì, Lã Nguyên Sinh lại lấy từ trong lòng mình ra đoạn ống sắt nhỏ, trước đây Mã Hoàng đã trao cho, đưa cho Văn Thảo Nguyên.
Văn Thảo Nguyên hiểu ý, cầm lấy và dùng nó để thắp sáng mà xem thơ của Vạn Ngọc Châu.
“... Được cùng Cao huynh hội ngộ thật là thỏa lòng mong ước của lòng này. Chia tay Cao huynh tại Kỳ Liên sơn, lòng này vẫn thường khẩn nguyện cùng trời cao, sau sẽ lại gặp gỡ. Nào ngờ đấy là lần gặp nhau cuối cùng! Ngỡ tạm biệt lại là vĩnh biệt! Cao huynh có hiểu thấu được lòng này không?
Gặp Thất tỷ mà Cao huynh đã buông tha, lòng này như chết đi. Oán trách trời xanh sao lại quá phủ phàng. Gặp nhau chi để rồi thêm bẻ bàng!...
Gia phụ tội ác đã ngập đầu. Tiếng oán trách đã thấu tận mây xanh. Oán thù chất cao thành núi. Đã khơi sâu tợ bể!...
... Đến Thất tỷ đã hóa cuồng mà gia phụ cũng không buông tha!...
Cao huynh hỡi! Việc làm của Cao huynh là muôn ngàn lần đúng đắn. Đấy là khí phách của đấng trượng phu, là cao vọng của một kỳ nam tử.
... Lòng này dù thương xót cha già cũng đâu thể cúi đầu van xin ở lượng hải hà của Cao huynh...
Để chuộc lại phần nào trong muôn một tội nghiệt của cha già, sơ đồ này xin gởi đến Cao huynh!
... Lòng này chỉ cố được đến đây. Cơ quan trùng trùng. Bẫy độc giăng giăng. Mong Cao huynh cố mà bảo trọng!...
Hẹn gặp Cao huynh ở kiếp lai sinh...!!
Kiếp sau xin nguyện làm thân trâu ngựa đền đáp tấm chân tình chủa Cao huynh!!
Vĩnh biệt.
Ngọc Châu”.
Một giọt nước sau cùng đã làm tràn đầy ly uất hận! Tin dữ dập dồn, sức người liệu có chịu được chăng?
Văn Thảo Nguyên ụa ra một búng máu tươi. Người ngã ra sau, đầu óc quay cuồng, hôn mê bất tỉnh.
Lã Nguyên Sinh đỡ kịp thân hình vừa ngã của Văn Thảo Nguyên. Lão hoảng kinh, không hiểu trong thơ viết gì mà Văn Thảo Nguyên lại xúc động thái quá đến nỗi phải hôn mê!
Giở phong thơ còn trong tay con mình, đỡ lấy đoạn sắt ngắn dùng để soi sáng rớt lăn ra trên nền đá. Trang Đài Trúc xem lại bức thơ.
Thương xót cho số phận của Vạn Ngọc Châu. Buồn thương cho hoàn cảnh của con mình. Bà lẳng lặng mà khóc. Mặc cho nước mắt rơi thấm đầy trang giấy. Mặc cho Lã Nguyên Sinh đang bối rối chờ nghe lời giải thích của bà. Bà cứ âm thầm mà rơi lệ.
Sẵn ánh lửa còn bập bùng chiếu sáng. Lã Nguyên Sinh với một tay còn bỏ không, cầm lấy bức thơ trên tay Trang Đài Trúc mà xem. Xem rồi, Lã Nguyên Sinh chỉ còn biết chặc lưỡi, thương tình cho cả hai. Lão thầm nghĩ: “Hai trẻ chắc đã có cảm tình sâu đậm! Gặp vố này không biết Nguyên nhi có chịu đựng nổi không? Ông Trời sao mà cay nghiệt! Nhưng việc lúc này không phải là than, là khóc!”
Lã Nguyên Sinh xem xét kỹ sơ đồ mà Vạn Ngọc Châu không biết làm cách nào mà có, đã bỏ vào thơ. Càng xem, Lã Nguyên Sinh càng thêm sợ hãi.
Sợ cho kiến thức của tiền nhân! Quả thật đường trong lòng mộ địa giăng giăng như mắc cửi, chẳng biết đường đâu mà lần, nếu không có sơ đồ này. Sợ cho lòng hiểm trá của người đời nay, lợi dụng sự nguy hiểm của lòng mộ, biến thành nơi giam giữ người. Thật là gian nan cho người muốn từ ngoài mà đột nhập vào nơi đây. Thật là kiên cố cho người nào muốn từ trong mà đào thoát ra ngoài. Chỉ cần vài người trấn thủ nơi này đủ để biến nơi đây thành tường đồng vách sắt!
Theo sơ đồ mà đếm, đường dẫn ra lòng mộ phải trải qua hàng chục cơ quan hiểm trở. Trong đó có cả thủy độc, hỏa độc. Những thứ dộc dược đã tồn trữ cả ngàn năm, không thể đoán biết sức độc mạnh đến đâu.
Bế tắc! Lã Nguyên Sinh không thể nghĩ ra được cách nào mà Nguyên nhi có thể thoát thân được. Trừ phi có người làm nội gián, hiểu được tường tận các mấu chốt điều khiển các cơ quan mà hủy đi thì quả là vô phương!!!
Mãi trầm ngâm suy tính, Mã Hoàng đến gần mà Lã Nguyên Sinh không hay biết! Thấy Lã Nguyên Sinh đã xem thơ xong, còn đang ngồi trầm tư. Mã Hoàng đón lấy phong thư mà xem.
Xem xong, Mã Hoàng nói :
- Xem ra, việc thoát thân chỉ còn hai cách. Một là xông càn mà ra, giao tính mạng cho số kiếp định đoạt! Hai là phải có người thông thuộc mà hủy các cơ quan ám tàng.
- Khó đến thế sao, Mã tiền bối?
Văn Thảo Nguyên đã tỉnh dậy từ lúc nào, Mã Hoàng và Lã Nguyên Sinh không biết. Chỉ biết Văn Thảo Nguyên đã nghe được lời nói của Mã Hoàng mà lên tiếng hỏi!
Lã Nguyên Sinh hỏi :
- Hiền điệt không làm sao chứ?
Lắc đầu, nhưng không che giấu được sự buồn sầu, Văn Thảo Nguyên đáp :
- Tiểu điệt không sao đâu. Bá bá, việc thoát khỏi nơi đây, Mã tiền bối đã có tin tức gì chưa? Sao lại...
Lắc rồi lại gật, Lã Nguyên Sinh nói :
- Mã tiền bối không có phương cách gì! Duy chỉ có sơ đồ này của Vạn cô nương là khả dĩ mà thôi. Nhưng... cũng phải bó tay vô kế khả thi!
Văn Thảo Nguyên cố bình tâm mà xem xét kỹ một lượt sơ đồ.
Trầm ngâm một lúc, Văn Thảo Nguyên mới nói :
- Tạm ổn, tiểu điệt có thể vượt qua được! Còn mọi người thì... phải tính lại đã!
- Nói sao? Hiền điệt nói có thể theo sơ đồ này mà thoát được à? Còn cơ quan? Bẫy độc?
Văn Thảo Nguyên gật đầu ư tư mà nói :
- Trước đây, tiểu điệt do một quái trong Hoài Lâm ngũ quái dẫn đường, từ ngoài xông vào, đã phá hủy không ít cơ quan. Nếu lão đại ma đầu này chưa phục hồi được thì theo sơ đồ này, tiểu điệt từ đây xông ra các loại cơ quan ám tàng, tránh cũng không khó! Còn độc dược thì đối với tiểu điệt vô hạ! Việc của tiểu điệt, bá bá cứ yên tâm.
Mã Hoàng vội nói :
- Thế trước đây, người xông vào phá hủy một số cơ quan mà không việc gì là Văn thiếu hiệp sao? Thế thì may quá, lão Quân chủ chưa có phục hồi lại được, vì lão không có khả năng này!
- Thế hiền điệt còn gì nữa mà lo lắng?
Lã Nguyên Sinh không hiểu nên hỏi vậy.
Văn Thảo Nguyên nói ngay ý nghĩ của mình :
- Tiểu điệt lào là lo cho mọi người! Nếu theo chân tiểu điệt mà đi, cơ quan nguy hiểm thì đã phá hủy rồi không cần phải nói. Riêng về độc dược, e tác hại còn dài, mọi người theo chân ắt sẽ gặp nguy hiểm!
Khoát tay, Lã Nguyên Sinh nói :
- Tưởng việc gì chớ việc này thì hiền điệt cứ an tâm mà đi! Vì bọn ta có theo ra cũng không giúp được gì, võ công đâu mà tham chiến. Hai nữa, e lão Quân chủ còn đặt người ở lại đây, không cần nhiều, chỉ cần một, hai tên Chuyên sứ là bọn ta hết đất sống. Hiền điệt cứ yên tâm mà đi! Bất quá sau hai ba ngày, nếu yên tĩnh, có Mã lão huynh đây, bọn ta sẽ rút ra sau. Hẹn ngày hiền điệt đắc thắng khải hoàn, chúng ta sẽ gặp lại. Ta chỉ lo...
Đã an tâm phần nào, lại nghe Lã Nguyên Sinh nói lấp lửng, Văn Thảo Nguyên vội hỏi :
- Bá bá còn lo lắng điều chi?
Nhìn ngay vào mặt Văn Thảo Nguyên, lão đáp :
- Ta chỉ lo hiền điệt quá âu sầu lo lắng, làm tâm trí mê muội. Quyết tâm thì có thừa nhưng không đủ cơ trí mà đối địch với lão ta!
Giật mình trước lời đề tỉnh này, Văn Thảo Nguyên vòng tay mà nói :
- Bá bá quở trách tiểu điệt thật là đúng! Được rồi! Nghe theo lời của bá bá, tiểu điệt cố dằn nén lại, suy xét kỹ mọi việc trước sau, rồi sẽ cùng một phen sống mái với lão! Đa tạ bá bá!
Lã Nguyên Sinh hài lòng :
- Bất tất phải đa tạ! Ta chỉ cảnh tỉnh hiền điệt vậy thôi. Hiền điệt định khi nào xông ra?
Nhìn lại số mẫu đũa nằm đó, nhẩm đếm, Văn Thảo Nguyên đáp :
- Đã hai mươi bảy ngày rồi! Nay mai gì đây ắt lão sẽ đến, để đến lúc đó e quá trễ. Hơn nữa, tính khứ hồi đi và về của Võ Lâm Thần Toán, e người của tiểu điệt đã vào đến Tứ Xuyên rồi! Không thể trễ nãi được. Tiểu điệt phải đi ngay! Bá bá cho tiểu điệt gởi gấm lại mẫu thân! Hẹn gặp lại một ngày gần đây!
Quay sang Trang Đài Trúc, lúc này đang đứng ngay bên, Văn Thảo Nguyên sụp lạy mà thưa :
- Mẫu thân! Nguyên nhi xin đi! Không còn lâu nữa đâu, Nguyên nhi sẽ xin đón mẫu thân về mà phụng dưỡng! Về lại Hồng Bạch Nhị Kiếm trang mà gầy dựng lại thanh danh ngày nào! Xin mẫu thân nhận một lạy này của Nguyên nhi!
Vừa gặp lại con chưa được mấy ngày đã phải chia tay. Biết đây là việc chẳng đặng đừng, nhưng Trang Đài Trúc cũng không cầm được giọt nước mắt lúc chia tay. Trang Đài Trúc cố gạt lệ mà nói :
- Nguyên nhi! Con đi cố mà bảo trọng! Mẫu thân ngày đêm luôn tưởng nhớ đến Nguyên nhi! Nhớ sớm quay về, đừng để mẫu thân phải héo mòn vì con! Nguyên nhi! Con của mẹ!
Cả hai ôm chầm nhau mà khóc.
Văn Thảo Nguyên buông mẫu thân ra và nói với Lã Nguyên Sinh và Mã Hoàng :
- Bá bá! Mã tiền bối! Xin chăm sóc giùm mẫu thân của Nguyên nhi! Nguyên nhi xin bái biệt! À, còn việc này nữa! Mã tiền bối hãy giữ lấy sơ đồ này, sau dựa vào đấy mà đưa mọi người ra! Xin cáo biệt! Mẫu thân, Nguyên nhi đi đây!
Sau tiếng nói, bóng người của Văn Thảo Nguyên đã lướt đi và khuất mắt sau một chỗ quanh.
Cứ lần lượt mà tiến. Cứ tuần tự mà lao đi. Cơ quan phát động. Tay nhanh, chân lẹ, mắt mau. Tất cả ngũ quan đều hoạt động. Mặc kệ tên độc bắn ra như mưa. Hai tay áo vũ lộng. Kình phong che phủ khắp người.
Xẹt!
Lưỡi đại thần phủ sụp xuống thật nhanh. Cước bộ vụt đổi. Nhanh như ánh chớp.
Sà!
Lưới gắn đầy trủy thủ bén nhọn chụp xuống. Tay phát chưởng. Chân lùi nhanh. Rồi lại lướt qua. Thủy độc bắn ra như vãi trấu. Chân đạp mạnh. Thân người dán vào nóc trần của lòng mộ. Thủy độc ngừng phun. Hơi độc vẫn ngào ngạt. Bế khói lăng không mà lướt qua.
Vượt qua gần một chục cơ quan hiểm trở. Rồi đã đến một đoạn đường không có một cơ quan nào phát động!
Văn Thảo Nguyên mừng rỡ :
- Thế là đã đến được đoạn đường trước đây mình đã xông vào!
Cơ quan đã bị phá hủy, làm sao hoạt động lại được!
Nhưng...
Thấp thoáng đã có bóng người :
- Ai?
Văn Thảo Nguyên chỉ còn e gặp phải Hoàng Nhân, đệ tử của Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng mà thôi! Còn kỳ dư giết tất!
Giết để sau này mọi người có cơ hội đào thoát. Nghe tiếng quát ồm ồm, khẳng định không phải là Hoàng Nhân, Văn Thảo Nguyên không dừng bước mà lại lướt nhanh hơn, miệng đáp, tay đánh :
- Là ta!
Bóng người ngã sập xuống.
- Một mạng!
Văn Thảo Nguyên thầm đếm.
- Kẻ nào?
- Ta!
Lại ngã xuống.
- Ai dám lộng hành?
- Là ta!
Ngã.
- Có người đào mạng!
Rầm rập! Rầm rập! Nhiều người xuất hiện theo tiếng bước chân chạy.
Mặc! Đông tính theo đông! Văn Thảo Nguyên quát :
- Hoàng Nhân đâu? Chạy đi!
Không ai bỏ chạy. Ảo Ma bộ pháp xuất hiện. Ảo Ma chưởng pháp tung ra. Ảo Ma quyền pháp vung ra. Ngã! Ngã! Ngã này! Không cần đếm nữa! Cứ giết!
- Là ai! Đứng lại cho ta xem!
- Chào Cửu chuyên lệnh sứ! Là bản thiếu gia đây!
- Cao Nhẫn!
Hai bóng người mới đến đồng kêu lên! Qua tiếng kêu, Văn Thảo Nguyên cười lớn :
- A! Có cả Đệ ngũ chuyên lệnh sứ nữa à! Cao Nhẫn đây!
Nhìn ngay phía sau lưng của hai tên Chuyên lệnh sứ, Văn Thảo Nguyên nhận ra đó chính là cửa ra vào lòng mộ địa. Văn Thảo Nguyên nhủ thầm: “Đã thoát! Không nên chần chờ nữa!”
Lúc này tên Cửu chuyên lệnh sứ thần tình ngơ ngác, hoảng sợ, hắn hỏi :
- Ai đã giải cấm chế cho ngươi?
Văn Thảo Nguyên thoát cười lên, tiếng cười như tiếng gọi của câu hồn quỷ :
- Ha ha ha...! Xá gì cấm chế nhỏ mọn đó mà hòng trói buộc đuợc ta! Xem chưởng đây!
Chẳng khác nào bóng u linh, Văn Thảo Nguyên chợt ẩn chợt hiện theo Ảo Ma bộ pháp, song thủ cùng đánh ra, hai tay thức theo Ảo Ma chưởng pháp mà quật cả vào hai tên Chuyên lệnh sứ. Cuồng phong lành lạnh cuốn ào vào thân hình cả hai.
Biết rằng, dù đánh bằng hết hỏa hầu của mình, dù hợp lực cả hai mà đón đỡ cũng không tài nào mà chống lại hai chưởng đang đánh tới của đối phương. Hai tên Chuyên lệnh sứ đành hú lên, một tiếng, thân hình đã nương theo chưởng phong mà lướt ra ngoài lòng mộ địa!
Văn Thảo Nguyên phóng mình theo, miệng thét lên :
- Chạy đi đâu?
Gió, từng cơn gió ấm áp phả vào người Văn Thảo Nguyên! Nắng, từng tia nắng sớm chiếu vào gương mặt xanh rớt của Văn Thảo Nguyên! Gần một tháng, Văn Thảo Nguyên mới thấy lại được ánh dương quang. Hai mươi bảy, không, hai mươi tám ngày, Văn Thảo Nguyên mới tận hưởng được cơn gió mát, hưởng thụ được khí trời tự do.
Nhưng lúc này không phải là lúc để so sánh, mà là lúc gấp rút. Gấp để thoát đi. Gấp để giết hai tên Chuyên lệnh sứ để mọi người trong lòng mộ có cơ hội để đào thoát. Gấp để lão ác ma Quân chủ có đến cũng không đến kịp. Gấp để chận đứng cơn phát tiết của Võ Lâm Thần Toán và của toàn thể môn nhân Ảo Ma cung!
Vừa hạ thân xuống, vừa nhận định rõ chỗ đang đứng của hai tên Chuyên lệnh sứ, Văn Thảo Nguyên đã quát lên :
- Nạp mạng đây!
Không thể cùng lúc vung chưởng đánh cả hai mà đạt hiệu quả được vì hai tên đứng phân ra hai hướng...
Văn Thảo Nguyên ào tới tên đứng bên phía tả vì hắn hiện đang đứng xa cửa ra vào mộ địa hơn, có lẽ hắn muốn bỏ chạy! Quyết không để cho tên nào thoát thân được, e bất lợi cho chính mình mà còn hại đến mọi người đang còn bị giam giữ.
Khi đã nhào vào sát tên này, Văn Thảo Nguyên mới kịp nhận ra hắn là tên Đệ ngũ chuyên lệnh sứ.
“Ngũ cũng chết mà cửu cũng phải chết!”
Nghĩ thầm như vậy, chưởng phong vẫn không ngừng cuốn tới, Văn Thảo Nguyên quát thêm một tiếng nữa :
- Chết!
Hắn chết thật! Như ngũ lôi giáng phải, thân hình hắn vỡ vụn ra, văng đi các hướng. Cái chết thật thảm khốc.
Văn Thảo Nguyên nhìn thấy mà nở nụ cười mãn nguyện. Nét mặt Văn Thảo Nguyên lúc này như quỷ dữ, nhăn răng ra mà cười lạnh, Văn Thảo Nguyên chầm chậm quay người nhìn lại tên Cửu chuyên lệnh sứ, vừa đi dần tới, vừa nói trong cuốn họng :
- Đến lượt mi đấy!
Tên Đệ cửu chuyên lệnh sứ lùi dần theo từng bước chân đi tới của Văn Thảo Nguyên. Hắn sợ! Hắn kinh hãi! Hắn không ngờ rằng, vô tình hắn lùi vào lòng mộ địa! Chân vừa đạp vào bậc cửa ra vào lòng mộ địa! Tâm tư hắn như được sáng ra!
Hắn nghĩ: “Đã có cơ thoát mạng!”
Tay đưa nhanh vào bọc lôi một vật ra! Chân quay ngoắt, nhảy tọt vào trong lòng mộ địa! Vẫy ngược tay lại về phía sau lưng! Cười lên khoái trá trong tiếng hét to :
- Cho mi chết nè!
Cả bốn động tác cơ hồ phát ra trong cùng một lúc! Còn phần Văn Thảo Nguyên nào cam tâm, chỉ có một động tác mà thôi :
- Đó là đẩy cả song chưởng về phía trước với tất cả mười hai thành công lực, với tất cả hỏa hầu nội lực trên một trăm năm tu vi.
Bùng...!
Cả song chưởng cùng bay tới và đập vào người tên Đệ cửu chuyên lệnh sứ, đập cả vào vật màu hồng mà hắn vừa vung tay vẫy ngược ra...!
Ầ... Ầ... m... Ầm!
Tiếng nổ ầm ầm từ trong lòng mộ địa thoát ra. Cửa ra vào bằng đá đổ ập xuống. Bụi cát tung bay. Rồi tất cả âm thanh của tiếng nổ, bụi cát đều bay ngược về hướng Văn Thảo Nguyên đang đứng.
Không hiểu gì hết nhưng Văn Thảo Nguyên theo phản ứng tự nhiên của con nhà võ, đã búng người, tung thân mà lướt tránh qua một bên.
Đứng thừ người ra mà nghe tiếng đỗ vỡ bên trong lòng mộ địa, theo chỗ cửa ra vào mà thoát ra.
Đứng lặng người suy nghĩ, nhớ lại và ước đoán: “Vật gì đã phát ra tiếng nỗ? Hỏa dược? Ai đốt? Chết hết rồi? Và nếu có hỏa dược thì ai là người đốt? Không thấy Hoàng Nhân đâu! Mà hắn không có lý do nào để đốt dây dẫn hỏa để tự mình chôn sống lấy mình. Vậy là không phải hỏa dược, vậy là cái gì? À nhớ rồi, vật màu hồng tròn, màu hồng, màu hồng, tròn. Trời ơi, vậy là Hồng Đạn Tử Vân Hương! Không có lẽ, không lẽ chỉ có một hoàn cuối cùng lại nằm ở đây? Sao lão không giữ ở bên mình để phòng bị? Phòng bị làm chi khi bây giờ lão đã là vô địch nhân? Vậy là lão không giữ! Lão không cần phải giữ! Lão giao cho đệ tử của lão. Giao để làm gì? Trời ơi! Vậy là lão đã có toan tính trước! Lão mưu toan hủy diệt tất cả! Lão hạ lệnh cho đệ tử của lão hủy diệt! Hủy diệt sạch! Và mình... chính mình đã một tay tiếp trợ cho sự hủy diệt này? Còn ai không? Liệu còn ai còn sống không? Sau sự đổ vỡ này, sống làm sao được kia chớ? Còn có chất độc Tử Vân Hương! Một loại độc trung chi độc! Không bao giờ có thể giải được chất độc này! Trừ mình ra... vậy thì phải xông vào cứu mọi người... không kịp cũng phải cứu...!”
Nghĩ đến đâu, Văn Thảo Nguyên đổ mồ hôi lạnh đến đó! Dứt ý nghĩ thì không ngại gì cả, Văn Thảo Nguyên cật lực xông vào, cật lực còn hơn lúc xông ra! Bụi cát còn bay mịt mù. Xông vào được hai trượng, Văn Thảo Nguyên đứng chết sững! Đá, cát, đổ loạn, bít cả lối đi.
- Không thể được!
Văn Thảo Nguyên thét lên, rồi lao vào mà đào, mà cào, mà xới, mà bới.
Được hai trượng. Đã thấy xác người.
Bọn Hiệp Thiên bang lúc nãy đã bị Văn Thảo Nguyên giết. Đá tảng đè lên, thịt da nhày nhụa.
Đào tiếp, hất tiếp, đi tiếp...
Qua ba trượng đường. Thấy cả chục xác chết. Nhìn về phía trước, không trông thấy gì được cả! Đá đổ chồng lên đá! Có chỗ nóc trần mộ địa nứt ra, đất đổ xuống ngập ngụa, dầy cả một thước mộc!
Dù đã quá ư mệt mõi, Văn Thảo Nguyên không dám nghĩ tay, tiếp tục đào, bới. Y phục đã đẫm ướt mồ hôi, do mệt cũng có, do oi bức ngột ngạt cũng có! Ngừng tay, ngoảnh nhìn lại phía sau. Đoạn đường đã đào xới được dài hơn hai mươi trượng. Và cũng do ngoảnh lại, Văn Thảo Nguyên cũng thấy ánh dương quang chiếu gay gắt.
Đúng Ngọ!
Tim óc lạnh như băng!
Thân hình như hóa đá!
Hết rồi! Hết thật rồi! Đã không còn kịp nữa!
Dù cho có đào xới cho tới tận nơi cũng không hy vọng tìm kiếm được ai! Tất cả đều đã chết! Không vì sức chấn động, không bị đá đè thì cũng chết vì chất độc!
Tan rữa thây thi mà chết. Chết vì chất độc của Hồng Đạn Tự Vân Hương. Văn Thảo Nguyên đã từng chứng kiến, không kịp tàn một nén nhang, bọn cung nỏ của Hiệp Thiên bang đều hóa thành vũng nước nhỏ mà tiêu mất xác!
Không còn gì nữa để mà hy vọng!
Bao nhiêu quần hùng vì chính nghĩa mà thiệt thân!
Bao nhiêu người quen biết với Văn Thảo Nguyên vì chống lại lão Quân chủ ác ma mà phải chết. Còn mẫu thân! Mẫu thân của Văn Thảo Nguyên vừa mới nhận được nhau, sống chung với nhau chỉ vỏn vẹn bảy ngày cũng đã chết. Chết hết! Tất cả đều đã chết! Tâm hồn của Văn Thảo Nguyên cũng đã chết! Chỉ còn mối hận trong lòng là vẫn sống!
Phẫn hận mà sống!
Hận đến điên người để mà phải sống!
Văn Thảo Nguyên lúc này như đã phát cuồng lên thật sự. Văn Thảo Nguyên không khóc mà nước mắt hòa với mồ hôi đã chảy dài theo khóe mắt.
Nước mắt thấm vào y phục loang ra màu đỏ hồng. Máu... Máu theo khóe mắt mà chảy ra... hay máu của kẻ thù đã thấm sẵn vào trong y phục, giờ mới theo nước mắt đẫm vào loang ra? Không tài nào biết được!
- Hồng Đạn Tữ Vân Hương! Quân chủ! Ác ma! Hồng Đạn Tử Vân Hương! Ác ma! Ác ma...
Văn Thảo Nguyên vừa kêu thét lên, vừa xoay người bỏ chạy!
Chạy trốn đi thực tạo thảm khốc! Chạy đi như trốn tránh không chấp nhận sự thật! Cắm đầu mà chạy! Điên cuồng mà chạy! Cắm đầu mà kêu! Điên cuồng mà thét! Bóng người mất hút... tiếng thét nhỏ dần!
Một bóng người khác lại hiện thân nơi trước kia là cửa ra vào lòng mộ địa. Mắt đã thấy Văn Thảo Nguyên chạy như điên! Tai đã nghe Văn Thảo Nguyên kêu thét như phát cuồng!
Người này đưa mắt nhìn vào lòng mộ, thấy công phu của ai đó đã đào xới thấy một lối đi quanh dài hàng hai mươi trượng! Xa xa phía trước là cảnh đổ nát, hoang tàn.
Người này thảng thốt kêu lên :
- Hồng Đạn Tử Vân Hương!
Một bóng người nữa chợt hiện ra, đứng ngay phía sau người đến trước. Người đến sau nghe được tiếng kêeu nho nhỏ của người đến trước. Giật bắn cả mình, người đến sau lên tiếng :
- Là Hồng Đạn Tử Vân Hương à?
Người đến trược giật nảy người, do đột ngột nghe tiếng nói phát ra từ ngay phía sau. Nhảy tới trước một đoạn, quay người lại kêu lên :
- Võ Lâm Thần Toán! Là tiền bối ư?
- Là cô nương à? Hà Thúy cô nương vừa nói gì? Ta không nghe lầm chứ?
Khẽ gật đầu, Hà Thúy đáp :
- Vãn bối đến chậm, không mục kích được, nhưng qua sự đổ nát này, không thể ngoài Hồng Đạn Tử Vân Hương!
Võ Lâm Thần Toán biến sắc mặt, thân hình run bắn lên, lão nghẹn giọng mà nói :
- Mọi người... còn mọi người nơi đây đâu? Có ai thoát không? Cao... Cao Nhẫn đâu?
Thất vọng, lại khẽ lắc đầu, Hà Thúy chảy nước mắt mà nói :
- Mọi người... chắc không ai thoát được! Duy chỉ...
Chụp hai tay của Hà Thúy, Võ Lâm Thần Toán vừa bóp vừa lắc, lão hỏi dồn :
- Duy chỉ làm sao? Nói mau lên! Không thì...
Võ Lâm Thần Toán cũng trấn tĩnh lại thật nhanh, nói đến đây, lão chợt biết lão đã thất thố, buông nhanh tay của Hà Thúy ra, lão lại nói :
- Xin thứ lỗi! Hà cô nương nói tiếp đi!
Thấu hiẻu tình cảnh của Võ Lâm Thần Toán, Hà Thúy hoàn toàn không để tâm đến hành động vô ý vừa rồi của lão mà Hà Thúy lại đáp :
- Tuy vãn bối không mục kích được sự việc đã xảy ra như thế nào, nhưng vừa rồi vãn bối vừa đến đây thì dã nghe... đã thấy...
Hà Thúy vội thuật lại tiếng kêu thét và sự bỏ chạy điên cuồng của Cao Nhẫn mà cô ta vừa nghe, vừa chứng kiến cho Võ Lâm Thần Toán nghe...
Nghe xong, Võ Lâm Thần Toán cũng chết sững. Một lúc sau, lão mới nói một câu, không hiểu ý lão như thế nào, lão nói :
- Có thể như thế sao?
Nói xong, lão nói hơi lớn hơn :
- Mọi người đã nghe hết rồi chứ? Mau tản ra đi tìm tung tích của Cung chủ! Trong vòng một trăm dặm vuông phải lục soát kỹ! Người nào được tin, phải cấp báo về ngay! Ai không tìm được, hẹn ba ngày sau, tập trung tất cả lại đây. Đến lúc đó, bản nhân sẽ có quyết định sau! Đi đi!
Nghe lão Võ Lâm Thần Toán nói mà Hà Thúy bắt ngạc nhiên! Hà Thúy đưa mắt nhìn quanh xem lão đang nói với ai. Không nhìn còn đỡ, đã nhìn thì Hà Thúy đã ngạc nhiên lại càng ngạc nhiên hơn, vì xung quanh Hà Thúy không biết cơ man nào là người! Họ không đến gần, nhưng họ đã đến lúc nào mà Hà Thúy không hề hay biết! Đông lắm!
Không đếm xuể!
Đã quá ngạc nhiên khi nghe Võ Lâm Thần Toán nói đến danh xưng Cung chủ, Hà Thúy nghe mà sững sờ! Không lẽ là...
Mà Cung chủ cung nào? Hà Thúy là một trong mười hai Chuyên lệnh sứ, không bang phái nào mà không nghe biết đến. Thế mà từ đâu lại nảy ra một Cung chủ với môn nhân thuộc hạ thật là hùng hậu! Mà võ công của những người này quả là đáng nễ! Họ lẵng lặng mà đến, không phải một mà là hàng trăm, hàng trăm người. Đến võ công thuộc hạng như Hà Thúy mà cũng không nhận ra đuợc họ đã đến.
Võ Lâm Thần Toán quả là nhanh, lão vừa bảo mọi người đi thì thân hình của lão đã vụt lướt đi!
“Danh bất hư truyền!” Hà Thúy nghĩ thế khi nhìn theo bóng Võ Lâm Thần Toán.
Quay nhìn lại bọn người kia, họ đã biến mất tăm. Kinh sợ, vì võ công của bọn này thì ít mà Hà Thúy thấy sợ cho kỷ luật nghiêm minh của họ.
Họ phân công ra sao? Không nghe!
Họ tản đi lúc nào? Không biết!
Trút ra một hơi thở dài, Hà Thúy nghĩ: “Nếu có bọn người này xuất hiện sớm thì Hiệp Thiên bang hết đất dụng võ...!”
Nhìn lại đống hoang tàn đổ nát, Hà Thúy chép miệng :
- Tội nghiệp cho sư phụ Quân chủ, quả là trời không tha, đất không dung!
- Thất muội đang nói về ai thế?
Hoảng hốt, Hà Thúy quay người lại, há hốc miệng ra mà nhìn, mà kêu :
- Ngươi... Ngươi là ai? Có phải là... là Tứ sư huynh?
Người mà Hà Thúy vừa gọi, vừa hỏi chính là Đệ tứ chuyên lệnh sứ.
Nhưng thật khó mà nhận ra con người trước đây đã là một trong mười hai vị Chuyên sứ! Đã từng là người một thời ngang dọc, thét ra lửa, thở ra khói! Người mà chỉ một cái nhăn mặt, nhíu mày đủ làm cho người của các bang phái, môn phái lo sợ.
Đệ tứ chuyên lệnh sứ lúc này thần tình mỏi mệt, gương mặt hốc hác, phong sương. Nhưng không còn vận y phục màu tía của Chuyên lệnh sứ mà mặc đạo bào. Trước ngực áo còn thêm hẳn một hình thái cực đồ, trông rất lạ mắt.
Thấy Hà Thúy sợ sệt và không nhận ra mình, Đệ tứ chuyên lệnh sứ cười hiền hậu mà nói :
- Thất muội chớ kinh hãi, ta giờ không còn là Đệ tứ chuyên lệnh sứ của Quân chủ và Hiệp Thiên bang nữa! Nếu còn nghĩ tình, Thất muội hãy gọi ta là Tứ ca được rồi. Làm gì mà Thất muội lại đứng ngẩn người ở đây? Thất muội vừa nói ai là kẽ đất không dung, trời không tha vậy?
Kinh nghi, Hà Thúy nhìn Đệ tứ chuyên lệnh sứ :
- Tứ sư huynh nói thế nghĩa là sao? Sao hôm nay Tứ sư huynh lại thay đổi y phục gì mà lạ thế?
Biết Hà Thúy còn chưa tin những lời mình đã nói, Đệ tứ chuyên lệnh sứ liền kể :
- Ta và Thập muội đã từ lâu không còn là người của Quân chủ nữa! Trái lại, ta, Thập muội cũng đang ở trong tình trạng như Thất muội vậy! Tội nghiệp Thập muội, đã cuồng điên mà Quân chủ cũng không tha thứ! Thất muội có tin lời Tứ ca này nói không.
Đạo bào này của một đạo sĩ trao tặng cho Tứ ca. Ta đã muốn bái người làm thầy để tu tĩnh thân mình. Nhưng đạo sĩ bảo :
- Ta còn chút việc vương vấn, khó mà cam lòng làm ẩn sĩ, do đó người sai ta di làm một việc, nếu xong ta sẽ giã từ giang hồ đầy tranh chấp, giết chóc mà lui chân vào chốn hoang sơn, làm bạn cùng muông thú với cây rừng!
Nghe vị Tứ sư huynh nói một thôi một hồi, Hà Thúy đã thấy tin tin, nhưng vẫn còn e dè hỏi :
- Trường hợp nào mà Tứ sư huynh và Thập muội lại ly khai?
Không mảy may nản lòng vì sự ngờ vực của Hà Thúy, Đệ tứ chuyên lệnh sứ liền đem mọi việc đã xảy ra tại Quan Đế miếu bên bờ Động Đình hồ mà nói lại...
Hà Thúy xúc động trước sự phát cuồng của Thập muội, Hà Thúy hỏi :
- Thập muội bây giờ đã ra sao rồi Tứ sư huynh?
- Đã bị Quân chủ sai các huynh đệ bắt về và đã... đã giết đi!
Tay bịt chặt miệng ngăn tiếng kêu nhưng vẫn để thoát ra hai tiếng :
- Ôi Trời!...
Sau một lúc trấn tĩnh lại, Hà Thúy đưa tay chỉ đống đá vụn lẫn đất cát mà nói :
- Tứ... ca xem, đây lại mà kiệt tác mới của Quân chủ, sư phụ tiên phong đạo cốt của chúng ta!
Vị Tứ ca đưa mắt nhìn theo tay Hà Thúy chỉ, lại nhìn quanh để nhận định phương hướng. Nhận định xong, lại đưa mắt nhìn nơi đỗ nát. Vị Tứ ca lên tiếng :
- Đây không phải là nơi Quân chủ giam người sao? Sao lại ra thế này? Ai đã làm? Quân... Quân chủ ư? Tại sao?
Đưa đôi mắt căm phẫn, Hà Thúy nhìn Tứ ca của mình mà nói :
- Muội đã nói đây là kiệt tác của... lão mà! Tứ ca không tin sao? Là do Hồng Đạn Tử Vân Hương đấy!
Rồi thuật lại hiện tượng kêu thét và bỏ chạy của Cao Nhẫn cho Tứ ca nghe, nghe xong Hà Thúy hỏi :
- Tứ ca đã tin chưa? Tứ ca còn nói gì nữa không?
Lắc đầu ngao ngán trước sự việc, không chỉ đưa ánh mắt buồn thảm nhìn chằm chằm vào nơi đỗ nát, nơi đã trở thành mồ chôn của hàng trăm người vô tội.
Một lúc sau, chợt nhớ ra việc gì, vị Tứ ca liền hỏi lại :
- Thất muội! Theo Thất muội thì Cao huynh đã bỏ chạy. Mà chạy đi đâu, Thất muội có biết không? Có thể nào Cao huynh tìm đến Quân chủ không?
Hà Thúy lắc đầu đáp :
- Muội không biết, nhưng chắc là không chạy đến Quân chủ đâu, vì Cao huynh chạy về hướng Bắc!
- Hướng Bắc! Vậy thì đi đâu? Thất muội, nhiệm vụ của ta lần này là đi tìm Cao huynh đấy! Thất muội ở lại, ta đi trước nhé! Phải tìm được Cao huynh mới được...
- Tứ ca đừng bỏ muội, hãy cho muội đi theo với! Muội cũng muốn ẩn mình cho xong!
Vị Tứ ca nhìn Thất muội của mình mà thương hại cho phận gái lắm truân chuyên, đành gật đầu :
- Được rồi! Mau lên! Chúng mình phải tìm cho được Cao huynh!
- Tìm làm chi? Có gấp lắm không?
- Gấp! Muội cứ đi rồi ắt biết!
Hai người vội phóng mình chạy đi! Chạy theo hướng lúc nãy Cao Nhẫn đã bỏ chạy!
Nhân định thắng thiên?
Núi rừng tịch mịch.
Thanh sơn u nhã.
Không một bóng người.
Chốc chốc tiếng chim rừng kêu rúc.
Lâu lâu tiếng thú rừng gầm hú.
Đã là lúc muông thú sống về đêm tỏa ra đi kiếm mồi.
Ánh trăng bàng bạc rắc đầy trên mặt đất. Như soi lối cho người đi.
Ai đi? Ai có đởm lược đi vào một đêm như thế này, giữa rừng sâu núi thẳm?
Họa là kẻ điên!
Sạt... Sạt...
Qua ánh trăng chiếu xuyên kẽ lá, có bóng người thất thểu đi.
Có người đi thật!
Ai vậy? Có điên khùng không mà một mình trong đêm vắng lại dám phất phơ đi vào chốn này?
Bóng người vẫn thất thểu đi.
Không kêu, không hú...
Từng đốm trăng sáng soi rọi vào gương mặt và y phục.
Gương mặt và y phục không nói lên được đây là một người điên.
Nghi biểu đường đường, sáng láng.
Y phục tuy không hoa lệ, nhưng tươm tất, gọn gàng.
Không điên sao lại đi vào tận nơi đây?
Chốc chốc lại đưa tay đấm một quyền vào thân cây nào vô phúc mọc gần bên y.
Ầm...
Tiếng động vang dội khắp núi rừng.
Điên thật! Đúng là một người điên!
Giữa đêm thanh vắng, tiếng chuyển động vang thật xa.
Ầm...
Tiếng động làm muông thú hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Chim rừng bị động vừa bay, vừa kêu lên inh ỏi.
Tất cả người tiếng động đó đã làm cho hai người ở mãi tít phía xa phải chú ý.
Họ dừng chân nghe ngóng.
Rồi họ lại phóng vụt đi.
Họ lao về hướng phát ra tiếng động.
Họ lướt đi thật nhẹ nhàng.
Qua ánh trăng, có thể nhận biết đó là một nam nhân và một nữ nhân.
Họ vẫn băng mình lướt đi.
Ầm!
Tiếng động phát ra gần hơn.
Họ dè dặt bước chân hơn.
Ầm!
Đã như gần sát ngay bên.
Họ cẩn thận hơn.
Khẩn trương hơn.
Và họ đã thấy bóng người đang đi thất thểu ở cách họ chưa đầy mười trượng.
Họ dừng chân, chú mục quan sát.
Chưa thể nhận ra đấy là ai.
Họ dùng mắt ra hiệu với nhau.
Cả hai nhận ra, tỏa vào hai bên lối đi, nếu đây gọi mà lối đi, kẹp bóng người kia vào giữa họ! Họ sẽ chân bước tới!
Bóng người kia vẫn vô tình và thất thểu đi...
Ầm!
Một thân cây vô tội nữa đã bị ăn một quyền.
Lợi dụng ngay cơ hội này, hai bóng người đã lướt nhanh tới. Vẫn cứ theo hai bên mà phóng tới.
Họ đã qua được bóng người vẩn tiếp tục đi thất thểu.
Họ dừng chân chú mục quan sát kỹ người kia.
Thần tình họ xúc động, qua đôi môi họ đang mấp máy.
Họ đã muốn kêu lên.
Và rồi, họ cũng phải kêu lên...
- Cao huynh!
- Cao thiếu hiệp!
Cả hai, một nam một nữ, chỉ dám đứng xa mà kêu!
Người đang đi thất thểu, được hai người nọ gọi là Cao huynh, nghe tiếng người gọi, đã vội dừng chân lại, đôi mắt xạ hung quang, nhìn nơi đã phát ra tiếng gọi mà quát :
- Ai? Việc gì mà phải gọi ta?
Thấy người này, tuy ánh mắt lộ vẻ hung dữ nhưng giọng nói thì đã được kềm chế, hai người nọ từ từ bước lại, họ kêu lên :
- Cao thiếu hiệp, là ta đây, Hà Thúy đây!
Đó là giọng nói của một nữ nhân. Còn giọng nam nhân thì nói :
- Cao huynh, là ta đây, huynh còn nhận ra ta không?
Đúng rồi, bóng người đi thất thểu chính là Văn Thảo Nguyên, mà hai người nọ vì chưa biết nên vẫn xem là Cao Nhẫn. Văn Thảo Nguyên lạnh giọng mà nói :
- Ra là các người! Các người còn muốn gì nữa đây? Như vậy còn chưa đủ sao? Các người không để ta yên sao?
Giọng nam nhân cuống quýt như muốn phân bua :
- Cao huynh! Bọn ta đã tìm Cao huynh biết bao gian khổ.
Văn Thảo Nguyên đã ngắt lời :
- Tìm ta để làm gì? Lúc này ta không màn gì cả? Ta chỉ muốn chết đi cho rồi, các người biết không?
Nghe Văn Thảo Nguyên thét lên như vậy, Hà Thúy đã không sợ mà còn nói với nam nhân :
- Tứ ca! Đi thôi, hắn đã muốn làm con rùa rút cổ lại, chúng mình còn trì kéo hắn để làm gì? Đi! Mình cũng bỏ trốn quách, cho lão Quân chủ muốn làm gì kệ lão! Ai chết mặc ai!
Văn Thảo Nguyên nghe lời nói khích của Hà Thúy mà tức giận, người run bắn lên, cơ mặt co co giật giật :
- Hà Thúy! Hà cô nương chứ, Hà cô nương còn muốn tại hạ phải làm gì nữa đây? Đánh thì đánh không lại lão. Càng đánh thì càng nhiều người vô tội phải chết oan. Tại hạ phải bỏ cuộc thôi để tránh những cái chết vô nghĩa, rồi đây lão cũng sẽ chết, giang hồ sẽ qua cơn sóng gió.
- Ha... ha... Ha...!
Hà Thúy thốt nhiên bật cười lên, cười như ngây, như dại.
Văn Thảo Nguyên bực tức vì tràng cười của Hà Thúy đã cắt đứt dòng suy tư của mình, Văn Thảo Nguyên vội quát lên :
- Câm ngay! Tại sao lại cười? Có gì đáng để cười đâu?
Hà Thúy dứt tiếng cười, đưa mắt khinh bỉ nhìn Văn Thảo Nguyên :
- Không đáng cười à? Nếu giang hồ này đầy rẫy những người có ý nghĩ như ngươi thì ta hỏi ngươi công bằng ở đâu? Chính nghĩa ở đâu? Đến như ngươi mà lại còn suy nghĩ ấu trĩ đến thế sao? Đến ngươi mà phải cần ta dạy những điều này sao? Được! Ngươi đã nghĩ vậy thì mặc ngươi, mặc cho Vạn Ngọc Châu vì ngươi mà hy sinh, vì ngươi mà cam chịu tiếng bất hiếu, lỗi đạo với đấng sinh thành. Tứ ca, đi thôi!
- Hà Thúy cô nương, cô nương... tôi... tôi... tôi quả là có lỗi. Hà Thúy cô nương, vậy tôi... tôi phải làm gì đây? Cô nương nói đi, tôi xin nghe! Tôi xin nghe mà!
Từng tiếng nói của Hà Thúy đã như những nhát chùy nện vào đầu Văn Thảo Nguyên, tay chân bủn rủn, tâm trí đau buốt, Văn Thảo Nguyên đảo mình chận bước chân của Hà Thúy đang dắt tay vị Tứ ca của mình mà bỏ đi.
Văn Thảo Nguyên chận hướng này, Hà Thúy lạng người, đi theo hướng khác. Văn Thảo Nguyên lại xê mình chận nữa, Hà Thúy vẫn tránh người mà đi. Đến câu cuối cùng, Văn Thảo Nguyên nói mà cơ hồ phát khóc.
Hà Thúy thấy vậy, mới mỉm cười đắc ý, đình bộ lại. nhìn vào mắt Văn Thảo Nguyên mà hỏi :
- Cao thiếu hiệp chịu nghe lời ta? Cao thiếu hiệp không muốn ẩn đi sao? Cao thiếu hiệp không sợ bị lão Quân chủ nữa sao? Thiếu hiệp nói đi!
Ức lòng, Văn Thảo Nguyên bộc bạch trong cơn phẫn nộ :
- Sợ hay không sợ, cũng không làm gì được lão! Bất quá vì Vạn Ngọc Châu, vì mẫu thân, vì bao nhiêu người vô tội, tại hạ chỉ đến chết là cùng! Tại hạ chết đi rồi, võ lâm này có gì thay đổi? Hay vẫn chịu sự áp đặt, sai khiến của lão ta?
Hà Thúy kinh ngạc hỏi :
- Sao lại có mẫu thân gì ở đây? Mẫu thân của thiếu hiệp là ai?
Nhắc đến thân mẫu, Văn Thảo Nguyên dường như đã xúc động, Hà Thúy hỏi gặng nữa.
Văn Thảo Nguyên nước mắt lưng tròng :
- Các người nào biết, tại hạ cũng vừa được tỏ tường thân thế, minh bạch lai lịch, mẫu tử mới chớm trùng phùng, những tưởng sẽ được kề bên gối mẹ, hầu cận sớm hôm, nào ngờ phút sanh ly lại thành tử biệt.
Cố kềm nén cơn xúc động, Văn Thảo Nguyên tỏ cho cả hai biết lai lịch của mình và kẻ thù hai lần giết cha hại mẹ là ai.
Từng lời thuật lại của Văn Thảo Nguyên nghe như xé lòng, Hà Thúy và vị Tứ ca nghe mà như đứt từng đoạn ruột.
Nghe xong, vị Tứ ca gạt vội nước mắt đã chực trào ra mà nói cùng Văn Thảo Nguyên :
- Văn huynh, chuyện này rất là minh xác, chính tai ta đã từng nghe lão kể lại vào những ngày đầu lão đã muốn khai tông lập phái như thế nào. Văn tiền bối đích xác là do tay lão hạ thủ. Thật không ngờ đấy chính là lệnh tôn. Thôi, Văn huynh đừng có buồn bã, ta có việc này cần gấp đến Văn huynh.
- Việc gì, xin huynh đài cứ nói!
- Nguyên ta tình cờ có gặp một lão đạo, lão có ý muốn tìm kiếm Văn huynh.
- Lão đạo? Tìm tại hạ? Để làm gì? Tại hạ nào có quen biết đến lão đạo nào đâu?
- Ta không biết lão đạo cần gặp Văn huynh có việc gì, nhưng ắt có liên quan đến tình thế giang hồ hiện nay! Chắc chắn phải liên quan đến lão Quân chủ!
- Lão đạo chỉ đích danh tại hạ à?
- Không! Không nêu đích danh ai, nhưng theo ta, người lão đạo cần tìm chính là Văn huynh.
- Sao lạ vậy? Sao huynh đài cho là người lão cần gặp lại là tại hạ?
- Đây, Văn huynh hãy cứ nghe rồi sẽ hiểu, nguyên văn lão đạo nói như thế này: ‘Tình thế này chính là lúc mà sư tổ có nói đến. Ngươi hãy tìm xem, người nào mà có khả năng nhiều nhất để vãn hồi tình thế, hãy đem về đây gặp ta!’.
- Hừm! Sao lại mập mờ vậy? Lão đạo ấy là người như thế nào? Lão đang ở đâu?
- Lão đạo ấy là người rất lạ lùng, đạo gia không ra đạo gia, biết võ công cũng như không biết võ công. Xem chỗ lão ở lại là nơi thoát tục! Khó nói được lắm. Nhưng may mà Văn huynh đi theo hướng này, cũng gần chỗ lão ở. Nếu Văn huynh không ngại, hãy cứ đến thử xem sao! Biết đâu chừng đây là ý trời sắp đặt?
Nghe nói về lão đạo này, Văn Thảo Nguyên tuy không có chút nào hứng thú nhưng vẫn hiếu kỳ mà muốn gặp một lần cho biết. Huống chi, đã có một thân võ học phi phàm, Văn Thảo Nguyên nào biết ngán sợ... nên
- Ừ! Đi thì đi! Huynh đài! Xin đi trước!
Thế là vị Tứ ca đi trước dẫn đường, Văn Thảo Nguyên và Hà Thúy theo sau.
Đi gần hết canh ba là đã đến nơi.
Một mái tiểu am bên bờ dốc thoai thoải. Nằm vắt trước tiểu am là một dòng suối. Thật là một cảnh nên thơ.
Tiếng suối róc rách qua từng kẽ đá, reo lên giữa đêm trường tĩnh mịch, làm cho tâm hồn người như lắng dịu lại mà thưởng thức tấu nhạc thiên thai ở chốn gian trần...
Trong tiểu am, một ánh đèn le lói, qua mành trướng mà soi tỏ một bóng người. Tóc vấn theo kiểu đạo sĩ thường thấy. Râu để dài phất phơ theo từng ngọn gió đem.
Vị Tứ ca hắng giọng và nói :
- Bạch thầy, đã tìm được người thầy muốn gặp rồi ạ!
- Vào đi! Kẻo sương khuya thấm lạnh!
Giọng trầm ấm vang lên làm ấm lòng người nghe giữa đêm khuya vắng lặng.
Xô nhẹ màn treo trướng rũ, cả ba cùng nhẹ chân đi vào...
Quả thật, lão đạo sĩ không giống những người bình thường. Tuy nhìn chung, lão cũng không có gì là khác thường.
Có khác chăng là ở dáng dấp bình thường của lão, không thấp, không mập, không gầy, không giống người có võ công nhưng trầm tịnh và đôi mắt uy ngời cho thấy mà người có võ công.
Cổ nhân nói “Bình định như núi thái” chính là để chỉ lão đạo sĩ này.
Lão đưa mắt nhìn cả ba, chạm ánh mắt nhìn của lão, cả ba đều cảm thấy không sợ mà phục, không muốn cúi đầu cũng phải gầm đầu xuống!
Giọng lão trầm ấm lại cất lên :
- Là người này ư?
Mắt lão đang hướng về Văn Thảo Nguyên.
Không phải nhìn, cũng biết lão đạo nói về ai, vị Tứ ca thưa :
- Bạch thầy, đúng vậy!
Vì nếu lão đạo sĩ chỉ Hà Thúy mà hỏi ắt sẽ thêm vào câu nói một câu “là nữ nhân à!”
Lão xem xét qua một lượt, từ đầu đến chân của Văn Thảo Nguyên, đoạn lão bảo cả ba :
- Ngồi xuống đi!
Hương trầm từ một đỉnh hương gần đó tỏa ra thoang thoảng, nghe mà nhẹ cả người, lâng lâng! Lão đạo sĩ lại lên tiếng :
- Giang hồ loạn lạc, do đâu mà ra? Thiếu hiệp nói đi.
“Còn do đâu mà ra nữa mà lão lại hỏi vậy? Không phải là do lão Quân chủ ỷ trượng vào võ công siêu phàm, ỷ trượng vào thần đao Tử Quang mà mong đè đầu cưỡi cổ mọi người sao?”
Văn Thảo Nguyên tự nhủ vậy, nhưng sau một lúc suy nghĩ, Văn Thảo Nguyên lại thấy không đúng, nên nói :
- Mới đầu nghe... đạo trưởng hỏi, vãn sinh đã nghĩ ngay được lời đáp! Nhưng suy nghĩ lại thì vãn sinh lại có nhận định khác...
Buông lửng câu nói, Văn Thảo Nguyên chờ phản ứng của lão đạo sĩ.
Nãy giờ lão lim dim mắt, bây giờ, mắt lão lại mở ra nhìn Văn Thảo Nguyên, lão nói ôn tồn :
- Thiếu hiệp, hãy nói tiếp đi!
Văn Thảo Nguyên vội tiếp lời :
- Chánh tà vốn bất lưỡng lập, đạo vượng ma tiêu! Ngược lại đạo sẽ tiêu nếu ma vượng. Nhưng cái gì là chánh, cái gì là tà? Sao gọi kẻ này là tà, kẻ kia là chánh? Tiêu chuẩn đâu mà quyết đoán được? Bang phái ư? Xuất xứ võ học ư? Hay mà do hành động của họ? Do bề ngoài của họ mà nói vậy? Võ học tà mà tâm chánh, việc này không phải là không có. Ngược lại, xuất môn của một người là chánh nhưng tâm họ bất chánh, thì có được gọi là tà không? Hoặc một người có dã tâm, có toan tính riêng, hai tay mà bưng hết mắt thiên hạ, khéo che đậy, được xưng tụng là đại hiệp vậy là tà hay chánh? Bưng bít được thì là chánh! Không che đậy được nữa có cam chịu mình là tà không? Nhìn lão Quân chủ mà xem, dáng vẻ bên ngoài ai dám nói là tà! Võ học thì là của tiên gia, tà sao được mà tà! Vậy mà tà tâm của lão đã thắng được chánh môn! Loạn của giang hồ nhiều đều do tà tâm của người giang hồ mà ra! Tham danh ấy cũng bởi tà tâm. Tranh lợi cũng do tà tâm. Có tà tâm, có đố kỵ, ắt phải có loạn! Vãn sinh nói vậy có đúng không? Thưa đạo trưởng?
Dáng lão đạo sĩ lúc này bỗng trở nên trầm tư, gật đầu khi nghe câu Văn Thảo Nguyên hỏi, lão mới nói :
- Thiếu hiệp tuổi còn trẻ nhưng đã có cái nhìn bao quát, xuyên suốt hết chiều dài lịch sữ của võ lâm! Còn thiếu hiệp thì sao, thiếu hiệp là tà hay là chánh?
Nghe câu hỏi của lão đạo sĩ mà Văn Thảo Nguyên ngẩn cả người. Với câu hỏi này, Văn Thảo Nguyên giật mình mà tự xem lại chính mình. Mình là tà hay là chánh? Chánh được sao khi hai tay mình đã nhuốm máu? Tà ư? Đã là tà sao lại chê trách người ta là tà? Còn nếu bảo việc mình làm là đúng với ước vọng của mọi người, thì đã đúng chưa?
Công luận của võ lâm không phải lúc nào cũng đúng.
Hành động trước đây của sư phụ, không phải là đáp ứng kỳ vọng của số đông người đó sao? Sao sư phụ lại hối hận? Tà? Chánh? Thế nào gọi là tà? Thế nào mới được gọi là chánh?
Mơ mơ hồ hồ, Văn Thảo Nguyên tự mình hỏi lấy mình, đến lúc thần trí cơ hồ rối loạn, Văn Thảo Nguyên đã nói ý nghĩ thành lời lúc nào không hay!
Lão đạo sĩ nghe được những lời này, lão cười và nói :
- Thôi! Thiếu hiệp đừng tự làm khổ não mình nữa. Biết suy xét lấy việc mình làm, dắn đo trước lời mình nói đã là hay lắm rồi! Sư tổ của ta đã vì vấn đề này mà không ngớt tự dằn vặt lấy mình. Xem đây!
Lão đạo sĩ đưa tay chỉ vào bức hoành phi to lớn treo ngay trước mặt lão, mà khi cả ba người lúc bước vào, do vẻ uy nghi của lão, cả ba không kịp nhìn đến bức hoành phi bằng lụa tốt, màu trắng ngà của thời gian, trên bức hoành phi chỉ có mỗi hai chữ:
Tà? Chánh?
Chắc có lẽ sư tổ của lão đạo sĩ đã từng ngồi chỗ của lão đạo sĩ bây giờ đang ngồi mà trầm tư, mà suy niệm về hai chữ chánh, tà này.
Đợi mọi người đã nhìn xong, lão đạo sĩ đưa tay vào ngực áo lôi ra một hộp nhỏ, dài, bằng gỗ mun. Lão đặt trước mặt Văn Thảo Nguyên mà nói :
- Chắc có lẽ thiếu hiệp đúng là người ta muốn tìm. Không, phải nói như thế này mới đúng, thiếu hiệp là người mà sư tổ ta muốn gởi gắm, ủy thác. Thiếu hiệp hãy mở hộp này mà xem. À! Trước hết, hãy đọc qua hàng chữ niêm trên miệng hộp.
Đưa tay cầm lấy chiếc hộp gỗ, Văn Thảo Nguyên cảm nhận được là cái hộp rất nhẹ. Không hiểu trong hộp có chứa vật gì không. Nghĩ vậy, Văn Thảo Nguyên mới xem qua hàng chữ được viết ngay vào tờ giấy dùng để niêm miệng hộp:
“Đợi đến lúc lửa bỏng dầu sôi, hãy mở hộp này ra!”
Văn Thảo Nguyên lại đưa mắt nhìn lão đạo sĩ, lão nói :
- Thiếu hiệp cứ tự tiện!
Gỡ nhẹ tờ giấy niêm ra, Văn Thảo Nguyên hé mở nắp hộp, nhìn vào, một mảnh lụa hoa tiên xếp gọn, bên dưới là một cuốn lụa.
Đặt hộp gỗ xuống, nhón tay cầm mảnh hoa tiên lên, mở ra, Văn Thảo Nguyên đọc được:
“Lấy dữ đáp lại dữ, lấy mạnh diệt mạnh ấy là trí!
Ta tự cho là đã thông huyền lẽ đạo, thế mà trước đây ta đã làm một việc bất trí. Vệ Ngõa đưa người vào Trung Nguyên toan làm loạn, ta đã chận đứng được việc này, nhưng cách làm của ta là cách làm của kẻ bất trí.
Sau đó, ta về đây suy nghiệm lại một lần nguy khốn. Đó là hậu quả của việc làm bất trí của ta.
Người nối nghiệp ta không đủ huệ trí. Do đó ta lưu lại chỉ pháp độc tôn cho người. Hãy vì võ lâm Trung Nguyên mà trừ hại, nên nhớ, đừng làm điều ta đã làm. Dung được thì dung, không cần ra tay. Một khi đã ra tay thì quyết không dung. Ấy là luật trời vậy.
Tử Hà Thượng Nhân”.
Văn Thảo Nguyên đọc mà đổ mồ hôi. Sợ cho việc biết rõ mọi sự sau này của Tử Hà Thượng Nhân, mừng cho sư phụ mình may mà thoát chết, tránh được lưới trời buông phủ.
Đưa mắt nhìn quanh, lão đạo sĩ và Hà Thúy cùng vị Tứ ca đã đi đâu cả rồi. Yên tâm vì không phải giải thích về thái độ của mình lúc vừa rồi, Văn Thảo Nguyên mở cuộn lụa ra xem.
Phía trên đầu cuốn lụa có ghi rõ:
“Duy Ngã Độc Tôn chỉ pháp.
Người tham luyện phải có chánh tâm. Bằng không sẽ chết ngay vì tẩu hỏa nhập ma, đừng trách ta sao không nói trước”.
Đọc qua một lượt về yếu quyết, Văn Thảo Nguyên không biết là do mình có huệ trí cao hay là do lời viết dễ hiểu, mà Văn Thảo Nguyên đọc đến đâu, hiểu được đến đó.
Thấy không đến nỗi khó luyện, chủ yếu của chỉ pháp là lấy đất mẹ làm sinh lực, lấy trời cha làm khí lực. Hợp với tâm với ý mình mà phát ra thành chỉ lực. Văn Thảo Nguyên ngồi đó mà luyện luôn.
Mở mắt ra đã thấy Hà Thúy đứng gần đó, trên mặt không giấu được vẻ bồn chồn, Văn Thảo Nguyên cười nhẹ và cất tiếng hỏi :
- Hà cô nương đến đã lâu chưa? Có việc gì không mà xem cô nương có vẻ lo lắng?
Thấy Văn Thảo Nguyên đã lên tiếng, Hà Thúy cả mừng, nói ngay :
- Thiếu hiệp đã luyện công xong chưa? Đếm qua có một việc mà ta chưa kịp nói với thiếu hiệp...
- Đêm qua? Mới chỉ có một đêm thôi sao?
Đưa mắt nhìn bầu trời qua bức trướng, thấy vẫn còn tối mà sao Hà Thúy lại bảo là đêm qua.
Hà Thúy hiểu, bèn nói :
- Thiếu hiệp đã luyện công hết một đêm và một ngày. Bây giờ đã là canh đầu của đêm rằm tháng chín.
- Đêm rằm ư? Vậy đã là một lần rằm nữa! Có việc gì xin cô nương cứ nói, tại hạ đã tham ngộ xong cả rồi!
Hà Thúy, gương mặt lộ vẻ tột cùng sung sướng, nói :
- Đã tham ngộ xong rồi à? Vậy thì hay quá! Chuyện là như vầy...
Cô ta lập lại sự xuất hiện và những lệnh của Võ Lâm Thần Toán cho Văn Thảo Nguyên nghe, đoạn cô ta hỏi :
- Thiếu hiệp là Cung chủ? Cung nào? Ở đâu?
Không để tâm đến lời cật vấn của Hà Thúy, Văn Thảo Nguyên nhẩm tính rồi nói :
- Ba ngày à? Vậy đúng là ngày hôm nay rồi! Và hôm nay cũng chính là kỳ hạn một tháng của lão Quân chủ! Không được, Hà Thúy cô nương hãy mau chỉ lối cho tại hạ! Mau lên kẻo không kịp, nếu hai bên mà đụng nhau lúc này, ắt Ảo Ma cung không tồn tại được nữa! Mau lên cô nương! Mau lên!
Cuống quýt mà nói, cuống quýt mà hỏi, Văn Thảo Nguyên làm Hà Thúy càng thêm bối rối.
Đưa tay chỉ ra ngoài, Hà Thúy vội nói :
- Thiếu hiệp nếu muốn quay lại Kim Lăng thì cứ đi theo hướng này, cách chừng năm mươi dặm. Rồi thiếu hiệp chừng nào quay trở lại, thiếu hiệp có phải là Cung chủ gì đó của bọn người Võ Lâm Thần Toán không?
Nói một thôi, hỏi một hồi, quay lại đã không nhìn thấy Văn Thảo Nguyên đâu nữa cả.
Văn Thảo Nguyên đã biến đâu mất rồi. Đi lúc nào Hà Thúy cũng không hay.
Hà Thúy chỉ biết đứng yên mà nhìn theo hướng đã chỉ cho Văn Thảo Nguyên đi mà khẩn cầu cho Văn Thảo Nguyên trả thù được, diệt được lão Quân chủ.