Du nhập giang hồ
Tiết trời đang xuân!
Mọi cảnh vật trong thiên nhiên như đắm mình trong cảnh sắc an bình.
Do đó mọi vật như thêm phần tươi thắm hơn, huy hoàng hơn. Cảnh trí làm náo nức lòng người, khiến người thêm rộn rịp hơn. Đây đó, tài tử giai nhân dập dìu. Người tản bộ hưởng chút nắng xuân. Kẻ cưỡi ngựa dạo thăm phố xá.
Y phục muôn màu, sặc sỡ như những cánh bướm vui xuân, làm cảnh vật rực rỡ thêm phần rực rỡ. Nhàn du đến khi muốn nghỉ chân, giàu thì cao lâu, nghèo thì từu điếm. Đó đây đều là những cảnh sắc thanh nhàn.
Thú hơn, thì vào một trà đình ở ven sông Hàn, ngồi trong lầu cao, thăm thú cảnh trí bên sông và trên sông. Đây cũng là chốn tao nhân mặc khách thường lui tới để hưởng thú tiêu dao, để tìm thi hứng, hoặc mọi nhã hứng khác.
Ở một bàn trà, trên lan can của một trà đình như thế, một trang thư sinh, vận trang phục màu xanh thiên thanh, cũng đang vừa nhấm nháp chung trà Long tĩnh thượng hảo hạng, vừa ngó mọi cảnh trí bên sông và trên sông như đã nói.
Chàng thư sinh đang tìm thi hứng?
Không ai biết được thi hứng của chàng! Chỉ thấy chàng thư sinh đang đăm chiêu, tư lự. Tiếng chân bước rộn ràng trên thang gỗ dẫn lên lầu trên của trà đình vang lên, phá tan sự yên tĩnh của không gian.
Đó đây, có vài người khó chịu, có kẻ nhăn mày, người nhíu trán. Vì có khi nào, và cũng chẳng có người nào bước lên trà đình lại với thái độ nhốn nháo đến thế, thiếu tế nhị đến thế.
Nghe tiếng chân bước, chưa xem thấy người, chỉ qua tiếng chân nện vào thang gỗ, nhận định như thế không biết được sai?
Dù sao mọi thi hứng, nếu có, của tao nhân mặc khách đều đã bị tiếng chân vang lên làm bay biến đi mất cả. Họ khó chịu là phải.
- Trên này có bàn trống, mau thỉnh tiểu thơ lên.
Vừa nghe lời độc thoại, dịu êm như tiếng oanh hót, thánh thót như tiếng ngọc vỡ, mọi khó chịu của mọi người tiếp sau thi hứng cũng biến mất luôn!
Mọi cặp mắt đổ dồn về phía chiếc thang gỗ, nằm khuất vào góc của trà đình... Trông chờ được thấy dung nhan người ngọc...
Và người ngọc đã xuất hiện... không phải một mà hai...
Cả hai đều đẹp tuyệt trần, xiêm y thướt tha, gót sen thoăn thoắt, làm cho không gian của trà đình vốn đang trầm lặng, lại trở nên ấm áp tươi vui.
Chưa hết...
Lại một người ngọc nữa xuất hiện. Nếu hai nàng trước là đẹp, thì nàng này là tuyệt, tuyệt đẹp. Nước da trắng mịn màng, khuôn mặt rực rỡ như vầng trăng. Đến xiêm y thì thập phần xinh xắn, đi đứng khoan thai. Đến lúc này, không gian như đang trong mùa xuân ấm áp, lại bỗng trở nên cô đặc lại vì mọi người mải trố mắt nhìn, như quên cả mình đang làm việc gì.
Người đang cầm chung trà, định đưa lên miệng thì hóa đá, tay vẫn lưng chừng dừng lại. Kẻ định rót thêm trà, thì lại hờ hững đặt tay lên bình trà rồi để yên đó. Có khi mọi người quên cả thở.
Vừa bước lên thang lầu, thấy mọi người như vậy, cả ba người ngọc đều không lấy làm khó chịu, ngược lại họ thấy khoan khoái.
Một trong hai nàng lên trước, tiến đến bàn trống, không đợi người hầu phục dịch, đã phủi sơ qua mặt bàn, lau sơ mặt ghế, tuy mặt bàn và ghế đã được người hàu khi thấy có khách đã vội lau qua.
- À! Thì ra nàng ta chỉ là a hoàn!
Mọi người đều nghĩ vậy.
Còn nàng thứ hai, quan sát động tĩnh chung quanh, lấy làm mãn ý.
Nhưng đến khi nhìn thấy chàng thư sinh một mình một bàn ở góc đằng xa, vẫn từ từ nâng chung trà lên nhấm nháp, vẫn khoan thai thưởng thức hương vị trà thơm, vẫn đăm chiêu đưa mắt nhìn ra sông, như không quan tâm gì đến việc vừa có ba giai nhân xuất hiện ở trà đình, hay ít ra thì cũng là việc vừa có khách lạ đến, phá vỡ sự yên tĩnh của người hưởng thú tiêu dao. Vô duyên, vô cớ, bỗng nàng này thấy bực bội khó chịu, vừa đưa tay chạm nhẹ vào người ngọc thứ ba, vừa tằng hắng vừa liếc mắt nhìn chàng thư sinh, có ý bảo: “Xem này, đằng kia có một gã, trông dáng dấp như thế mà chắc tai đã điếc, mắt đã mù!”
Người ngọc theo sau hiểu ý, vừa an tọa trên ghế, đã đưa tay đập mạnh lên bàn chát một tiếng, và quát lên lanh lảnh :
- Cho trà!
Thật là nực cười cho bọn người vừa suýt xoa khen thầm người ngọc, đã vội giật mình vì thái độ giận dữ của giai nhân, và lại sợ sệt khi nghe tiếng oanh vàng quát ra lảnh lót! Mọi người quay trở lại với bình trà, chung trà của mình, có người sợ hơn, vội để tiền trên bàn, rón rén bước xuống, đi xa.
Rót xong một lượt trà, các giai nhân uống nhanh như voi cuốn. Cái nóng của trà mới châm làm cho người ngọc thứ ba như nguôi giận.
Nàng nói với hai nàng kia :
- Mặc kệ hắn ta! Các ngươi nhìn gì mà nhìn lắm thế?
- Tiểu thư...!
Vì cả hai nàng cùng thốt lên, nên cả hai đồng ngưng lại.
Cô nàng lúc nãy lau bàn, như vai vế nhỏ hơn nên đưa mắt nhìn cô kia, ý như bảo: “Chị nói đi”.
Cô kia hiểu ý, đáp :
- Bẩm tiểu thư, chúng tiểu nhân đâu thèm nhìn hắn làm chi? Vì hắn cũng đâu có chi đáng kể!
Qua lời thoại, mọi người nghe được đều hiểu đây là một vị tiểu thư nào đó, đến trà đình thưởng lãm trà thơm sau một chuyến du xuân, còn hai cô nương kia chỉ là hai thị tỳ.
Ước chừng sau một tuần trà, vị tiểu thư càng cảm thấy khó chịu khi thấy chàng thư sinh nọ hầu như không đếm xỉa gì đến chủ tớ mình.
Một cô thị tỳ chừng hiểu ý, nháy nhó với vị tiểu thư và đưa mắt nhìn chàng thư sinh nọ. Cô tiểu thư nhẹ gật đầu. Cô thị tỳ bèn đứng lên, tiến về phía bàn của chàng thư sinh.
Mọi người chung quanh nhìn thấy, đoán biết có chuyện không hay, đồng đưa mắt nhìn theo, xem sự việc diễn biến.
Đến chỗ chàng thư sinh ngồi, cô ta tỳ cả hai bàn tay vào bàn, hất hàm, xấc xược nói :
- Này, ta xem ngươi ngồi đây rất chướng mắt đấy!
Nghe hỏi, chàng thư sinh làm như đến lúc này mới trông thấy có người đến gần mình, chàng đưa mắt nhìn lại, rồi nhún vai thốt :
- Cô nương, tiểu sinh ngồi đây, nào có động chạm gì đến cô nương?
- À! Ngươi còn ở đó mà mồm mép. Ta hỏi ngươi, ngươi ngồi ở đây đã lâu, thế ngươi có trông thấy gì không?
Chàng thư sinh đảo mắt nhìn khắp phòng một lượt, rồi chàng nhẹ gật đầu, đứng lên rồi đáp :
- Vâng, tiểu sinh hiểu rồi!
- Ngươi hiểu gì?
- Chắc cô nương là người nhà quán, thấy tiểu sinh ngồi đã lâu nên... vậy thôi, tiểu sinh xin lui chân.
Nói xong, chàng thư sinh đặt nơi bàn một nén bạc, rồi quay gót lui ngay, khiến cô nàng kia ớ người, không biết phải làm sao đây? Vì chàng thư sinh nọ có vẻ là người chất phác, tay chân mềm yếu, trói gà không chặt.
Lúc đi ngang bàn của chủ tớ vị tiểu thư, đưa mắt thấy vị tiểu thư, chàng thư sinh nọ ngẩn người nhìn chăm chú vị tiểu thư. Cô thị tỳ còn lại thấy cảnh này bèn lên tiếng, vừa nói, vừa khúc khích cười :
- Thế mà ta cứ tưởng ngươi không có mắt!
Chàng thư sinh nghe vậy, luống cuống, đỏ mặt, làm khuôn mặt của chàng vốn đã trắng trẻo như một thư sinh chính hiệu nay đỏ mặt lên trông càng yếu ớt hơn. Vị tiểu thư thấy vậy bèn cười lên, hai cô thị tỳ cũng cười theo, làm cho mọi ngưới cũng cười ồ lên.
Nghe những tiếng cười nổi lên, biết họ cười mình, chàng thư sinh cúi đầu quay đi thật nhanh.
Bỗng đến gần thang lầu, chàng thư sinh trượt chân, bắt buộc phải bám người vào tay vịn, xoay người một lần mới đứng vững được. Vừa may một bóng đen vút thật nhanh lên lầu, lướt qua ngay bên cạnh chàng thư sinh.
Chứng kiến việc này, ai cũng phải mừng thầm cho chàng thư sinh.
Nếu không vì cái trượt chân đó, có lẽ chàng đã va phải vào nhân vật vừa phóng vút người vượt lên, và ắt có lẽ chàng khó toàn mạng. May thật may, khéo thật là khéo!
Nói thì chậm, nhưng sự việc diễn tiến không đầy cái chớp mắt. Bóng đen vừa hiện thân, liền đến bên cạnh vị tiểu thư, khom mình thi lễ rất đúng mực, nói :
- Bẩm tiểu thư, có người muốn gặp tiểu thư!
- Ai?
Chàng thư sinh vẫn đứng yên, nghe qua lời nói của gã áo đen cùng vị tiểu thư, thì một bóng người lại nhẹ lướt qua chỗ chàng đứng. Lúc này chàng nhún vai, rồi đưa chân định bước xuốn.
Bóng người lên sau, vừa kịp nghe cô tiểu thư hỏi thuộc hạ, bèn lên tiếng đáp thay :
- Ta.
- Kẻ nào?
Bóng người chớp động, hai cô thị tỳ đồng lúc phát ra câu hỏi đã nhanh chân đứng ngáng trước mặt vị tiểu thơ, hai tay đưa ra, đã thấy hai trường kiếm loang loáng trước mặt. Té ra họ đều giấu kiếm trong người, khéo đến nỗi khó có người nhận thấy.
Lại là một thanh niên, mặc võ phục trắng, mày thanh mũi tú, dung mạo như Phan An. Chàng thanh niên thấy cử chỉ của hai thị tỳ, bèn cười khẩy rồi nói :
- Thế nào? Kẻ hèn này muốn ra mắt Trịnh tiểu thư, việc này có chi là thấy lễ?
- Lui ra!
Vị tiểu thư nạt hai thị tỳ, xem lại dung mạo của chàng thanh niên, rồi đưa mắt nhìn chàng thư sinh như có ý so sánh, vừa kịp thấy chàng thư sinh nhìn mình, và nghe chàng lẩm bẩm :
- Té ra đây là Trịnh tiểu thư, Trịnh Hiểu Thiên!
Gật gật đầu, ra vẻ đã nhớ lại, chàng thư sinh bước xuống.
Trịnh Hiểu Thiên vội kêu :
- Chàng kia! Sao lại biết ta?
Chàng thư sinh vẫn làm ra vẻ không nghe, vẫn đi tiếp, người khuất hẳn, tai vẫn còn nghe.
Còn chàng thanh niên nghe Trịnh Hiểu Thiên nói thế bèn lên tiếng :
- Ái nữ của một nhất bang chi chủ, ai người không biết đến danh, không nghe được tiếng?
Chàng thư sinh tuy khuất mình dưới thang cầu, tai cũng đã nghe được lời chàng thanh niên nói, chàng vừa đi tiếp ra khỏi trà đình, vừa lẩm nhẩm nói nho nhỏ :
- Hay thật, nhắc đến Tào thì đã trông thấy Tào!
Chàng nói chàng hiểu, không ai hiểu nổi ý chàng.
Dọc theo sông Hàn, rải rác nhiều trà đình, tửu quán. Ngang qua tửu quán nào, chàng thư sinh cũng đưa mắt nhìn quanh, khi không nhìn thấy điều chàng trông được thấy, chàng lại tiếp tục bỏ đi.
Tướng đi vẫn có vẻ thong dong, nhàn hạ, như người đi du xuân, chàng đi mãi, càng đi, nhìn vẻ mặt cũng đoán biết là chàng đang thất vọng.
Nếu có ai đi kề bên, hẳn đã nghe chàng nói nho nhỏ :
- Tại sao không gặp người nào cả? Lạ thật!
Chàng đang tìm ai? Và người chàng muốn gặp chắc không là số ít!
Đã đến chỗ thưa người, nhà vắng, chàng lưỡng lự, nửa muốn quay lại, nửa muốn tiếp tục đi, thì...
- Chó con! Đứng lại!
Chàng dừng chân lại ngay, quay lại, thấy một gã có lẽ là người vừa được ai đó gọi là chó con, đang chạy nhanh về hướng chàng đang đứng.
Nhìn qua bộ dạng bên ngoài, chàng thoạt mừng, vì đấy là Cái bang đệ tử. Rồi chau lại đôi mày, vì chàng nhận thấy người đệ tử Cái bang đang mang thương tích, và đang bị truy đuổi. Chàng bước nhanh đến, chận bước gã Cái bang và lên tiếng nói ngay :
- Tiểu ca, đừng sợ, tại hạ xin giúp một tay!
Rồi không đợi phản ứng của gã Cái bang, chàng đưa tay đón đỡ lấy gã, xoay người định chạy đi...
Vút... vút... vút...
Năm bóng gã hắc y xuất hiện. Một gã quát :
- Tên kia, muốn sống, hãy để gã kia lại!
Chàng thư sinh không đáp, vẫn chăm chú nhìn vết thương của gã Cái bang.
Bọn năm tên không nghe chàng thư sinh đáp, lại tiếp tục quát tướng lên :
- Tên kia, nếu mi không điếc, ắt mi không muốn sống nữa rồi!
Chàng thư sinh đến lần này mới thôi nhìn gã Cái bang, mắt chàng long lên, tinh quang xạ bắn ra lạnh lẽo, chàng hất hàm, hỏi cả năm tên :
- Xin hỏi, tiểu ca này phạm tội gì tày đình? Đã bị thương, lại còn phải bị truy sát?
- Việc của lão gia, ngươi không cần phải biết, muốn biết, hãy xuống mà hỏi lão Diêm vương!
Chàng thư sinh thật sự nổi giận, định lên tiếng thì đã nghe gã Cái bang ‘hự’ lên một tiếng. Hoảng hốt, chàng đưa mắt nhìn lại gã Cái bang, thì thấy nơi huyệt Kiên Tĩnh vừa cắm sâu một mũi phi tiêu.
Chàng dậm chân như trách mình đã quá sơ ý. Rút vội mũi phi tiêu, điểm huyệt chỉ huyết, đưa lên mũi ngửi, mặt thoáng lộ nét vui mừng, tay đã phất nhanh, rồi nói :
- Trả lại cho người đây!
Thì ra trong lúc chàng đang đối đáp với một gã hắc y, thì một tên khác đã lợi dụng lúc này, phóng một mũi phi tiêu nhằm giết được gã Cái bang.
Chàng thư sinh, tai có nghe tiếng xé gió, nhưng ngỡ là chúng nhằm vào chàng, nên chàng nghĩ đứng yên chờ đợi, không ngờ đoán sai ý của đối phương! Khi đưa mũi phi tiêu lên ngửi, phát hiện không có độc, chàng bèn phóng trả lại đối phương.
Chàng nhắm chuẩn, nhưng phóng trả lại nhẹ, nào ngờ võ công tên hắc y nọ quá kém, không đón đỡ kịp, cũng không tránh được, nên mũi phi tiêu đã cắm ngay vào hầu lộ, tên kia chết ngay đương trường, một tiếng kêu la cũng không kịp phát ra.
Thấy vậy chàng thư sinh thoáng sững sờ, còn bốn tên hắc y còn lại sợ sệt, nhìn nhau, rồi nhìn chàng thư sinh, xong nháy mắt ra dấu. Hô một tiếng, cả bốn tên cùng tiến lên vây chàng thư sinh.
Lỡ tay giết một mạng người, đang còn sửng sốt, lại nghe chưởng phong vây quanh, Thanh y thư sinh, một tay ôm gã Cái bang vào lòng để bảo vệ, một tay theo bản năng tự vệ đã phất mạnh tay áo quay tròn, thân hình đã kịp phi lên, vượt khỏi vòng vây, hạ thân cách đấu trường trên ba trượng...
Bùng... bùng...
Một loạt tiếng chạm của chưởng phong vang lên. Thanh y thư sinh nhìn lại. Cả bốn tên Hắc Y đều ngã bắn ngược ra sau, tay chân gãy lìa, đứt hơi mà chết cả. Thất kinh cho chưởng lực của mình, chàng thư sinh ngẩn người
Vút... vút...
Lại năm bóng người xuất hiện, đó là ba chủ tớ vị tiểu thư họ Trịnh, chàng thanh niên vừa xuất hiện ở trà đình, và một tên hắc y lúc nãy đến bẩm báo với Trịnh tiểu thơ. Vừa hiện thân, một cô thị tỳ quát hỏi :
- Ai? Kẻ nào gây ra thảm cảnh này?
Tên Hắc Y cũng nói liền theo sau, vừa nhìn về phía Thanh y thư sinh :
- Mi? Mi chắc đã uống mật gấu, nên mới dám động đến người của Hiệp Thiên bang?
- Hiệp Thiên bang? - Thanh y thư sinh nhắc lại.
- Rõ là ếch nằm đáy giếng! Đến Hiệp Thiên bang của Quân chủ thanh thế lẫy lừng mà mi cũng không nghe đến, thảo nào! Ha ha...
Nghe giọng nói khoa trương, nghe tiếng cười đắc ý của tên hắc y, Thanh y thư sinh mặt lộ vẻ chán ghét. Chàng nói gằn giọng :
- Quân chủ? Quân chủ thì đã làm gì được ta?
Chàng thanh niên nọ, nghe giọng nói, điệu bộ của Thanh y thư sinh, hắn vỗ hai tay, lên tiếng :
- Hay! Hay! Đã lâu lắm kẻ hèn này mới nghe một người nói câu nghe được! Đáng phục!
Gã Cái bang, tuy đang đau đớn, đứng kề bên Thanh y thư sinh cũng cố nói :
- Tiểu nhân cũng phục người như công tử!
Vị tiểu thơ không lộ vẻ gì, chỉ nói :
- Khẩu khí lớn lắm! Xem công tử trói gà không chặt liệu sức được mấy cân phân?
Phất nhẹ tay, tên hắc y được lệnh, rút gọn thanh đại đao, ào tới chém sả.
Thanh y thư sinh, thân hình như tia chớp, đã đứng kề bên tên hắc y, hữu thủ điểm nhanh vào vùng huyệt tên nọ. Tên hắc y hai mắt tròn xoe, mồm há hốc, tay đao còn đưa ra, người thì lại đứng yên như pho tượng.
Thanh y thư sinh nói :
- Gởi lại ngươi cái mạng, nghĩ tình ngươi chỉ là vật hy sinh!
Kinh sợ vì thủ pháp quá nhanh lẹ của Thanh y thư sinh, tiểu thơ họ Trịnh chưa kịp nói gì, thì hai ả thị tỳ, rút thanh trường kiếm tiến đánh Thanh y thư sinh.
Hai ả thị tỳ, tuy phận nữ nhi, thân phận là hầu nữ, nhưng võ công quả là không kém, khá hơn bọn hắc y. Hai thanh trường kiếm như hai con giao long vẫy đuôi, đã thấy kiếm quang chớp đầy trời, phủ kín các đại huyệt của Thanh y thư sinh.
Thanh y thư sinh cười to trong vòng kiếm quang, chàng nói :
- Nam nhi đại trượng phu, không đánh với nữ nhân. Ha ha ha...
Bóng Thanh y thư sinh như cánh chim hồng hộc, tung thân người, vượt khỏi bóng kiếm quang.
Nhìn lại thấy Thanh t thư sinh đã yên vị bên gã Cái bang. Gã Cái bang đưa một ngón tay cái tỏ ý khâm phục. Còn chàng thanh niên nọ nức tiếng hoan hô :
- Hảo thân pháp!
Hai ả thị tỳ phần giận dữ, phần vì sĩ diện, bất kể sống chết, lại ào tới đánh nữa. Trịnh Hiểu Thiên tiểu thư vội quát :
- Dừng tay!
Hai ả thị tỳ nghe lệnh nào dám cãi, hậm hực ngừng tay, đay nghiến nói :
- Bản cô nương tạm tha cho ngươi một phen.
Thanh y thư sinh cười nhẹ không đáp.
Trịnh tiểu thơ nhìn Thanh y thư sinh, nhỏ nhẹ nói :
- Xem ra ta đã xem lầm ngươi, công tử võ công thật đáng khâm phục, xin hỏi, công tử đây tôn danh đại tính là chi?
Thanh y thư sinh chần chừ một lúc, chưa kịp nói.
Ả thị tỳ lại nói :
- Sao? Sợ rồi à? Sao không dám xưng danh tánh ra?
Thanh y thư sinh nhếch mép cười khinh, nói :
- Bản thiếu gia đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, Cao Nhẫn này sợ ai mà không dám nói tên!
- Cao Nhẫn?
Trịnh tiểu thư lẩm nhẩm nhắc lại, ngạc nhiên nghe tên lạ hoắc, nhìn Thanh y thư sinh hỏi tiếp :
- Cao công tử chắc là mới xuất sơn? Chẳng hay lệnh sư là ai, có thể nói cho ta biết được không?
Thanh y thư sinh trả lời :
- Sư phụ lão nhân gia, người đã lâu lắm không đề cập đến chuyện giang hồ, hơn nữa người đã chết. Cao Nhẫn tôi thấy không tiện nhắc đến danh người, mong Trịnh tiểu thơ thứ lỗi.
Không được mãn ý lắm, Trịnh tiểu thơ đành nói :
- Thôi được! Cao công tử đã không muốn nói thì thôi, ta chỉ muốn nói với công tử điều này.
Thanh y thư sinh nghiêng mình đáp :
- Xin tiểu thơ cứ nói, Cao Nhẫn tôi rửa tai lắng nghe!
- Không có chi! Điều ta muốn nói có thể làm cho công tử giận, nhưng ta cũng cứ nói. Đó là công tử từ đâu mà đến, xin hãy trở về. Giang hồ kiếp sát, không phải là nơi để công tử náu thân. Mong công tử suy xét, mà hiểu rõ ý của ta.
Quay lại, ra dấu cho hai thị tỳ, rồi quay về hướng lúc nãy Trịnh tiểu thơ vừa đến định bỏ đi.
Hai thị tỳ đến gần tên hắc y, vỗ vỗ vào các huyệt đạo, mong giải huyệt cho hắn, nhưng không làm sao giải được, một ả kêu lên :
- Tiểu thơ, đây là độc môn thủ pháp, tiểu tỳ không giải được.
Nghe nói là độc môn thủ pháp, Trịnh Hiểu Thiên không muốn bị bêu xấu, nên đứng yên nhìn Thanh y thư sinh, ý muốn nhờ chàng giải huyệt.
Thanh y thư sinh hiểu ý, phất tay một cái, tên hắc y liền cử động. Diễn biến mọi sự từ nãy đến giờ, tên hắc y đã nghe rõ, thấy rõ. Nên vừa được cử động, hắn không dám manh động, cất vội thanh đao, rồi quay lưng bỏ đi luôn.
Trịnh tiểu thơ, qua ánh mắt thầm cảm ơn Cao Nhẫn, và như muốn nhắc Cao Nhẫn nhớ đến lời khuyên lúc nãy của mình. Trịnh tiểu thơ nói thêm :
- Xin Cao công tử nhớ lời ta đã nói. Cáo biệt!
- Khoan đã!
Chàng thanh niên nọ lên tiếng.
- Trịnh tiểu thơ, việc giữa kẻ hèn này và tiểu thơ còn chưa xong, sao tiểu thơ vội bỏ đi?
- Điều các hạ hỏi, ta đã nói vì ta không biết, nên ta khó thể trả lời. Còn việc động thủ thì... thật sự lúc này ta không cảm thấy hứng thú!
- Bất kể tiểu thư có hứng hay không, kẻ hèn này vẫn mong tiểu thư cho biết Tam tú Thần Ưng hạ lạc ở đâu?
Đến đây, Cao Nhẫn vội chen lời :
- Huynh đài tìm Tam tú Thần Ưng?
Bạch y công tử hỏi lại :
- Cao huynh biết họ? Phải! Tại hạ đang cần tìm Tam tú Thần Ưng.
Cao Nhẫn ngạc nhiên hỏi nữa :
- Để làm gì?
Bạch y công tử môi mím chặt, mắt hơi lộ hung quang, không đáp ngay, rồi lại lắc lắc đầu đáp :
- Chưa thể nói được! Trịnh tiểu thơ, mong tiểu thơ đáp ứng yêu cầu này của tại hạ được không?
Trịnh Hiểu Thiên đang nghi vấn về ý đồ tìm Tam tú Thần Ưng của đối phương, nên trả lời ngay :
- Yêu cầu chi? Các hạ cứ nói ra đi, nếu trong khả năng, ta sẵn sàng đáp ứng.
Bạch y công tử cười nhẹ thốt :
- Điều này không có chi là khó khăn, hoàn toàn trong tầm tay của tiểu thư, đó là khi tiểu thư biết tung tích của các sư huynh, mong tiểu thư nhắn cho rằng người họ Đinh đang tìm họ. Được chứ?
Trịnh Hiểu Thiên càng ngạc nhiên hơn gặng lại :
- Họ Đinh? Là các hạ?
- Không thể nói rõ hơn được! Mong tiểu thơ hiểu cho! Tiểu thơ chỉ cần nói thế, họ đủ hiểu.
- Được, ta đáp ứng. Tạm biệt!
Sau khi bọn người Trịnh Hiểu Thiên đã đi xa, Cao Nhẫn định đưa gã Cái bang lúc này đã hôn mê tìm nơi chữa thương. Bạch y công tử đoán được nên nói :
- Cao huynh tìm nơi chữa thương? Tại hạ biết một chỗ!
- Ở đâu? Mong huynh đài chỉ hộ.
- Nhưng Cao huynh liệu chữa khỏi thương tích của tiểu cái này không?
- Tại hạ chưa từng thử, nên khó nói được!
- Thôi được, tại hạ cũng đôi chút biết về y đạo, để tại hạ giúp Cao huynh một tay!
Nghe nói, cả mừng, vì Cao Nhẫn thực sự chưa từng có kinh nghiệm về việc chữa các vết ngoại thương, kể cả nội thương cũng thế. Nghe Bạch y công tử đồng ý giúp đỡ, Cao Nhẫn như trút được gánh nặng, thở ra nhẹ nhõm.
Cao Nhẫn định trao gã Cái bang cho Bạch y công tử, thì hắn đã khoát tay nói nhanh :
- Không được! À... mà không, ý tại hạ muốn nói là Cao huynh nên đỡ người này cùng đi, vì thật sự tại hạ cũng có đôi điều muốn nói với Cao huynh.
Không để ý đến thái độ lúng túng của Bạch y công tử, lại nghe có điều cần nói, Cao Nhẫn giật mình :
- Điều chi?
Bạch y công tử mỉm cười :
- Để xong hẳn nói, chúng ta cùng đi.
Nói rồi phóng người, rẽ vào đoạn con đường nhỏ trước mặt. Cao Nhẫn vội xốc người gã Cái bang chạy theo.
Vừa đến bìa một cánh rừng nhỏ, thấp thoáng đã thấy một ngôi miếu nhỏ, Bạch y công tử đã đứng tại đó, nhìn thấy Cao Nhẫn cũng đã đến, Bạch y công tử nép người khỏi cửa miếu :
- Cao huynh, vào đi!
Bước vào miếu, quan sát chung quanh, ngôi miếu chắc là đã không người nhang khói, nhện giăng bụi bám. Nhưng trên nền miếu, trước tiền điện đã có ai đó quét dọn sạch sẽ.
Ngước nhìn Bạch y công tử, Cao Nhẫn như muốn hỏi. Bạch y công tử thấy thế, liền giải thích :
- Chỗ này, đệ đã lưu lại đây được hai hôm, cũng cố quét dọn, tạm làm chỗ trú chân. Vì không tiện vào thành!
Đặt gã Cái bang nằm xuống, do chạm nền đá lạnh gã Cái bang vừa lạnh vừa đau, nên rên lên một tiếng, rồi tỉnh lại. Cao Nhẫn hỏi ngay :
- Tiểu ca! Tiểu ca ra sao rồi?
Gã Cái bang cố gượng đau, trả lời :
- Đa tạ công tử quan tâm, tiểu nhân không sao, vài vết thương do binh đao, làm tiểu nhân mất máu thế thôi! Bó thuốc, nghỉ ngơi vài ngày là khỏi ngay!
- Bó thuốc? Thuốc gì?
Cao Nhẫn thật sự ngạc nhiên, nên lẩm nhẩm.
Bạch y công tử nghe rõ lời lẩm nhẩm của Cao Nhẫn nên phì cười rồi nói :
- Thuốc kim sang chỉ huyết hoặc linh đơn để trị nội thương, thế Cao huynh không biết à?
Lúng túng, Cao Nhẫn ấp úng nói :
- Tại hạ... không nghĩ đến điều này, nên không mang theo gì cả!
- Thế huynh đệ đồng môn, các vị thúc bá không chỉ vẽ gì cho huynh sao?
- Tại hạ chỉ có một mình, không anh em, không họ hàng!
- Thảo nào! Thế Cao huynh người địa phương nào? Sao lại không họ hàng, thân thích?
- Tại hạ... không biết là mình thuộc địa phương nào, không họ hàng, là không họ hàng, vậy thôi!
Thấy Cao Nhẫn có vẻ khó chịu, Bạch y công tử không hỏi nữa, đưa tay vào bọc lấy ra một túi nhỏ, trút từ trong túi ra một gói giấy và vài lọ be bé. Bạch y công tử mở gỏi giấy ra, đưa cho Cao Nhẫn :
- Đây là kim sang, thuốc đặc biệt của bổn môn, Cao huynh xem này.
Nhón lấy một ít bột trắng trắng, rắc vào vết thương ở sau lưng của gã Cái bang đệ tử. Máu đang rỉ ra đỏ ối, gặp thuốc ngừng lại ngay. Gã đệ tử Cái bang xuýt xoa nói :
- Thật là kiến hiệu, tiểu nhân cảm giác vết thương đã đỡ đau nhiều lắm!
Rắc tiếp bột này vào các vết thương khác, chỉ một lát sau, tên đệ tử Cái bang ngồi bật dậy, nhìn Bạch y công tử ngạc nhiên hỏi :
- Công tử là đệ tử của bậc cao nhân nào mà kim sang của công tử thật là kiến hiệu như thần!
Nhìn Cao Nhẫn, Bạch y công tử có phần nào đắc ý, không trả lời câu hỏi của tên khất cái, mà lại lấy tiếp ra từ một lọ nhỏ, một viên linh đan màu hồng nhạt. Viên linh đan vừa được lấy ra, đã tỏa ra một mùi thơm nhè nhẹ, làm sảng khoái tinh thần. Đưa viên linh đan cho Cao Nhẫn cầm, nói :
- Đây là linh đan, đặc chế của bổn môn, Cao huynh biết không! Người bị nội thương, ngoài vận công tự chữa thương cũng cần phải có linh đan trợ lực. Cao huynh hãy cho hắn ta dùng, thì sẽ biết!
Cao Nhẫn đón nhận linh đan, gật đầu như đã hiểu, trao cho tên đệ tử Cái bang :
- Tiểu huynh đệ, ngươi dùng thử xem sao?
Tên khất cái không chút e dè, đã đưa viên linh đan vào miệng nuốt ngay.
Bạch y công tử nói liền :
- Ngươi nên ngồi điều tức, dùng công lực bản thân mà dẫn thuốc, ắt sẽ có kết quả!
Biết là Bạch y công tử có ý muốn nói cho mình nghe, nên Cao Nhẫn gật đầu cảm ơn.
Trong lúc tên khất cái ngồi vận công điều tức, Bạch y công tử nói :
- Trong lúc hắn đang vận công, chúng ta ngồi đây một là nói chuyện, hai nữa làm hộ pháp luôn cho hắn. Vì người đang trị thương cấm kỵ sự phân tâm, vì phân tâm sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại.
Cao Nhẫn đáp :
- Đa tạ huynh đài ra ơn chỉ giáo, Cao Nhẫn tôi thật sự là không có kinh nghiệm gì về việc này cả!
- Còn các việc khác? Lề lối giang hồ? Hay các cấm kỵ của các môn phái, của các bậc cao nhân? Cao huynh biết không?
Lắc đầu, Cao Nhẫn lúng túng nói :
- Điều đó... điều đó...
- Vậy là thật sự Cao huynh không biết gì cả, đúng không? Bước chân vào chốn giang hồ hiểm trá, người như Cao huynh rất dễ gặp nguy hiểm! Tiểu đệ nói lời ngay, mong Cao huynh đừng chấp!
- Không, Cao Nhẫn tôi tạ ơn còn không đủ, làm sao lại trách huynh đài?
- Cảm ơn Cao huynh đã không khách sáo! Còn tên họ tiểu đệ, huynh không hỏi hay sao?
Lúng túng lại càng thêm lúng túng, Cao Nhẫn nói :
- Tại hạ... xin hỏi quý huynh đài họ tên là gì?
Đưa tay che miệng, khúc khích cười, Bạch y công tử đáp :
- Tiểu đệ tên Phượng, họ là Đinh!
Nghe tên Đinh Phượng, lại nghe giọng cười khúc khích trong như ngọc, Cao Nhẫn vì chưa lịch duyệt giang hồ, không giữ được ý, hỏi ngay Đinh Phượng :
- Đinh Phượng? Tên của huynh đài sao nghe như tên của nữ nhân?... Ấy chết, tại hạ lỡ lời! Đinh huynh, xin thứ lỗi!
Đinh Phượng không một chút giận dữ, thấy sự thành thật của Cao Nhẫn, lòng lại phát sinh hảo cảm :
- Không sao! Cao huynh nào có gì thất lễ? Họ tên cha mẹ đặt, phải sao chịu vậy!
Rồi như để đổi đề tài, Đinh Phượng hỏi Cao Nhẫn :
- Cao huynh liên quan thế nào với tên khất cái này?
- Đinh huynh, điều này tại hạ không nói ngoa, đây là lần đầu tiên tại hạ gặp gã!
- Thế sao Cao huynh lại quan tâm đến gã?
- Một phần không thể làm ngơ trước một kẻ đang gặp bước đường cùng, phần khác... là vì... trước đây lâu lắm rồi, tại hạ có ơn tri ngộ với một đệ tử Cái bang, nên không thể không quan tâm.
- Ơn tri ngộ? Là ai? Nếu không quan trọng, Cao huynh có thể nói rõ hơn?
- Cũng không có gì mà tại hạ phải giấu, trước sau gì tại hạ cũng phải nói cho Đinh huynh và gã này nghe. Vì sau đó tại hạ có việc cần hỏi gã.
Kịp lúc, gã Cái bang đã điều tức xong, vừa xả công đã nghe Cao Nhẫn và Đinh Phượng nói ở phần cuối, nên gã hỏi :
- Công tử và bản bang có ơn tri ngộ như thế nào? Người đó là ai? Xin công tử nói rõ trước!
- Tiểu ca, tiểu ca chắc có nghe nói đến người này chứ, Tiểu Truy Phong Vương Thuận?
- Vương đại sư ca? Sao lại không nghe! Tiểu nhân là sư đệ của người. Công tử có quen?
- Tiểu ca là huynh đệ của Vương đại ca? Là đệ tử của Truy Phong Tẩu Cái Mã tiền bối? May thật, may thật!
- Công tử là ai lại biết đến ân sư?
- Thế tiểu ca có nghe Mã tiền bối nói qua về cái chết của Vương đại ca không? Có nghe người nhắc đến đứa bé thuở ấy, là huynh đệ kết nghĩa của Vương đại ca không?
- Công tử! Công tử là cậu bé ấy? Có, có, ân sư có nhắc đến tên công tử! Hình như công tử được gọi là... là... Tiểu Nhẫn!
Cao Nhẫn và gã đệ tử Cái bang, sư đệ của Tiểu Truy Phong Vương Thuận đồng thốt lên một lúc. Thốt xong, cả hai cùng nắm chặt tay nhau, cười thật là vui, vui vì sự ngẫu nhiên mà cả hai cùng gặp gỡ.
Đang cười, Cao Nhẫn tức Tiểu Nhẫn nghe Đinh Phượng lẩm bẩm :
- Tiểu Nhẫn, Tiểu Nhẫn... nghe quen quá!
- Sao, Đinh huynh đã nghe nói về tại hạ à?
- Cao huynh! Cao huynh làm tiểu đệ rối trí rồi, tiểu đệ đang nghĩ đây, nghĩ ngay đây... Ra rồi.
- Sao?
Cao Nhẫn và gã khất cái lại cùng nôn nóng.
- Cao huynh, Cao huynh chắc không quên người này.
- Ai?
- Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã...
- Là Lã bá bá! Đinh huynh, Đinh huynh gặp Lã bá bá sao?
- Còn sao lại không gặp? Cao huynh! Một mạng này là do Lã bá bá ban cho!
Nói được đến đây, Đinh Phượng lại ôm mặt khóc. Cao Nhẫn và gã Cái bang ngạc nhiên nhìn nhau, rồi cùng lắc đầu, ngồi im.
Đinh Phượng, sau một lúc khóc, đã bình tĩnh, nhìn trân trối Cao Nhẫn, rồi lên tiếng :
- Cao huynh, đệ không thể giấu huynh được! Đệ đây là... Muội đây chính là đứa con còn sống sót của Đinh gia...
- Bất Ủy Khuất Đinh trang chủ, Đinh huynh... Đinh tiểu thơ là con của Đinh trang chủ, Đinh lão gia?
- Phải!
- Thảo nào, Đinh tiểu thơ lại không truy tìm Tam tú Thần Ưng? Tại hạ xuất sơn chuyến này, việc tìm Tam tú Thần Ưng cả bọn, cũng là một mục đích của tại hạ!
Hiểu rõ ra, cả ba cùng mừng vui, lại hàn huyên nhau không ngớt lời, lúc xuýt xoa thán phục, lại chắc lưỡi tiếc rẻ, hoặc hậm hực tức giận.
Gã đệ tử Cái bang, tên gọi Hoàng Nhân, là đệ tử thứ hai của Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng. Đinh Phượng, ái nữ của Đinh Nhất Quán, sau khi được Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh cứu thoát đã gởi ở một nơi thân cận, sau đó đến đưa Đinh tiểu thơ về Không Động.
Sau khi trình bày nguyên ủy sự việc, thương cảm cho nàng, Nhất Quyền Đoạn Ngục Võ Thanh Ngưng, Chưởng môn phái Không Động phá lệ thu nữ đồ đệ. Vậy Đinh Phượng cùng Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình lại là huynh muội.
Do sự việc của Ảo Ma cung chưa rõ ràng, nên thuật qua mọi sự từ khi mất tích, Cao Nhẫn không nói rõ mình là Đế cung Cung chủ của Ảo Ma cung, chỉ nói qua cái không may lại gặp may, tìm được bí kíp võ công. Sau khi luyện xong, xuống núi, để tìm gặp lại người đại ca xưa, đồng thời tìm bọn Tam tú Thần Ưng để trả thù rửa hận. Còn việc Quân chủ, thì Cao Nhẫn thật sự không nghĩ đến từ lâu.
Nhắc đến tên Quân chủ, Hoàng Nhân nói :
- Cao đại ca, tên Quân chủ đó, tuy chưa ra mặt, nhưng Hiệp Thiên bang của hắn, thật sự đang là mối đại họa của võ lâm!
- Đại họa?
Cao Nhẫn thật ngạc nhiên khi nghe điều này. Đinh Phượng khẳng định :
- Đúng thế, phái Không Động tiểu muội lúc này thật sự là tan tác, đấy là kiệt tác của Hiệp Thiên bang.
- Hiệp Thiên bang? Thế, thế... vị Trịnh tiểu thơ nọ không còn là người của Kim Ưng bang sao?
Nghe nhắc đến tên Trịnh Hiểu Thiên, Đinh Phượng lộ vẻ ganh tức :
- Cao huynh còn nhắc đến ả? Ả và cả Kim Ưng bang đều là ưng khuyển của bọn Hiệp Thiên bang.
- Lại thế nữa?
Hoàng Nhân nối tiếp lời của Đinh Phượng :
- Trịnh cô nương thì không đáng nói, bọn Tam tú Thần Ưng mới đúng là bọn người lòng lang dạ sói, bán đứng Kim Ưng bang, trong đó nộp cả sư phụ cho bọn lang sói Hiệp Thiên bang, hầu tâng công đoạt lợi. Trịnh cô nương thì... không biết lòng dạ thế nào? Có điều hiện nay thật sự là tay sai cho Hiệp Thiên bang.
Cao Nhẫn ngẩn người, lộ vẻ không ngờ sự việc lại đến thế này, nên ngồi trầm tư. Bỗng Hoàng Nhân nhớ ra, hỏi Cao Nhẫn :
- Cao đại ca, đại ca nói có vài điều muốn hỏi tiểu đệ, là những điều gì?
Cao Nhẫn được nhắc, bèn hỏi :
- Hoàng đệ! Cớ sao ta tìm khắp trong thành, lại không thấy bóng dáng mặt đệ tử Cái bang nào?
Đinh Phượng như còn ấm ức vì Cao Nhẫn lúc nãy như có vẻ không tin lời cô ta nói về Trịnh Hiểu Thiên, nên cay cú trả lời :
- Còn sao nữa, người Kim Ưng bang và Hiệp Thiên bang truy sát và tận diệt Cái bang chứ sao.
- Truy sát? Tận diệt? Thật không Hoàng đệ?
Hoàng Nhân gật đầu, căm hận, kể :
- Cuối năm trước, Quân chủ của Hiệp Thiên bang sau khi thu phục các phái Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Hoa Sơn, và Trường Bạch, thâu tóm Kim Ưng bang, truy đuổi Tiềm Long bang lại quay qua Cái bang uy hiếp. Bang chủ bản bang sau khi thương nghị với các Trưởng lão, vì khiếp uy của Hiệp Thiên bang, sợ tiền đồ giống như bang Tiềm Long, nên làm kế không thành, ra lệnh cho toàn bang ẩn mặt, giấu tên, thay hình đổi dáng, để tránh việc lạm sát bản bang đệ tử. Thấy không uy hiếp được bản bang, Quân chủ Hiệp Thiên bang ra lệnh đồ sát, bắt được đệ tử nào trước thì truy bức tìm tung tích Bang chủ và các trưởng lão, sau lại giết chết. Đệ tử bản bang tuy căm giận, nhưng vì phải phục tùng lệnh trên, nên phải trốn chu trốn nhủi. Trường hợp như đệ ngày hôm nay là sự minh chứng. Nếu không kịp gặp Cao đại ca và Đinh tiểu thơ, đệ khó mà toàn mạng!
Càng nghe nói, Cao Nhẫn càng thấy ghê sợ cho dã tâm cùng sự độc ác của tên Quân chủ và đồng bọn. Lửa giận phừng lên. Mãi một lúc sau, cố đè nén cơn giận lại, Cao Nhẫn lại hỏi :
- Còn Thiếu Lâm? Không Động?
Đinh Phượng trả lời :
- Thiếu Lâm thì tên Quân chủ chưa động tới, vì hắn nghĩ một là thu phục toàn võ lâm Trung Nguyên vào tay rồi, thì Thiếu Lâm đối với hắn chỉ là việc lấy đồ trong túi. Hai là lúc này số nhân vật võ lâm không nằm trong bang phái nào cũng còn rất đông, chưa kể các cao nhân đã ẩn cư, hắn mà động đến Thiếu Lâm, được coi là cội nguồn võ học Trung Nguyên, hắn e sanh điều bất lợi, nên hắn để đấy chưa động chạm. Còn Không Động, sư phụ của tiểu muội nhờ liên kết được một số nhân vật lợi hại, nên mấy lần bị vây đánh, tuy có tổn thương, nhưng vẫn chưa chịu khuất phục. Tuy vậy, vấn đề bị tên Quân chủ đánh chiếm chỉ là việc một sớm một chiều mà thôi. Tiểu muội hôm nay đi đến đây cũng là ý của sư phụ mà thôi!
- Đinh tiểu thơ định đi đâu? Tìm ai?
Thấy nói cả buổi, mà Cao Nhẫn một tiếng tiểu thơ, hai tiếng Đinh tiểu thơ, Đinh Phượng tức lắm mà không nói được, ngần ngừ một lúc mới trả lời :
- Tiểu muội hôm nay đến đây là mong gặp được...
- Ai?
Ngỡ Cao Nhẫn hỏi mình là gặp ai, mà sao Cao Nhẫn lại quát lớn, Đinh Phượng thoáng giận. Nhưng nhìn lại thần sắc của Cao Nhẫn, thì Đinh Phượng mới biết là lầm. Vì lúc này Cao Nhẫn đang phát lộ thần uy, tai nghiêng ra ngoài, nghe ngóng, rồi cười vang lên, nói to :
- Ta cứ ngỡ là ai lại rình rập nghe lén, té ra là bọn Kim cẩu bang! Này, có giỏi thì bước vào đây, vào đi, cả ba cùng vào đi!
Nghe Cao Nhẫn nói, Đinh Phượng và Hoàng Nhân tỏ vẻ không tin.
Nhất là Đinh Phượng, vì ít nhiều Đinh Phượng cũng là đệ tử của một bậc Chưởng môn, tôn sư một phái, đã dùi mài võ nghệ năm năm, tuy không lâu hơn Cao Nhẫn, nhưng vẫn còn hơn Cao Nhẫn tự học, học mò, mà nàng không nghe một động tĩnh nào. Thế mà Cao Nhẫn lại khẳng định là có, có ba tên. Còn biết đích xác là người của Kim Ưng bang!
Nhưng dẫu không tin, nàng và Hoàng Nhân bắt buộc phải tin, vì đã thấy Cao Nhẫn cười khẩy nói :
- Các người không muốn ra mặt thì thôi! Cho ta gởi lại mỗi người một tiểu án, đem về cho lão Quân chủ và nói nhắn với lão rằng Cao Nhẫn rồi có lúc sẽ tìm đến!
Nói xong, bóng chàng đã mất hút, văng vẳng nghe ba tiếng kêu ‘hự’ ở ba góc miếu, xa xa. Rồi lại thấy Cao Nhẫn đứng trước cửa miếu, nhìn vào miệng cười cười, chàng nói :
- Chỉ là ba tên chuột nhắt, làm gián đoạn cuộc nói chuyện của chúng ta. Hoàng đệ, có dám vào thành không? Đi, ta, Hoàng đệ và Đinh tiểu thơ vào thành, hôm nay ta phải khao cả hai, mừng cho sự tương ngộ.
Nói xong, tay dắt Hoàng Nhân, ra dấu mời Đinh Phượng đi theo.
Chàng bước ra khỏi miếu.
Đinh Phượng khâm phục thực sự trước võ công của chàng, hai mắt sáng lên, không chậm trễ bước theo ngay.
Hiển lộ võ công
Quần ma khiếp vía
Trên đường vào thành, Cao Nhẫn, Đinh Phượng và Hoàng Nhân vừa đi vừa nói chuyện, Hoàng Nhân nói :
- Cao đại ca, vừa rồi đại ca sao lại biết đấy là bọn Kim cẩu bang?
- Nói ra thì chẳng có gì đáng, vì ta ngồi nhìn ra ngoài thấp thoáng thấy bóng người, nhìn vẻ ngoài ta thấy quen mắt, nhớ lại lần gặp trước đây năm năm. Thật dễ dàng khẳng định đấy là người Kim Ưng bang.
Đinh Phượng ngạc nhiên, vì nàng ngỡ Cao Nhẫn võ công cao thâm, đã phát hiện tên nọ bằng cách nào khác kia, té ra lại không phải, nhưng nàng vẫn còn bán tín bán nghi, nên lại hỏi :
- Làm thế nào Cao huynh biết bọn chúng những ba tên?
- Qua mấy lần gặp gỡ, có khi nào ta thấy chúng dám đi riêng rẽ, do đó tại hạ đoán một tên ở mặt trước, ắt phải còn hai tên ở hai mặt bên.
- Còn phía sau miếu thì sao? - Hoàng Nhân lại hỏi.
- Phía sau miếu ắt không có đường vào miếu. Huống chi hai tên ở hai bên thừa sức giám sát mặt sau, đồng thời dễ bề tiếp ứng cho đồng bọn ở mặt trước! Thế thôi.
Nghe Cao Nhẫn lý giải sự việc quá đơn giản, tuy đúng lý nhưng nghe không thuận tai, Hoàng Nhân và Đinh Phượng không hỏi nữa, nhưng nhìn vẻ mặt, biết là họ vẫn không tin sự việc chỉ có thế!
Thật sự, Cao Nhẫn đã bằng thính giác tinh tường mà phát hiện ra chúng, nhưng vì không muốn khoe khoang, mà chàng nói khác đi.
Đồng thời, nhờ nhanh trí, chàng đã nói nghe rất thông, Hoàng Nhân và Đinh Phượng không dễ gì phát hiện.
Đưa mắt nhìn trước, sau, Hoàng Nhân hạ giọng hỏi Đinh Phượng :
- Đinh tiểu thơ, lúc nãy Đinh tiểu thơ có đề cập đến người mà tiểu thơ muốn gặp?
Đinh Phượng cũng cảnh giác, cũng đảo mắt nhìn quanh rồi thấp giọng trả lời :
- Người ấy không ai lạ! Nhưng tìm được không phải dễ dàng gì?
Giọng nói nàng đã nhỏ, nói đến đây, nàng càng khẽ giọng hơn :
- Đấy là Độc Mục Cái!
- Là Bang chủ?
Hoàng Nhân bởi giật mình nên có nói hơi lớn.
Đinh Phượng ra dấu bảo im đi. Rồi nói :
- Chưởng môn sư phụ và quần hùng đang ở tại Văn Sơn để thương nghị, cần liên kết các bang môn phái lại mới mong chống đỡ được thế lực của Hiệp Thiên bang. Nên đã sai các đệ tử đi liên lạc khắp nơi, phần ta, đến tận chốn xa xôi này, vì cách đây mấy tháng có người nói đã gặp Bang chủ Cái bang xuất hiện. Nhưng lão ta như một thần long, khó mà mong gặp được.
Nhìn vào mắt của Hoàng Nhân, Đinh Phượng nói rõ mục đích chuyến đi, mong qua Hoàng Nhân có thể biết được tung tích của Bang chủ Cái bang Độc Mục Cái. Nhưng nàng ta hơi thất vọng khi thấy sắc diện của Hoàng Nhân không đổi, và nghe Hoàng Nhân nói :
- Ở vùng này, chúng đệ tử bản bang đâu đã gặp Bang chủ lão nhân gia! Nhưng...
- Nhưng sao? - Đinh Phượng hỏi dồn.
- Đinh tiểu thơ an tâm, tiểu đệ và chúng đệ tử sẽ hết sức tìm người, khi gặp sẽ nhắn lời. Đinh tiểu thơ về Không Động đi, đừng bỏ công nữa.
Đinh Phượng trong lòng thật sự thấy ngao ngán :
- Nhưng không gặp, thì làm sao hồi báo với ân sư?
Hoàng Nhân đáp ngay :
- Không hề chi! Tiểu thơ cứ đáp với lệnh sư là việc đó đã có đệ tử bản bang lo là đủ rồi!
Cao Nhẫn cũng nói thêm vào :
- Tại hạ nhận xét thấy lời của Hoàng đệ là chí lý. Đinh tiểu thơ hãy hồi sơn sớm, để lệnh sư an tâm!
Không thể nói gì hơn, Đinh Phượng đành gật đầu :
- Thôi được, để tiểu muội về núi báo ngay cho ân sư. Cao huynh, xin bảo trọng.
Cao Nhẫn chận lời :
- Ơ kìa! Đinh tiểu thơ... Hãy vào thành dùng bữa xong hãy đi!
Đinh Phượng thoáng chần chừ, nhưng lại trả lời ngay :
- Không được đâu Cao huynh! Việc đã cấp bách, tiểu muội không thể nấn ná được! Hẹn Cao huynh ở Không Động, tiểu muội sẽ khao huynh và Hoàng đệ! Vậy nhé!
Cao Nhẫn đành để Đinh Phượng đi. Còn Cao Nhẫn và Hoàng Nhân tiếp tục vào thành.
Bước vào một tửu điếm nhỏ, Cao Nhẫn và Hoàng Nhân đối ẩm. Vừa ăn, Cao Nhẫn hỏi tỉ mỉ Hoàng Nhân mọi việc trên giang hồ từ năm năm qua.
Ngẫm nghĩ lại thế lực của Hiệp Thiên bang, Cao Nhẫn nói :
- Thực sự, ta chỉ muốn tìm bọn Tam tú Thần Ưng để trả thù cho má má ta và cho minh huynh, xong rời Trung Nguyên để hoàn thành một trọng trách mà ân sư trong di thơ lưu lại. Nào ngờ, việc tìm tung tích của Tam tú Thần Ưng lại khó khăn đến thế này. Hơn nữa chưa gì ta đã gây thù kết oán với người Hiệp Thiên bang, ta e sự việc không dễ dàng giải quyết sớm được.
- Tiểu tử nói đúng đấy!
Một giọng nói từ phía xa nói vọng lại, khiến Cao Nhẫn phải nhìn về phía đó, thấy ở một bàn cạnh cửa ra vào tửu điếm, năm tên hắc y và một tên bạch y đang chăm chú nhìn Cao Nhẫn và Hoàng Nhân.
Nhận diện được bọn chúng, Hoàng Nhân nói nhỏ cho Cao Nhẫn nghe :
- Chúng là Ngân lệnh sứ và bọn người Hiệp Thiên bang.
Tên Bạch y võ công khá tinh tường, nghe được tiếng nói nhỏ của Hoàng Nhân bèn cười thốt lên :
- Mắt của tên khất cái kia xem ra vẫn tinh tường đấy chứ! Đã nhận được bản Lệnh sứ, sao không bó tay chịu trói!
Hoàng Nhân hoảng sợ người đã rục rịch muốn đứng dậy, bỏ chạy. Cao Nhẫn đưa tay đặt lên cánh tay của Hoàng Nhân ra dấu trấn an, đoạn Cao Nhẫn cao giọng đáp :
- Ngỡ là ai? Hôm nay, may được hội diện cùng Bạch Phát Đầu Đà, không ngờ, Toàn lão mau mau phát tài, nay lại là Ngân lệnh sứ của Hiệp Thiên bang!
Bạch Phát Đầu Đà ngớ người ra, vì trong khi lão hoàn toàn không biết Cao Nhẫn, mà đối phương lại nói ra một câu, nói được đích danh lão :
- Tiểu tử, mi là đệ tử của ai? Biết được bản Lệnh sứ, không chừng ta và sư phụ ngươi có chỗ quen biết?
- Không dám! Tại hạ không dám với cao, danh vị của gia sư rất là thô kệch, không dám làm bẩn tai Toàn lệnh sứ. Nhưng tại hạ có thể nói chắc. Giữa ân sư và Toàn lão hoàn toàn không có chi qua lại!
Một lời nói của Cao Nhẫn, như chạm đến nọc của Toàn Phong, lão giận dữ quát :
- Hay cho tiểu tử ngông cuồng! Dám có thái độ mục hạ vô tôn trưởng! Bản Lệnh sứ không cho ngươi nếm mùi, ắt ngươi không biết trời cao đất dày!
Cao Nhẫn hứ nhẹ một tiếng :
- Ngữ khí của Toàn lão không xứng là tôn trưởng của ta đâu. Hãy dành khẩu khí đó mà nói với kẻ khác!
Gầm lên một tiếng, Bạch Phát Đầu Đà đã phóng người đến. Cao Nhẫn khoát tay :
- Khoan đã, có gì hãy ra ngoài, đừng động võ ở đây làm thiệt hại cho người vô tội!
Hiên ngang, Cao Nhẫn và Hoàng Nhân bước ra ngang bọn hắc y rồi, Cao Nhẫn không thèm nhìn đến, Hoàng Nhân thì lại lo lắng nhìn chừng.
Ra đến bên ngoài, Cao Nhẫn vẫn không dừng bước, Bạch Phát Đầu Đà Toàn Phong hét lên từ phía sau :
- Ngươi định đi đến đâu? Chết ở nơi nào chẳng được!:
Cao Nhẫn vẫn tiếp tục đi nhanh, chàng nói vọng lại :
- Có giỏi thì theo ta, còn không thì cút đi!
Bạch Phát Đầu Đà Toàn Phong càng tăng thêm giận, lão bủa ngay một chưởng vào lưng của Cao Nhẫn. Hoàng Nhân kêu lên :
- Cao đại ca, coi chừng!
Cao Nhẫn lạng người qua một bên để cho luồng chưởng lực lướt qua, tay nắm tay Hoàng Nhân, chàng nói :
- Lão gấp ra mắt Diêm vương lắm à? Không đợi được sao?
Không chờ phản ứng của Toàn Phong và bọn hắc y, Cao Nhẫn cười to, nắm tay của Hoàng Nhân, tung người vọt đi.
Ngân lệnh sứ Toàn Phong và bọn hắc y cật lực chạy theo. Theo mãi mà vẫn không đến gần được Cao Nhẫn, nhưng khoảng cách vẫn không xa hơn. Giận quá mất khôn, Toàn Phong tiếp tục chạy, bọn hắc y thấy thế, tuy sức đã đuối vẫn cố gắng theo lão.
Đến bìa rừng lúc nãy, nơi vừa chia tay với Đinh Phượng, Cao Nhẫn ngừng chân, Hoàng Nhân theo đà không dừng lại được đã loạng choạng chới với. Phía sau, Toàn Phong đã đến. Mặt đỏ bừng, hơi thở nặng nhọc, tuy cố điều hòa chân khí, nhưng lại không đủ sức để nói nữa.
Cao Nhẫn hai tay chắp về sau, khuôn mặt bình thản, đứng yên nhìn Toàn Phong và đồng bọn. Gió nhè nhẹ thổi, cây rừng xao động, tà áo xanh của Cao Nhẫn lay động. Nhìn thần thái ung dung ấy, Toàn Phong tuy chưa giao đấu đã thấy e dè, tuy chưa động thủ đã mười phần chắc thua đến mười. Nhưng đã ở thế cưỡi lưng cọp, lão khó bề rút lui. Lui thì không được, còn tới thì còn khó hơn.
Do vậy lúc này, Toàn Phong đã lại sức, nhưng vẫn đứng im lặng. Chỉ biết chờ phản ứng của Cao Nhẫn. Cao Nhẫn qua sắc diện và đôi mắt đảo lia của Toàn Phong đã hiểu hết ý của lão :
- Toàn lão, lão là Ngân lệnh sứ, chấp chưởng Ngân lệnh bài của Hiệp Thiên bang! Địa vị không phải là nhỏ. Đạt đến địa vị này, công khó của lão cũng không phải là ít!
Nghe Cao Nhẫn nói, Toàn Phong hoang mang, không hiểu ý chàng như thế nào, lão chỉ còn nước gật đầu đệm theo từng câu nói của Cao Nhẫn.
Cao Nhẫn nhìn lão đăm đăm, vẫn từ tốn nói :
- Vậy Toàn lão có thể gia ân cho ta một lần không?
- Gia ân?
Càng hoang mang, Toàn Phong lặp lại.
- Phải! Lão gia ân ban bố cho ta một thông tin!
- Thông tin gì?
- Hạ lạc của Tam tú Thần Ưng! Lão nói xong, đường lão lão đi, ta đi đường ta! Thế nào?
- Không được!
- Lão không biết? Hay lão không nói?
- Không biết! Mà có biết cũng không nói!
- Tại sao? Lão không muốn sống nữa?
Ngân lệnh sứ Bạch Phát Đầu Đà Toàn Phong đôi mắt nhìn xa xăm, nói mơ hồ :
- Lệnh của Quân chủ, không vì uy hiếp mà trao tin cho đối phương, trái lệnh phải chết.
- Nhưng nếu lão nói, chưa chắc lão đã chết, còn lão không nói, thì chết là cái chắc.
- Ta thật sự không biết. Ngươi đừng hòng uy hiếp ta!
Biết lão ta thật sự không biết tung tích của Tam tú Thần Ưng, chán nản, Cao Nhẫn chỉ hỏi ướm thử :
- Thế ai có thể biết tung tích của họ?
- Ta!
Theo tiếng nói, một bóng tử y đã đứng trước mặt Cao Nhẫn. Ngăn giữa chàng và Toàn Phong. Cao Nhẫn thì không sao, riêng Toàn Phong Ngân lệnh sứ và bọn hắc y đều thất sắc, vội khom mình thi lễ :
- Ra mắt lệnh Chuyên sứ!
Tử y nhân không nói gì, chỉ khoát tay từ từ quay lại đối diện với Cao Nhẫn, cả hai đưa mắt quan sát lẫn nhau.
Cao Nhẫn từ khi thấy bóng tía xuất hiện, trong lòng đang bình ổn bỗng như mặt nước hồ bị khuấy động, xôn xao, chàng lặng nhìn kỹ đối phương. Nghi biểu đường đường rất phải là đấng nam tử tu mi.
Khó mà nhận định đây là kẻ chuyên làm điều ác. Chàng đâm ra băn khoăn.
Tử y nhân đã lên tiếng trước :
- Các hạ là ai? Môn phái nào? Uy hiếp người của Hiệp Thiên bang, các hạ có biết đấy là tội chết không?
Lòng của Cao Nhẫn đã lắng lại, chàng nhẹ nhàng nói :
- Lệnh của Quân chủ là trao tin cho người thì phải chết! Tại hạ hỏi tin ở người Hiệp Thiên bang cũng chết! Sao dễ dàng thế?
Tử y nhân không đáp mà lại hỏi :
- Các hạ chưa trả lời câu hỏi của bổn nhân!
- Vô môn phái, sư thừa không đáng để nói! Các hạ miễn cho.
- Lớn lối đấy. Bổn nhân mở cho ngươi con đường sống!
- Thế nào?
- Trao tên đệ tử Cái bang cho bổn nhân, tiếp bổn nhân một chưởng, thoát thì sống, không thì đành chấp nhận số mạng.
- Chưởng thì tại hạ xin bồi tiếp! Người không thể trao!
Tử y nhân cười to :
- Ha ha ha... Ếch nằm đáy giếng ngỡ trời to chỉ bằng cái nia. Mạng các hạ còn khó giữ, giữ làm sao mạng của gã kia! Ha ha...
Cao Nhẫn thần thái vẫn ung dung, chàng nói :
- Nếu các hạ chắc thắng, có dám cùng tại hạ đánh cuộc một phen?
- Đánh cuộc? Cuộc sao?
- Ước đấu tam chiêu! Nếu các hạ thắng, tại hạ lẫn người Cái bang trao cho các hạ, ngược lại...
- Sao?
- Cho tại hạ biết tung tích của Tam tú Thần Ưng.
- Các hạ có thù với chúng?
- Huyết cừu, cao như núi Thái, rộng như bể sâu! Sao?
- Được, bổn nhân chấp nhận!
Cao Nhẫn nghe tử y nhân đã buông lời chấp nhận, tiến hẳn về trước hai bước, làm khoảng cách cả hai thu lại chừng non trượng. Đưa tay ra, Cao Nhẫn nói :
- Mời!
Đưa mắt ước lượng cân sức của đối thủ, tử y nhân trụ bộ, vận chưởng vào hai tay nói :
- Thần thái khá lắm! Xem sức được bao lăm? Đỡ!
Người của tử y nhân đã buộc đối phương phải đối chưởng, không cách nào thối lui được.
Cao Nhẫn lần đầu động thủ cùng người, thấy uy thế của tử y nhân như lấp biển dời non, không ngại đụng cứng, Cao Nhẫn với năm thành công lực, tung chưởng đỡ lấy chưởng kình của đối phương!
Bùm...
Theo đà dư chưởng, bóng tử y nhân tạt qua một bên, lạng người một cái, đã vào sát bên Cao Nhẫn tung tiếp song chưởng :
- Đỡ!
Cao Nhẫn sau một chưởng của đối phương, hai tay ê ẩm, nhưng người vẫn không di chuyển, biết đối phương chỉ có bấy nhiêu, Cao Nhẫn thấy bình tĩnh lại, vừa lúc chưởng phong của đối phương lại ào đến, không nghĩ gì hết, tăng thêm hai thành công lực, nhấn mạnh hữu chưởng vào song chưởng của đối phương.
Thấy rõ sự ngạo mạn của Cao Nhẫn, tử y nhân quát lên :
- Muốn chết!
Quả là Cao Nhẫn có phần ngạo mạn, đơn chưởng mà dám đón đỡ song chưởng của người. Thật là muốn tìm cái chết...
Bùng...
Cao Nhẫn lùi về sau một bước, còn tử y nhân như thuyền con gặp sóng dữ, chao đảo không ngớt đến khi trụ được, khuôn mặt đã tái hẳn, ở khóe miệng đang rỉ ra một vài giọt máu hồng...
Cao Nhẫn thấy thế lòng bất nhẫn :
- Còn một chưởng nữa! Tại hạ thấy không cần phải đánh!
- Không!
- Các hạ không phải đã bị nội thương rồi đó sao?
- Võ học không bằng người! Chết thì chết, trừ khi ngươi chịu giao người!
Cao Nhẫn lắc đầu, ngán ngẩm nói :
- Một chưởng nữa! Các hạ ắt phải tử thương, thì lấy ai trả lời nghi vấn cho tại hạ?
- Đó là việc của ngươi! Bổn nhân không phải quan tâm!
- Thôi được! Một chưởng gởi đó, tại hạ không cần các hạ nói tung tích bọn Tam tú Thần Ưng là được rồi! Nhưng...
Như không tin Cao Nhẫn lại buông tha, tử y nhân hỏi nhanh :
- Nhưng sao?
- Các hạ có thể báo danh hiệu được không?
Trầm ngâm, tử y nhân mới nói :
- Tại hạ họ Ngôn, Cửu lệnh bài Chuyên sứ trong Thập nhị chuyên sứ!
Thấy đối phương không báo rõ danh tự, Cao Nhẫn đành thôi.
- Các hạ đi đi!
- Đi? Các hạ buông tha ta à?
- Tại hạ giữ các hạ làm gì? Các hạ cứ tự nhiên!
Sửng sốt, không nói nên lời. Đứng lặng một lúc sau cùng Ngôn cửu lệnh sứ mới bỏ đi.
Ngân lệnh sứ Toàn Phong và bọn hắc y nhìn thấy vị Chuyên sứ của Quân chủ đánh không lại Cao Nhẫn, lại thấy Cao Nhẫn để cho đi.
Đến khi vị Chuyên sứ đã đi khuất, chúng vẫn chưa dám rục rịch, vì chưa có lệnh của Cao Nhẫn.
Cao Nhẫn mãi nhìn theo Ngôn cửu lệnh sứ đến khi nhìn lại thấy bọn chúng vẫn còn đó, nói :
- Sao các ngươi còn chưa chạy đi?
Như được lệnh ân xá, chúng xô vào nhau mà chạy...
Cao Nhẫn còn đứng yên, lòng đang lo nghĩ trăm điều, Hoàng Nhân đứng cạnh không chịu được lên tiếng :
- Cao đại ca, sao đại ca lại buông tha hắn?
- Thế ta phải làm sao đây? Giết thì không nỡ, hỏi hắn lại không muốn nói! Không buông tha thì làm gì được?
- Nhân từ như đại ca rồi có ngày đại ca so dây tự trói lấy mình!
- Nghĩa là sao?
- Bọn chúng truy sát Cái bang, diệt sạch những ai chống lại chúng, chúng không buông tha ai một cách dễ dàng như đại ca đâu!
- Điều này, ta chỉ mới nghe Hoàng đệ và Đinh cô nương nói! Không phải là ta không tin, nhưng với dáng vẻ bên ngoài của tên Cửu lệnh sứ này, ta khó thể tin hắn lại tàn ác như thế! Còn nếu đúng như thế, ta cũng không thể làm như chúng được. Lấy ác diệt ác, thật tình ta không làm được!
- Nói như đại ca thì giang hồ đâu náo loạn, Cái bang đâu phải như tình trạng hiện nay. Và... và...
- Và sao? Sao Hoàng đệ không nói tiếp?
- Và đại sư huynh của đệ đâu phải chết lúc tuổi đang xuân thế này?
Nghe nhắc đến cái chết của minh huynh, Cao Nhẫn nghe ruột quặn lại.
Nếu lúc này có Tam tú Thần Ưng đứng đây, có lẽ Cao Nhẫn không còn nhân từ được nữa! Lúc lòng đã dịu lại, Cao Nhẫn như nói ra ý nghĩ của mình thành tiếng :
- Phải! Người gây đau thương cho ta, ta không dễ gì buông tha! Chẳng trách Hoàng đệ trách ta nhân từ. Cửu lệnh sứ và Hiệp Thiên bang tuy chưa làm gì đối với ta vì ta hơn hẳn bọn chúng, chúng không làm được. Còn đối với Cái bang, các môn phái khác, bọn chúng chẳng khác gì hung thần. Cái bang tan tác, như gà vịt chạm sói, Không Động phái của Tôn đại ca bị vây công, cũng một tay bọn Hiệp Thiên bang mà đầu trò là lão Quân chủ... lão là người hay là ác ma...
Nghe lời tự thoại của Cao Nhẫn, Hoàng Nhân nức lòng hả dạ, vì hắn đã thấy qua võ công của Cao Nhẫn, một người như thế mà không đứng về phe chính nghĩa chống lại bọn Hiệp Thiên bang thì đấy thật là một tổn thất lớn cho giang hồ chánh phái. Hoàng Nhân như nói thay cho Cao Nhẫn, để minh định rõ lập trường chính nghĩa của Cao Nhẫn, hắn nói to :
- Đúng vậy, Cao đại ca nhân từ với kẻ thù là độc ác với chính mình!
Lời nói của Hoàng Nhân, như tiếng sấm giữa trời quang, khích nộ thật sự Cao Nhẫn. Mừng thay cho giang hồ bạch đạo, vì từ nay thêm một cột trụ chống đỡ cho tòa Phật pháp trước sự lấn lướt của ma đạo. Và tiếc thay cho võ lâm nói chung, vì kể từ nay một ma tinh lại xuất hiện.
Rồi đây máu sẽ chảy thành sông, xương sẽ chất thành núi. Nếu... nếu Cao Nhẫn sau này không gặp người cảnh tỉnh, có lẽ ma kiếp sẽ trùm lên giang hồ không biết chừng nào chấm dứt. Vì chốn xuất thân của Cao Nhẫn là Ảo Ma cung, vì chàng lại là Đế cung Cung chủ Ảo Ma cung. Một thế lực... không tiền khoáng hậu...
Sau khi nghe lời nhắc nhở như vô tình như cố ý của Hoàng Nhân, Cao Nhẫn gật gù, như tự khẳng định với mình, chàng nói :
- Xin lỗi Hoàng đệ! Từ nay, ta, Cao Nhẫn này sẽ nghiêm khắc hơn. Vì võ lâm, ta thề tận diệt bọn Hiệp Thiên bang, phanh thây lão Quân chủ.
- Lớn lối, tiểu tử tài sức là bao lại nói lời lớn lối thế?
Tâm thần vừa dịu lại, nghe ai đó nói lời châm chọc, Cao Nhẫn lòng sôi giận lên, quay lại về hướng phát ra tiếng nói, quát lên :
- Ai?
Một lão gia quần áo rách rưới, chân chệnh choạng, bước đi xiêu vẹo như người say, từ trong rừng chập choạng bước ra. Vừa nhận dạng được, Cao Nhẫn mừng vui khấp khởi, đã vội chạy ùa tới, người chưa đến, miệng đã kêu lên :
- Lão gia, lão gia, là Túy lão gia à?
Lão già say không màng đến thái độ chân tình của Cao Nhẫn, lão vẫn lảo đảo đi, tay rót rượu ừng ực vào cái mồm há ngoác ra, rót xong, trên tay cầm bầu rượu đang kê lên miệng, lão chùi một phát vào miệng ‘khà’ một tiếng to, nhướng nhướng mày, lão hỏi :
- Tiểu tử là ai? Nhận được lão say này à? Ngộ quá hé! Sao ta không biết tiểu tử? Có nhớ lộn không?
- Túy lão gia, lão gia có nhớ chuyện năm năm trước ở Đại Biệt sơn?
- Đại Biệt sơn? Cũng lâu rồi hé! Nhớ! Sao?
- Vãn bối là đứa bé, đã mấy phen nhờ lão gia mà thoát chết đây mà!
- Ngươi...
Lão già say như tỉnh rượu, lão nhìn đăm đăm vào Cao Nhẫn, lão cau đôi mày, nhăn tít trán, nói :
- Ngươi không chết? Vô lý! Thằng bé ấy làm sao mà sống được? Năm năm rồi mà ta không quên được thằng bé ấy! Dẹp đi! Ngươi không qua mắt được ta đâu!
Cao Nhẫn rối rít nói :
- Lão gia, lão gia say rồi sao? Tiểu Nhẫn đây mà! Lão gia nhìn không được vãn bối sao?
- Tiểu Nhẫn? Đúng rồi, ta nghe thằng bé ấy gọi là tin! Là ngươi đây sao? Không tin được! Làm sao ngươi sống được? Nói mau, ngươi đừng hòng đặt điều mà dối gạt được ta! Nói!
Thấy tâm tình của lão đối với mình, Cao Nhẫn thật sự thấy xúc động, hơn nữa, giữa lão và đứa bé ngày ấy nào có thâm tình chi đâu? Vậy mà, lòng yêu thương của lão dành cho đứa bé thật sâu đậm. Cố nén xúc động, tuy khóe mắt lệ đã dâng trào, Cao Nhẫn kể lại mọi việc.
Duy xuất xứ và cương vị thật của chàng, chàng biết chưa đến lúc, nên chàng không nói rõ cho lão nghe. Nghe xong, thật sự đã tin chàng trai tuấn tú, cao lớn đứng trước mặt mình đây là đứa bé ngày ấy, lão già say ôm chặt lấy Cao Nhẫn và nói :
- Tốt lắm, khá lắm! Thật là hoàng thiên hữu nhãn, bây giờ ngươi đã thành nhân. Được lắm! Ha ha...
Lão lại đưa bầu rượu lên tu một hơi dài, ‘khà’ chùi miệng, lão lại nói :
- Này tiểu tử, cố giữ mồm giữ miệng, chớ đại ngôn mà mang họa vào thân! Hiệp Thiên bang không phải là dễ trêu vào đâu nhé! Nhân số đông, thân thủ lại cao cường, khó lắm, khó lắm!
Kính nhi viễn chi, Cao Nhẫn biết lắm, do đó chàng không cãi, chỉ nói :
- Lão gia thấy chuyện bất bình mà khoanh tay, đâu phải đại trượng phu, vãn bối chẳng thể làm khác!
- Tiểu tử có lòng! Ta phục. Nhưng chớ đại ngôn! Lão Quân chủ vô thanh vô ảnh, ở đâu mà không có tay chân lão. Ta sợ tiểu tử ngươi chưa làm được gì đã lọt vào tay hắn, uổng một phen tâm huyết.
- Thế lão gia có định kiến nào? Vãn bối cung kính nghe lời giáo huấn!
- Được! Tiểu tử ngươi dễ dạy. Đây, ta nói cho nghe, ở đời ‘cô chưởng nan minh’, thế lực đối phương nhiều mà mạnh, phẩm và chất đều đáng gờm. Tiểu tử ngươi nếu có tâm, hãy tụ tập quần hùng, tạo một thế lực đối kháng! Đó mới là thượng sách! Trung sách là ‘Tọa sơn quan hổ đấu’. Mặc giang hồ, mặc kệ võ lâm, việc ta, ta làm. Tiểu tử ngươi chắc không đồng ý? Còn hạ sách, hạ sách là việc ngươi định làm đó, đơn thân độc lực như dê vào miệng hùm! Vậy đó! Ngươi tính sao?
- Đa tạ lão gia có lòng chỉ bảo, vãn bối đây thật sự khâm phục sự nhìn xa của lão gia. Này lão gia! Lão gia định đi về đâu?
- Ta? Một lão khất say thì có việc chi để làm, có nơi nào để mà đến? Ngao du sơn thủy chờ đến ngày gởi nắm xương khô vào lòng đất lạnh! Ngươi hỏi có ý gì?
- Lão gia! Tiểu tử không nhà cửa, không người thân! Muốn đi cùng lão gia! Lão gia nghĩ sao?
- Thôi đừng nói nữa! Người giang hồ lo việc giang hồ, tiểu tử ngươi theo ta sao được? Võ lâm Trung Nguyên này bé nhỏ lắm, lo gì việc không còn gặp lại. Nhớ đấy! Ta tuy không cho ngươi theo, nhưng ta có thể luôn theo ngươi đấy nhé!
Không chờ Cao Nhẫn đáp, lão già say, Võ Lâm Thần Khất, một trong Võ Lâm nhị thần, đã vội bỏ đi. Cao Nhẫn nhún vai nhìn Hoàng Nhân cười, rồi cả hai cùng bỏ đấy, rời đi...
Đi chừng một đoạn Cao Nhẫn như nhớ ra, hỏi Hoàng Nhân :
- Hoàng đệ, việc của Đinh cô nương, Hoàng đệ tính sao?
Hoàng Nhân nháy nháy mắt, nói khẽ :
- Đệ đã có báo về cho Bang chủ rồi. Chắc bây giờ, Bang chủ đã lên đường đến Không Động.
Ngạc nhiên, Cao Nhẫn hỏi :
- Hoàng đệ, báo lúc nào, sao ta không biết?
Vui vì đã qua mắt được Cao Nhẫn, Hoàng Nhân cười mà nói :
- Thiên cơ bất khả lậu! Đấy là cái tuyệt xảo của Cái bang!
Nghe đây là bí mật của Cái bang, nhớ đến lời của Đinh Phượng từng giải thích về các cấm kỵ của Cái bang, môn phái, Cao Nhẫn không hỏi gì nữa. Ngỡ Cao Nhẫn giận vì mình nói không rõ, Hoàng Nhân bèn nói :
- Thật sự, lúc Đinh tiểu thơ nói, thì Bang chủ ở gần đấy. Bang chủ có ám thị cho tiểu đệ không được nói, thì tiểu đệ nói làm sao được!
Nghe Hoàng Nhân nói, Cao Nhẫn thật lòng khâm phục cho thân pháp của Bang chủ Cái bang, nội công đến mức thượng thừa như Cao Nhẫn mà không phát hiện được người, thì thân pháp này quả là đáng phục.
Hoàng Nhân lại nói :
- Cao đại ca, đại ca định về đâu?
Nghe hỏi, Cao Nhẫn đưa mắt nhìn quanh, rồi nhìn Hoàng Nhân, cười nhẹ, chàng nói :
- Ta cũng không biết phải đi đâu! Tam tú Thần Ưng thì chưa thể biết được tung tích. Còn đến Không Động thì...
- Sao? Cao đại ca!
- Khi ta tìm đến Không Động, mọi người liệu có tiếp nhận ta? Khó quá! Hay là...
- Là gì...
Hoàng Nhân vừa định hỏi rõ ý định của Cao Nhẫn đã thấy Cao Nhẫn nắm tay kéo lùi nhanh vào cụm rừng mé tả. Chưa kịp lên tiếng hỏi, đã nghe Cao Nhẫn nói thật khẽ :
- Hoàng đệ! Đừng lên tiếng, phía trước, ở trong rừng có bóng người. Ta chưa biết là ai? Nhưng có vẻ đáng ngờ lắm!
Bế khí, cố nhịn thở, Hoàng Nhân đưa mắt nhìn về phía Cao Nhẫn vừa nói. Chưa trông thấy gì, thì tai đã nghe tiếng bước chân lao xao đạp trên lá rừng, tiến đến.
Thoáng chốc, đã thấy một bóng đen đến gần, theo sau là hai bóng người mặc áo trắng. Còn nữa, lại có một tên mặc võ phục màu tía, ánh sáng nhập nhoạng nếu không tinh mắt thì không phân biệt được màu áo giữa tía và đen. Tên hắc y đi trước như là dẫn đường, chốc chốc lại quay về sau nói khe khẽ với một tên áo trắng. Khi đi ngang qua chỗ Cao Nhẫn và Hoàng Nhân nằm phục, Cao Nhẫn và Hoàng Nhân thoáng nghe “Tứ Xuyên... Đường lão thái thái...” Rồi bọn chúng đi mất hút.
Cao Nhẫn khi đã bước ra, hỏi Hoàng Nhân :
- Hoàng đệ hiểu bọn chúng nói gì không?
- Chắc bọn Hiệp Thiên bang có việc gì phải đến Đường gia ở Tứ Xuyên. Chà, hai tên Ngân lệnh sứ, lại có cả một tên Chuyên sứ nữa. Việc này không tầm thường rồi!
- Sao Hoàng đệ biết là không tầm thường?
- Lực lượng khá hùng hậu, việc tầm thường sao lại thế?
- Rồi, ta có hướng đi rồi đó!
- Đi đâu?
- Hoàng đệ ở lại, lo liệu việc của Cái bang nhé, gặp lại sau!
- Cao đại ca định làm gì?
- Theo chúng!
- Theo bọn Hiệp Thiên bang à?
- Ừ, ta đi Tứ Xuyên! Bảo trọng nhé, Hoàng đệ.
Hoàng Nhân chưa kịp phản ứng, đã thấy mất dạng Cao Nhẫn.
“Thân pháp cao minh thật!” Hoàng Nhân thầm khen, rồi quay người chạy trở về thành.
Còn Cao Nhẫn, âm thầm theo chân bọn Hiệp Thiên bang, chưa rõ được ý đồ của chúng, chàng không việc gì ra tay...
Giải cứu Đường gia
Ma vương xuất hiện
Tứ Xuyên...
Một địa danh gắn liền với Đường gia!
Trên võ lâm thường truyền tụng ‘Đường gia Tứ Xuyên’. Họ không là danh gia bởi công hầu khanh tước. Họ là danh gia về võ học. Độc bá xưng truyền trên võ lâm về tuyệt kỹ chế tác ám khí, và nhất là tuyệt kỹ phóng ám khí, hơn thế nữa là thủ pháp thâu hồi ám khí của đối phương. Không có gì lạ, bởi vì học là danh gia về kỹ thuật chế tác ám khí, do đó họ cần tìm hiểu kỹ hơn về kỹ năng ám khí của người, bổ sung đến hoàn thiện ám khí cho nhà họ Đường. Bởi lẽ đó thủ pháp thâu hồi ám khí của họ ngày càng tinh tiến.
Một buổi sáng trung tuần tháng ba, tiết trời mát mẻ. Người người hân hoan, tuy phải làm việc vất vả, nhưng lòng vẫn thơ thới hân hoan do cái mát của tiết trời.
Thế mà trong đại phủ của nhà họ Đường thì trái ngược hẳn. Bầu không khí trầm mặc đáng sợ đã trùm lên phủ đệ nhà họ Đường, đã đến ngày thứ ba. Tình hình càng lúc càng khẩn trương.
Số là ba ngày trước, Đường công tử tuổi vừa lên tám, cháu đích tôn của nhà họ Đường đã mất tích. Sau khi tra xét trước sau, trong và ngoài phủ đệ, luôn cả nguyên vùng Tứ Xuyên cũng đã được xem xét cẩn thân từng tấc đất, ngọn cỏ. Tất cả đều phí công. Đường công tử vẫn không thấy tăm hơi đâu cả!
Sáng sớm hôm nay, vừa hết canh năm, trên tấm biển lớn đề hai chữ Đường gia, treo trước cổng đại phủ, tự lúc nào đã cắm nhập vào đấy một phi tiễn, sau đuôi có kèm một bức thư, thư viết:
“Trộm nghe tin Đường công tử mất tích, bản Chuyên sứ theo lệnh của Quân chủ, để mở đầu sự hợp tác của đôi bên, mặc dù Đường gia đôi lần thoái thác. Dầu vậy, bản Chuyên sứ cũng vị tình Đường lão thái thái. Cho bộ thuộc truy xét khắp nơi, mong tìm được Đường công tử, giúp Đường gia không tuyệt đường hương khói. Đến nay đã có kết quả. Mong Đường lão thái thái xét lại về vấn đề hợp tác mà bản Chuyên sứ có nói qua.
Hẹn đến giờ thìn sẽ đưa Đường công tử hồi phủ.
Bái từ”.
Nhận được thư, biết được tung tích Đường công tử, mọi người trong Đường phủ vẫn không mấy vui mừng. Việc của Đường công tử chỉ là việc nhỏ. Việc chấp nhận yêu cầu của Quân chủ Hiệp Thiên bang mới là việc trọng đại.
Người họ Đường vẫn nhớ. Đã hai lần vị Chuyên sứ tử y theo bái thiếp là người của lão Quân chủ, dẫn dụ Đường gia gia nhập Hiệp Thiên bang, kèm theo lời mời là một Kim lệnh bài, danh vị Kim lệnh sứ, một trong bốn Kim lệnh sứ của Hiệp Thiên bang. Địa vị chỉ dưới một người mà trên muôn người.
Lời mời này tuy hấp dẫn nhưng lại khiến Đường lão thái thái băn khoăn. Đường lão thái thái tuổi đã cổ lai hy, vì lãnh trọng trách về thịnh suy của Đường gia, do đó đắn đo trước mối lợi đột nhiên đến với Đường gia.
Lần thứ nhất, Đường lão thái thái chưa vội trả lời. Đành hẹn với vị Chuyên sứ, lợi dụng thời gian này, Đường lão thái thái cho người dò hỏi. Đến lúc biết dã tâm của Hiệp Thiên bang, không vì e sợ trước thế lực của Hiệp Thiên Bbng mà vì e sợ tương lai của họ Đường sẽ mất trong tay mình, nên đến lúc hồi đáp. Đường lão thái thái thay mặt họ Đường mà khước từ lời mời hợp tác của lão Quân chủ.
Đường lão thái thái và toàn thể nhân số trong Đường gia biết hậu quả tai hại khi khước từ, do đó, sau khi từ chối, mọi người trong họ Đường đều lưu tâm cảnh giác. Mọi việc đều bình thường, tất cả đều êm ả, sự đề phòng của Đường gia bắt đầu lơi lỏng thì xảy ra việc Đường công tử mất tích.
Việc tử y Chuyên sứ phi tiễn lưu thư càng làm cho nhà họ Đường hoang mang. Hiệp Thiên bang có ý tốt? Nếu thật sự tốt, sao không đưa Đường công tử hồi phủ, sau đó đề cập vấn đề cũ nào có muộn màng gì? Ngược lại, nếu có ý đồ xấu? Lý giải đến đây, Đường lão thái thái gật gù, nói với mọi người, lúc này đang tụ tập tại sảnh để bàn bạc :
- Vậy là rõ! Nếu ta lần này từ chối yêu cầu của họ, ắt Đường nhi khó toàn mạng, Hừ, các ngươi nghĩ sao?
Đường Tung, phụ thân của Đường công tử, vì lo ngại cho tánh mạng con mình, vội nói :
- Mẫu thân, hài nhi nghĩ việc chúng ta liên kết với Hiệp Thiên bang cũng là việc đáng để chúng ta suy xét.
- Ngươi nói thử coi!
Đường Tung thấy Đường lão thái thái, mẫu thân lão đồng ý và chịu nghe lão nói, mừng đến không kịp lấy lại hơi thở, lão đã nói luôn :
- Hài nhi xin nói, trên giang hồ hiện nay, mười phần, hết bảy phần đều là người của Hiệp Thiên bang, thế lực của họ quả là đáng nể...
Liếc nhìn, theo dõi sắc thái của Đường lão thái thái, thấy mẫu thân tỏ vẻ không hài lòng. Đường Tung tỏ ra ngắc ngứ... Nghĩ được ý khác, Đường Tung nói tiếp :
- Đường gia chúng ta tuy không sợ họ, nhưng hài nhi thiết nghĩ, nếu tránh được đổ máu mà không thiệt hại gì cho uy tín của Đường gia, thì việc liên kết này không phải là dở!
Đường lão thái thái nghe có vẻ xuôi tai, lão trầm ngâm tư lự, một chút mới nói :
- Ta không phải là không nghĩ đến điều này, nhưng ngươi thử nghĩ xem, họ được lợi ích gì khi liên kết với ta? Không có Đường gia họ cũng thừa mạnh. Vậy thì có thêm ta, dứt khoát là họ có lợi không nhỏ, lợi gì? Đường gia chúng ta có gì để cho họ cần lợi dụng? Ngoài tuyệt kỹ truyền gia? Rõ chứ, huống chi đã bốn mươi năm rồi, Đường gia tạ tuyệt giang hồ, không lẽ nhận Kim lệnh bài của người mà không tận tâm tận lực? Mà đã tận tâm, làm sao tranh khỏi phiền não giang hồ? Do nghĩ vậy, ta đã hai phen từ chối.
Nói đến đây, Đường lão thái thái quay nhìn một phụ nhân đứng gần đó, lão hỏi :
- Đại tức, còn ngươi nghĩ thế nào?
Phu nhân nghe Đường lão hỏi, lúng túng, chưa biết phải nói sao, vì Đường công tử là con bà rứt ruột đẻ ra, Đường công tử mất tích, thiếu điều bà hết sống. Nay nghe được tin thì mừng chỉ một phần, lo lại đến nghìn phần. Chuyện này không có gì khó hiểu, tục lệ nhà họ Đường, tuyệt kỹ gia truyền, đời nọ tiếp đời kia đều trao cho dâu. Mẹ của Đường công tử là dâu lớn, do đó, thương con thì thương nhưng không thể vì con mà bán đứng Đường gia. Cuối cùng phụ nhân đành nói :
- Mẫu thân! Mẫu thân giải quyết thế nào, nhi tức chỉ biết tuân nghe!
Đường lão thái thái gật đầu :
- Khá lắm, ngươi để đó, lão thân đã có chủ ý! Giờ này là giờ nào rồi?
Phụ nhân ngó ra sân trước sảnh, đoạn đáp :
- Cũng đã đến giờ họ phải đến rồi!
Nghe nói đã đến giờ hẹn, mọi người tuy lo nhưng bấm bụng ngồi yên vị. Chờ vị Chuyên sứ nọ và Đường công tử về phủ.
Ánh nắng chiếu xiên xiên, vừa lọt qua cửa sảnh, báo giờ Thìn đã đến.
Thì...
Một giọng nói oang oang từ cổng phủ truyền vào :
- Lão thái thái, bọn tại hạ xin được tiếp kiến!
Đường lão thái thái, cố lim dim mắt che giấu bớt đi hung quang đang xạ ra khi nghe giọng nói kia, nói :
- Đã đến rồi thì vào đi!
Bóng tía chớp động, một tử y nhân đã sừng sững đứng trước cửa sảnh đường, hắn thủ lễ, nói :
- Vãn bối xin ra mắt Lão thái thái!
Đường lão thái thái không bỏ vào tai lời khách của tử y nhân, khoát nhẹ tay nói :
- Chuyên lệnh sứ đã đến! Đường nhi ta đâu?
- Lão thái thái an tâm, Đường công tử còn mệt đang nghỉ sẽ đến sau. Việc bây giờ là...
- Đừng vội, ta không quyết định gì, khi chưa thấy mặt Đường nhi!
Đứng trước thái độ cương quyết của Đường lão thái thái, tử y nhân đâm ra lúng túng. Cố lấy can đảm, hắn nói :
- Lão thái thái, việc của Đường công tử, bản Chuyên sứ xin lấy đầu mình ra bảo đảm, sẽ đưa Đường công tử hồi phủ nguyên vẹn, không một chút sứt mẻ. Trong lúc chờ đợi cho Đường công tử khỏe lại, bản Chuyên sứ muốn biết thái độ dứt khoát của Đường gia!
Đường lão thái thái thấy thái độ vẻ uy hiếp của đối phương, lão cố nén giận hỏi :
- Ý của Chuyên sứ là...?
- Sao Lão thái thái không nói cho hết lời?
- Ha ha ha... Ta làm sao mà không hiểu được ý của Chuyên sứ. Ha ha... có phải là ý Chuyên sứ muốn nói nếu ta đồng ý gia nhập Hiệp Thiên bang thì sẽ nhận được Đường nhi, còn ngược lại... ha ha...
- Lão thái thái chớ hiểu lầm ý của Chuyên sứ ta!
- Hiểu lầm, vậy là Chuyên sứ sẽ trao Đường nhi cho chúng ta mà không đòi một điều kiện nào cả, phải thế không?
- Không phải, bản Chuyên sứ không muốn nói vậy!
- Không phải? Vậy xin cho biết tôn ý!
- Lão thái thái đã lầm khi gọi việc liên kết này là gia nhập bản bang. Đường gia vẫn là Đường gia, Quân chủ bản bang chỉ mong sự hợp tác thật tâm của Đường gia, đổi lại Đường gia đương nhiên lại là một trong Tứ đại kim lệnh sứ của bản bang, thay mặt bản bang mà quản cố vùng Tứ Xuyên này mà thôi!
- Nói dễ nghe lắm, nhận Kim lệnh bài, thay mặt Quân chủ quản cố Tứ Xuyên. Ha ha ha... vậy lúc đó, Đường gia phải tuân mệnh của ai?
- Đương nhiên là lệnh của Quân chủ!
- Quân chủ đích thân ban lệnh?
- Không nhất thiết, phần nhiều là qua bọn Chuyên sứ chúng ta!
- Ha ha ha... thật nực cười! Vậy mà Chuyên sứ nói không phải là gia nhập Hiệp Thiên bang! Thôi, không bàn nữa, lão thân nhất quyết phải thấy mặt Đường nhi trước đã, rồi còn gì nữa sẽ nói sau!
Đến nước này, tử y nhân, Chuyên sứ của Hiệp Thiên bang thật sự tức giận, hắn nói :
- Lão thái thái! Lão thái thái chỉ có hai đường mà thôi!
- Hai đường?
- Phải, một là lão thái thái nhận Kim bài lệnh, hai là...
- Sao?
- Hai là Đường gia nhận thủ cấp của Đường công tử!
Lão thái thái tức giận đến cùng cực, tóc bạc không gió mà lay động, tay động đầu trượng lún xuống cả mặt đất, tả thủ chỉ vào mặt tử y nhân, nói từng tiếng :
- Hiện giờ... mi đã là vật trong tay lão thân, mi biết rồi chứ! Ta giữ mạng sống mi lo gì không cứu được Đường nhi!
Tử y nhân ngẩng mặt cười vang, tràng cười dài, hắn cao ngạo nói :
- Lão Thái bà! Lão tưởng vào đây chỉ có một mình bản Chuyên sứ ta đây sao?
Nói vừa dứt tiếng, hắn liền vỗ tay, tiếng vỗ tay vừa xong, đã thấy loang loáng nhiều bóng người xuất hiện. Xem lại, thì thấy hai Bạch y nhân, hơn mười hắc y nhân. Tử y Nhân lại nói tiếp :
- Lão thái bà! Chắc Lão thái bà muốn trông thấy mặt tôn nhi lắm phải không? Được, bản Chuyên sứ ta đây sẽ cho Lão thái bà trông mặt tôn nhi lần cuối! Người đâu? Mau dẫn tiểu quỷ ấy vào đây! Ha ha ha...
Nhìn những ánh mắt sợ hãi của toàn gia họ Đường, tử y nhân đắc ý, cười lớn, rồi lại nói :
- Nhớ nương nhẹ tay nhé! Đã ba hôm rồi tiểu quỷ ấy không chịu ăn uống gì! Khéo lại chết mất đấy! Ha ha ha...
Tràng cười vẫn kéo dài trong nỗi thất vọng của người nhà họ Đường.
Nhưng tràng cười rồi cũng tắt, tên tử y nhân kinh ngạc vì cũng đã lâu, kể từ khi hạ lệnh mà không thấy người dẫn Đường công tử vào. Hắn giận dữ, quát to hơn :
- Chết hết rồi sao? Tiểu quỷ ấy đâu, mau đem vào?
Vẫn không ai trả lời, không một bóng người xuất hiện, tên tử y nhân quắt mắt nhìn tên Bạch y nói :
- Ngân lệnh sứ. Mau ra xem, chúng làm sao rồi?
Đợi thêm một lúc, không thấy người, cả tên Bạch y nhân vừa ra cũng không trở lại. Tên tử y nhân biết không xong, hắn thét lên hỏi :
- Kẻ nào hí lộng bản Chuyên sứ ta?
Đáp lại tiếng thét của hắn, một bóng người hạ thân xuống đương trường, một tiếng kêu kèm theo :
- Nội Tổ! Nội tổ, điệt nhi đã về đây!
Theo sau câu nói phản ứng tức thì xảy ra, người của Đường gia, tất cả đều vui mừng, khấp khởi. Đường phu nhân và Đường Tung chạy đến đón Đường công tử. Còn bọn người Hiệp Thiên bang thì bối rối, tên tử y nhân kinh hoàng nhìn sững bóng người vừa xuất hiện, hắn nói :
- Các hạ là ai? Sao lại xen vào chuyện của Hiệp Thiên bang?
Bóng người mới đến, thản nhiên đáp, trong lúc chuyển Đường công tử cho người Đường gia :
- Người giang hồ can thiệp việc giang hồ! Huống chi...
- Huống chi làm sao?
- Huống chi bọn Hiệp Thiên bang các ngươi ác tâm, vô đạo. Truy bức người không xong, giở trò hạ lưu vô sỉ, dùng mạng sống trẻ con mà uy hiếp người. Qua việc của các ngươi đủ biết lão Quân chủ các ngươi cũng là kẻ không ra gì! Nay Cao Nhẫn ta, tai đã nghe cụ thể, mắt thấy rõ ràng, quyết tận diệt bọn ngươi đến không còn một mạng!
- Câm miệng! Ngươi chắc đã chán sống, lại dám chống lại Quân chủ...
- Câm! Tất cả các người, ta sẽ tha cho một thay ta mà nhắn lời đến lão Quân chủ, hãy ngửa cổ mà chờ, Cao Nhẫn ta sẽ đến lấy thủ cấp lão!
Cao Nhẫn lúc này nổi giận, cái ác đã bừng lên, lấp đầy tâm trí, nhìn đâu Cao Nhẫn cũng thấy cái chết không nhắm mắt của má má, của minh huynh, chàng đưa mắt nhìn tất cả bọn Hiệp Thiên bang đang có mặt, chàng gằn giọng quát hỏi :
- Kẻ nào trong các ngươi không muốn chết mau đi di, nhớ là chỉ một người thôi đấy!
Không tên nào rục rịch, thấp cấp nhất là bọn hắc y, vẫn còn phải đợi lệnh của tên Ngân lệnh sứ và Chuyên sứ. Còn tên Ngân lệnh sứ, tuy chấp chưởng Ngân lệnh bài, võ công ắt hẳn khá cao, nhưng thấy tên Ngân lệnh sứ đồng bọn khi nãy được phái ra, không một tiếng kêu, đến giờ vẫn không thấy đâu, chắc là đã chết.
Võ công của đối phương như thế, hắn có lòng nào mà ở lại đánh với đối phương, nhưng hắn còn sợ tên Chuyên sứ. Do đó, hắn lưỡng lự bất quyết...
Tên Chuyên sứ thấy đồng bọn tỏ vẻ sợ sệt trong khi đối phương chưa biết bản lãnh ra sao, hắn đành nói :
- Được, việc hôm nay bản Chuyên sứ ghi nhớ để đó! Mong sau này gặp lại, ngươi vẫn còn nhớ những lời ngươi nói hôm nay.
Hắn phải nói thế, vì hiện tại, hắn và đồng bọn đang ở trong phủ đệ của Đường gia, con tin thì đã tuột khỏi tay, lấy gì để uy hiếp Đường gia.
Sau khi nói xong, hắn vội xoay người, ra hiệu cho đồng bọn của hắn ra khỏi sảnh đường, đại phủ Đường gia. Đường lão thái thái nói với theo :
- Xin cứ tự nhiên, lão thân không phải tiễn.
Cao Nhẫn không nói gì, chỉ lẳng lặng bước theo chân bọn Hiệp Thiên bang.
Đường lão thái thái thấy Cao Nhẫn bỏ đi, vội kêu lên :
- Thiếu hiệp, mong thiếu hiệp ở lại, lão thân đây chưa có lời cảm tạ mà.
Cao Nhẫn đưa tay chỉ bọn Hiệp Thiên bang, ý nói để giải quyết bọn chúng xong hãy đàm đạo.
Trong khi Đường lão thái thái lại hiểu là Cao Nhẫn sẽ tiễn bọn chúng, rồi chàng sẽ trở lại. Do đó, Đường lão thái thái ngưng nói, gật gật đầu.
Vừa ra khỏi công phủ Đường gia, bọn tử y nhân đã nghe :
- Dừng lại!
Quay lại nhìn, tên tử y nhân và đồng bọn thấy người vừa kêu dừng lại là Cao Nhẫn, chỉ có một mình chàng, chúng ngạc nhiên cho sự gan dạ của Cao Nhẫn. Tên tử y nhân và đồng bọn bèn đứng lại, Cao Nhẫn yên thân cách tên tử y nhân hơn trượng, Cao Nhẫn nói :
- Lúc này, các ngươi không còn nghĩ là ta dựa vào Đường gia rồi đấy nhé! Ta nhắc lại câu nói lúc nãy, chỉ một tên được ta tha mạng mà thôi. Ai? Các ngươi tự chọn!
Căm phẫn, tên tử y nhân quát lớn :
- Giết!
Trong tiếng quát, hắn tung liền liên tiếp thảy mười hai chưởng, vây kín thượng, trung, hạ, tiền, hậu Cao Nhẫn. Trong bóng chưởng trùng trùng, Cao Nhẫn thân hình như phiêu hốt, chàng không phản công, chỉ sử dụng đôi chân, bằng Ảo Ma bộ pháp mà đi trong bóng chưởng.
Chưởng phong của đối phương vừa tạm dừng, có lẽ vì hắn không còn lực đâu mà tấn công tiếp được, Cao Nhẫn lên tiếng :
- Thế nào, các ngươi đã chọn được ai chưa? Ta không đợi được nữa đâu!
Tên Ngân lệnh sứ và bọn hắc y nhân thấy thân pháp ảo diệu của Cao Nhẫn, chúng sợ đến mất mật, không ai bảo ai, tất cả đồng chạy, miệng kêu lên inh ỏi :
- Chạy, chạy thôi!
- Đứng lại!
Cao Nhẫn quát, rồi bóng chàng biến mất hút...
Đây đó vang lên nhưng tiếng rên la. Bọn chúng tung chạy theo mọi hướng, nhưng không sao thoát khỏi thân pháp biến ảo như ma của Cao Nhẫn, tất cả đều chết thảm không một lần phản công. Phản công làm sao được với Ảo Ma chưởng pháp, với một thân nội lực hơn trăm năm. Tất cả đều chết không toàn thây, chỉ còn lại một tên thi thể còn nguyên vẹn, đang bò dưới thân, miệng la lên :
- Xin tha mạng! Xin tha mạng!
Tên tử y nhân thật sự run sợ trước cơn cuồng sát của Cao Nhẫn, hắn đứng chết chân một chỗ, mắt mở to mà không tin vào điều hắn đang nhìn thấy.
Đến khi một bóng người đứng trước mặt hắn, hắn mới tỉnh lại, thì ra bóng đó là Cao Nhẫn. Miệng lắp bắp, hắn cố nói, nhưng không thành lời :
- Ngươi, ngươi... giết... giết... hết... rồi!
Cao Nhẫn lặng lẽ nhìn hắn nói :
- Ta đã nói trước rồi, bọn Hiệp Thiên bang các ngươi khó mà tránh được mạng số. Tàn ác như các ngươi, sống mà để làm gì! Ngươi còn gì muốn nói?
Tên tử y nhân sợ quá đến cả hết sợ, nói :
- Ta liều chết với ngươi!
- Thế có phải không! Đánh đi, thà đánh mà chết còn hơn đứng yên chịu chết!
Không chịu được nữa, khi đối phương xem hắn như đồ vật trong túi, hắn quát lên :
- Đỡ!
Vận dụng đủ mười hai thành công lực, hắn tung hết vào một chưởng này, quyết đổi mạng với đối phương.
Cao Nhẫn trụ bộ, mắt nhìn ngay chưởng của tên tử y nhân, với bảy thành công lực, chàng kích ngay một chưởng vào chưởng của địch.
Bùng...
Dư âm chưởng lực vang xa, cũng như thân hình tên tử y nhân văng xa ngoài năm trượng, Cao Nhẫn lướt theo, thấy hắn chưa chết, Cao Nhẫn hỏi :
- Ngươi là tên Chuyên sứ đứng hàng thứ mấy?
Tên Tử Y Nhân lúc này hầu như đã mê sảng, người sắp hôn mê, đi vào cõi chết, vô định ý hắn trả lời theo thói quen :
- Đệ... bát...
Rồi ngoẹo đầu chết!
Tiếng la hét vang dậy, tiếng chưởng kình chạm nhau... đã lôi kéo sự chú ý của toàn thể Đường gia, lúc này họ đã đứng trước cổng phủ, cả Đường lão thái thái cũng phá lệ, bước chân ra khỏi phủ...
Không để ý người của Đường gia đã đến đứng phía sau, Cao Nhẫn bước dần tới tên hắc y còn sống, vẫn đang bò lê dưới đất. Đưa tay đỡ hắn dậy, cố trấn an hắn, chàng nói :
- Bình tĩnh nào! Ngươi không chết được đâu! Lời ta đã thốt ra, ta quyết làm như thế. Thế nào? Ngươi có nghe ta nói không?
Tên Hắc Y lúc đầu vẫn còn run sợ, miệng lảm nhảm cầu tha mạng.
Đến lúc này đã dần dần định tâm lại. Hắn ngước nhìn Cao Nhẫn, ánh mắt lộ vẻ khẩn cầu tha mạng, mong Cao Nhẫn thực hiện lời chàng đã nói, hắn hỏi lại :
- Thiếu gia, thiếu gia nói thật? Thiếu gia tha mạng cho tiểu nhân?
- Ừ! Ta không giết ngươi! Vì ta cần ngươi làm cho ta một việc...
- Dạ... dạ...! Tiểu nhân sẽ làm, tiểu nhân sẽ làm bất cứ điều gì thiếu gia sai bảo!
- Được! Nhớ rõ điều này, nếu ngươi làm không tròn việc ta giáo phó, hừ chớ trách ta đấy nhé!
- Thiếu gia cứ nói, tiểu nhân không dám sai lời...
- Nghe đây, ngươi đem tất cả sự việc xảy ra ngày hôm nay hồi báo lại cho lão Quân chủ và nói nếu lão vẫn còn có dạ bất chánh, vẫn cuồng vọng với ý đồ bá chủ võ lâm thì Cao Nhẫn ta không để cho lão yên thân đâu, dù chỉ một ngày, ngươi nghe rõ chứ?
- Dạ... dạ... tiểu nhân đã nghe, tiểu nhân sẽ hồi báo, sẽ nói rõ lời của thiếu gia, sẽ...
- Thôi được rồi, ngươi đi đi, chớ đứng đó mà lắm lời!
Hắc y nhân nhận lại mạng sống đã vứt đi, mừng không kể xiết, ba chân bốn cẳng chạy đi ngay, luống cuống đến nỗi hắn chạy như thường nhân, quên cả vận dụng khinh công.
Đưa mắt nhìn theo, Cao Nhẫn thấy hùng tâm bốc lên cao đến vạn trượng, chàng lẩm bẩm :
- Quân chủ, lão Quân chủ! Ta sẽ làm cho lão đứng ngồi không yên, ăn không biết ngon, ngủ không tròn giấc. Cho đến khi, đến khi không còn một thế lực tà ác nào tồn tại ở chốn võ lâm này! Ta quyết triệt hạ đến tận gốc rễ.
Lời chàng nói, mọi người Đường gia đều nghe được. Họ không trách chàng, vì họ nghĩ là chàng chắc cũng đã phải trải qua nhiều khổ đau, gia tộc chàng chắc cũng đã trải qua nhiều thảm cảnh. Giữa chàng và Hiệp Thiên bang chắc có lẽ có một mối thù không đợi trời chung. Do nghĩ vậy, họ đồng ý việc làm của chàng là đúng, nhưng có vẻ quá nặng tay. Vì oan có đầu, nợ có chủ. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng họ không thể nói ra, không dám nói ra ngay trước mặt chàng. Đường Tung lên tiếng :
- Thiếu hiệp, mời thiếu hiệp vào phủ, để Đường gia chúng tôi tỏ chút lòng thành, gọi là để tạ ơn việc gia ân giải cứu Đường nhi!
Cao Nhẫn nghe vậy, bèn nói :
- Lão thái và Đường lão huynh đừng bận tâm, việc này nào có đáng chi để gọi là gia ân.
Đường Tung chận lời nói ngay :
- Thiếu hiệp đừng nói vậy, không có thiếu hiệp thì mạng của Đường nhi đã nguy rồi, việc này...
Không để Đường Tung nói hết, Cao Nhẫn nói :
- Tại Đường lão huynh không biết rõ đây thôi. Việc chúng dự mưu, tại hạ đã nghe biết trước, nhân việc này, tại hạ chỉ bỏ công một ít là cứu được Đường công tử thôi, chứ thật tình tại hạ cũng có lỗi với Đường gia phần nào?
- Thiếu hiệp nói sao?
- Chẳng là tại hạ muốn bắt tận tay, day tận mặt, để bọn chúng lộ rõ dã tâm. Do đó tại hạ mới để cho toan tính của chúng được thành công. Chớ nếu không, Đường công tử sẽ không thất tung và Đường gia không phải gặp khó khăn. Có vậy, tại hạ mới không thấy áy náy khi xuống tay hạ thủ.
Nghe Cao Nhẫn nói, người của Đường gia không biết phải làm sao, Đường lão thái thái đành phải lên tiếng :
- Dù sao, mọi người trong Đường gia vẫn ghi nhớ ơn sâu của thiếu hiệp. Hữu ân tất báo.
Cao Nhẫn vòng tay, thi lễ chung với mọi người :
- Tại hạ do có việc khẩn cấp bên mình, xin cáo biệt!
Đường lão thái thái cũng không cầm giữ, chỉ nói :
- Thiếu hiệp ra đi xin bảo trọng. Còn bọn người này, lão thân xin lo liệu, thiếu hiệp an tâm.
Đưa tay chỉ đám xác chết ngổn ngang của người Hiệp Thiên bang, Đường lão thái thái nói. Nghe vậy, Cao Nhẫn tự trách mình gây khó khăn cho người, nhưng không biết làm sao hơn được, Cao Nhẫn thốt lời tạ ơn, rồi bỏ đi.
Mọi người đưa mắt nhìn theo, băn khoăn nghĩ: “Liệu việc của Cao Nhẫn đang làm rồi sẽ ra sao? Hay là kiếp nạn chồng lên kiếp nạn. Giang hồ võ lâm lại một phen điên đảo!”