Kẻ hình người bóng
Tuấn Luận chậm rãi rảo bước từ từ tiến vào gian đại sảnh của phủ Cửu Thiên Tuế. Tất cả mọi cao thủ võ lâm lẫn bọn nha sai của phủ Thiên Tuế đều định nhãn hướng về phía Tuấn Luận.
Ngồi trên chiết ngai sơn son thếp vàng, Cửu Thiên Tuế nhìn chàng. Ánh mắt ma lão sáng ngời, nhưng ẩn tàng trong đó là nỗi muộn phiền mà chỉ có lão mới biết được mà thôi.
Tuấn Luận tiến thẳng đến cỗ quan tài của Lâm Qui. Chàng đứng trước cỗ áo quan tưởng niệm.
Chàng nhẩm nói :
- Lâm đệ đệ. Lúc sống huynh và đệ chẳng nhìn mặt nhau. Nhưng đệ chết rồi thì huynh lại nhìn mặt đệ. Nghĩa tử là nghĩa tận... Huynh đến đây lần này để tiễn đưa đệ...
Khấn xong, Tuấn Luận đốt ba nén nhang thắp lên chiếc lư đồng sáng ngời. Chàng đứng thêm một lúc nữa để tưởng niệm Lâm Qui rồi mới quay bước tiến đến trước mặt Cửu Thiên Tuế.
Tuấn Luận ôm quyền xá Cửu Thiên Tuế :
- Vãn bối chia buồn với tôn giá.
Khi hai người chạm mắt với nhau bất giác tim Tuấn Luận đập mạnh một cách hồi hộp. Đồi chân mày của Cửu Thiên Tuế nhíu lại. Ngay cả lão cũng có cảm giác hồi hộp lạ kỳ.
Lão chẳng biết vì sao mình lại có sự hồi hộp lạ thường như vậy. Phải chăng chỉ có Tuấn Luận mới chính là đối thủ ngang tài ngang sức với lão nên khi họ chạm mắt vào nhau thì tâm lão mới có sự hồi hộp lo lắng như vậy.
Cửu Thiên Tuế rít một luồng chân ngươn căng phồng lồng ngực mới từ tốn nói :
- Bổn tọa mạn phép hỏi Hạ công tử một câu được không?
- Tôn giá hỏi, tại hạ sẽ trả lời.
Buông một tiếng thở dài, Cửu Thiên Tuế trầm giọng nói :
- Lâm Qui chỉ là một gã vô danh tiểu tốt chẳng có gì đáng để cho Bách Thủ thư sinh đến viếng thăm đưa tiễn... Vậy nguyên cớ gì mà Hạ công tử lại hạ mình đến đưa tiễn hắn?
Tuấn Luận nhìn thẳng vào quắt Cửu Thiên Tuế :
- Chắc chắn một điều tại hạ đến viếng thăm Lâm công tử, tiễn công tử đi không phải vì Cửu Thiên Tuế.
Lão ve cằm từ tốn nói :
- Tất cả mọi người đến viếng tiểu tử Lâm Qui trước hết là vì bổn tọa là chính, nhưng sao Hạ công tử lại không vì bổn tọa. Chẳng lẽ Lâm tiểu tử kia lại có ân với Hạ công tử ư?
Tuấn Luận lắc đầu :
- Chỉ vì nghĩa tử là nghĩa tận mà thôi. Tất cả những người khác đến đưa tiễn Lâm thiếu gia vì sau lưng Lâm thiếu gia có Cửu Thiên Tuế, và nhất là vì vị chủ nhân của độc thảo Can Tâm.
Những thớ thịt trên mặt Cửu Thiên Tuế giật nhẹ một cái :
- Cho dù vậy thì họ cũng không đến nỗi kính cẩn như Hạ công tử.
- Tại hạ tiễn một người đi không giống với chuyện đón một người sống.
- Tốt... Tốt lấm... Rất khí khái.
Cửu Thiên Tuế nghiêm giọng :
- Hạ công tử đã đến tiễn đưa linh hồn của tiểu tử Lâm Qui đi, cái nghĩa này bổn tọa sẽ trả... Nhưng bổn tọa muốn hỏi công tử định xin thứ gì nơi bổn tọa?
Tuấn Luận ôm quyền hướng lên Cửu Thiên Tuế :
- Thứ tại hạ xin sợ tôn giá không cho.
- Thập nhị thần châu
Tuấn Luận lắc đầu :
- Không... Đối với Thập nhị thần châu thì Tuấn Luận chỉ muốn đoạt chứ không muốn xin. Đó đã là cuộc phân tranh giữa Tuấn Luận và tôn giá.
- Bổn tọa rất thích nghe những lời nói như thế này... Và càng thích hơn khi người nói ra câu đó là Hạ công tử.
Lão đứng lên bước chậm chạp xuống những bệ tam cấp đến trước mặt Tuấn Luận :
- Hạ công tử... Ngoài Thập nhị thần châu, báu vật minh chứng cuộc tranh đoạt giữa bổn tọa với công tử thì bất cứ thứ gì bổn tọa cũng có thể cho ngươi.
Tuấn Luận nghiêm giọng hỏi lại :
- Bất cứ thứ gì?
Cửu Thiên Tuế gật đầu :
- Bất cứ thứ gì...
Đôi chân mày của Tuấn Luận khẽ nhíu lại rồi nhanh chóng giãn ra. Chàng chậm rãi nói :
- Tuấn Luận là một kẻ tò mò, nên muốn biết về cái chết của Lâm công tử. Chắc chắn tôn giá sẽ cho tại hạ biết chứ?
Nghe chàng hỏi câu này mặt Cửu Thiên Tuế chợt đỏ bừng. Chẳng biết giận hay thẹn mà mặt lại biến sắc như vậy. Sắc diện của lão từ màu đỏ chuyển sang màu tái nhợt. Sự biến đối sắc diện đó chứng tỏ trong tâm Cửu Thiên Tuế đang dậy lên một cơn bão lòng dữ dội. Lão cứ giương đôi thần nhãn đầy uy quang nhìn chằm chằm Tuấn Luận.
Buông một tràng thở dài, Cửu Thiên Tuế chậm rãi nói :
- Chưa có một ai dám hỏi bổn tọa câu hỏi đó.
- Nhưng tại hạ lại hỏi.
- Chính vì thế mà bổn tọa phải ngạc nhiên. Bổn tọa muốn Hạ công tử cho biết vì sao công tử muốn biết về cái chết của Lâm Qui tiểu tử?
Nhếch môi, Tuấn Luận từ tốn nói :
- Bởi tại hạ là một kẻ tò mò.
- Tò mò đến cái chết của một người chẳng có quan hệ gì?
Tuấn Luận cười mỉm rồi nói :
- Tôn giá đến tiễn một người chết thì hẳn muốn biết người chết kia vì sao chết... Tại hạ đang tiễn Lâm Qui thiếu gia... Chắc chắn tôn giá biết vì sao y chết.
Buông một tiếng thở dài :
- Được. Bổn tọa sẽ nói, vì đã hứa với công tử, nhưng bổn tọa yêu cầu công tử một điều.
Tuấn Luận gật đầu :
- Được. Tại hạ hứa.
- Không một người thứ ba nào được biết về cái chết của Lâm Qui.
- Tôn giá tin tại hạ chứ?
- Đối thủ của bổn tọa thì bổn tọa phải tin.
- Đa tạ tôn giá.
- Mời Hạ công tử theo bổn tọa.
Hai người rời gian đại sảnh phủ Thiên Tuế, nơi cử hành hậu sự cho Lâm Qui, đến một gian thượng khách phòng phía hậu viên phủ Thiên Tuế.
Chờ cho Tuấn Luận yên vị rồi, Cửu Thiên Tuế mới bước đến bên cửa sổ.
Lão gằn giọng nói :
- Hạ công tử biết gì về bổn tọa?
- Tôn giá hỏi tại hạ câu đó, chẳng hay muốn tại hạ trả lời như thế nào?
- Bằng sự thành thật.
- Được. Tại hạ xin đáp lại bằng sự thành thật để đổi lại sự thành thật nơi tôn giá.
Cửu Thiên Tuế quay lại nhìn chàng.
Hai người lại đối nhãn nhìn nhau. Tuấn Luận từ tốn nói :
- Một Địa Tuyệt cung chủ hành tung xuất quỷ nhập thần, một Vô Địch Song Hoàn danh chấn khắp võ lâm, một lão Tổng quản thông minh và thủ đoạn và sau cùng là một Cửu Thiên Tuế với tham vọng độc bá thiên hạ... Tại hạ biết về tôn giá như thế đó.
Tuấn Luận nói dứt câu thì Cửu Thiên Tuế ngửa mặt cười khanh khách, tràng tiếu ngạo của lão nghe thật chói thính nhĩ bởi thỉnh thoảng lại pha vào những âm vực the thé.
Lão nhìn Tuấn Luận vừa cười vừa lắc đầu :
- Hạ công tử biết nhiều quá, nhưng lại không biết gì nhiều cả.
Chắp tay sau lưng, Cửu Thiên Tuế nói :
- Địa Tuyệt cung chủ, Vô Địch Song Hoàn, lão Tổng quản Trừu Khả Kỷ cũng đều là bổn tọa cả. Nhưng ta có một nỗi lòng chẳng một ai biết được.
- Tại hạ không có ý nghe nỗi lòng của tôn giá.
Mặt Cửu Thiên Tuế đanh hẳn lại sau khi câu nói của Tuấn Luận thốt ra :
- Đúng... Chẳng một ai biết được. Và với ngươi bổn tọa cũng không bao giờ nói. Điều ngươi tò mò, bổn tọa sẽ nói cho ngươi biết. Biết cả nguyên nhân vì sao bổn tọa phải làm như vầy.
Tuấn Luận chau mày nhìn Cửu Thiên Tuế. Chàng gằn giọng nói :
- Tôn giá giết Lâm công tử.
Cửu Thiên Tuế ve cằm, cười khẩy một tiếng :
- Không sai... Chính tay bổn tọa phát động Ma hoàn giết gã đó.
Mặt Tuấn Luận tái nhợt :
- Tôn giá đã nhận y làm nghĩa tử sao lại giết gã chứ? Nhận Lâm Qui làm nghĩa tử chỉ để giết hắn thôi ư? Với Lâm Qui thì tôn giá lấy mạng lúc nào không được. Thậm chỉ dễ còn hơn trở bàn tay của tôn giá.
- Ngươi nói đúng.
Lão dựa lưng vào tường thượng khách phòng ve cằm nói :
- Ngươi nói rất đúng... Lấy cái mạng của Lâm Qui đối với bổn tọa quả còn dễ hơn trở bàn tay... Nhưng trước khi bổn tọa giết gã thì ta đau khổ như thế nào ngươi biết không?
- Đau khổ... Bao nhiêu người đã chết dưới tay tôn giá rồi, chẳng lẽ giết Lâm Qui tôn giá lại đau khổ sao? Lạ lùng thật đó.
Thở hắt ra một tiếng, Cửu Thiên Tuế nói :
- Hạ công tử... Ngươi biết khi nhắc đến điều này khiến lòng ta căm phẫn không?
Lão đay nghiến nói tiếp :
- Ta căm phẫn chỉ vì ta là thái giám không thể nào có hậu nhân nữa, nhưng Lâm Qui lại không giống ta, không giống khí chất của một kẻ đỉnh thiên lập địa... Mặc dù... Mặc dù...
Cửu Thiên Tuế nhìn Tuấn Luận. Lão vừa rít giọng vừa nói :
- Hắn đã là nô tình của Mộng Diệp Tình... Nô tình của Diệp Mộng Tình... Vì chữ tình hắn đã xem ta là một thái giám, và còn trao cả mạng của ta cho Diệp Tình nữa... Mặc dù... Mặc dù...
Cửu Thiên Tuế rống lên một tiếng.
Cùng với tiếng rống đó, bất ngờ Cửu Thiên Tuế phát động Ma hoàn. Đôi Ma hoàn thoát ra khỏi tay lão, tợ như lưỡi kéo hướng thẳng đến Tuấn Luận.
Cùng với chiêu Ma hoàn sát tử cuồng nộ đó, Cửu Thiên Tuế buông một câu lạnh lùng :
- Bổn tọa là cha ruột của hắn.
Tuấn Luận chớp thấy Ma hoàn toan thi triển Bách Thủ Di Biến để chống trả nhưng lời của Cửu Thiên Tuế đập vào thính nhĩ chàng thì chàng lại đứng thừ ra như một pho tượng chờ đợi cái chết đến với mình. Đôi Ma hoàn tợ một lưỡi kéo khổng lồ chớp động chực cắt lìa thủ cấp của Tuấn Luận, nhưng đến khoảnh khắc sau cùng thì hai đạo chỉ kim cang phát ra từ tay Cửu Thiên Tuế đánh bật chúng đổi hướng.
Đôi Ma hoàn đảo một đường vòng cung nhanh chóng quay lại đôi tay của Cửu Thiên Tuế, trong khi Tuấn Luận vẫn đứng sững sờ không có chút phản xạ gì.
Cửu Thiên Tuế nhìn chàng :
- Tuấn Luận... Ngươi sao vậy?... Sao không dụng Bách Thủ Di Biến cản phá Ma hoàn của bổn tọa?... Ngươi thừa sức làm được chuyện đó mà.
Tuấn Luận như chẳng nghe gì đến lời nói của Cửu Thiên Tuế mà cứ giương mắt nhìn lão.
Thấy Tuấn Luận nhìn mình, Cửu Thiên Tuế cũng phải chau mày nhăn mặt. Lão gằn giọng nói :
- Bổn tọa không muốn thấy ánh mắt của ngươi nhìn bổn tọa như vậy.
Tuấn Luận buông một tiếng thở dài. Giờ thần sắc của chàng đã trở lại bình thường. Tuấn Luận nghiêm giọng hỏi :
- Tôn giá là cha ruột của Lâm công tử?
Khẽ gật đầu, Cửu Thiên Tuế nói :
- Đúng... Bổn tọa chính là cha ruột của Lâm Qui... Nhưng bổn tọa không ngờ Lâm Qui chỉ là đứa con lộn giòng của bổn tọa mà thôi.
Lão rít giọng nói :
- Hắn không có một cá tính nào thuộc về bổn tọa ngoại trừ sự phóng đãng dâm ô và nhục tình. Bổn tọa là rồng nhưng tại sao lại có một đứa con như gã. Hắn đáng chết để bổn tọa không phải hổ thẹn với liệt tổ liệt tông.
Nghe Cửu Thiên Tuế nói mà mặt Tuấn Luận cứ xanh dần cho đến khi mồ hôi rịn ra trên trán chàng.
Buông một tiếng thở dài, Tuấn Luận nói :
- Hùm dữ còn không ăn thịt con, mà tôn giá thi lại sẵn sàng cắt đứt khúc ruột duy nhất của mình. Tôn giá đúng là một người chẳng còn tâm.
- Khi Lâm Qui chết, ta chẳng còn tâm.
Tuấn Luận mím môi suy nghĩ về lời nói của Cửu Thiên Tuế. Mãi một lúc chàng mới nói :
- Tôn giá... Cuộc tranh đoạt của tại hạ và tôn giá cuối cùng cũng phải đến hồi kết thúc. Nó không thể kéo dài được nữa.
- Vậy Hạ công tử muốn gì?
Tuấn Luận trở lại sự bình thản như lúc ban đầu. Chàng nghiêm giọng nói :
- Đúng ngày trăng rằm... Tại hạ hẹn với tôn giá trên Kim Đỉnh tự để kết thúc cuộc tranh đoạt giữa tại hạ và tôn giá. Nếu tại hạ thắng tôn giá thì tôn giá phải tự hủy võ công của mình. Còn nếu tại hạ thua chỉ xin tôn giá một điều.
- Điều gì?
- Trả lại mười hai hạt Thần châu lên mười hai pho tượng Bồ Tát trên Kim Đỉnh tự.
- Phải chăng đó là ý của Thượng Quan Nghi?
Tuấn Luận gật đầu :
- Đúng Đó là di huấn của ân sư.
Cửu Thiên Tuế cười gằn một tiếng :
- Tuấn Luận... Trước đây ngươi có thể dùng Bách Thủ Di Biến chống chọi với bổn tọa... Nhưng bây giờ thì thủ pháp tuyệt công của Vô Vi pháp mà Thượng Quan Nghi truyền thụ cho ngươi không thể làm gì được bổn tọa cả. Trong thời gian một con trăng, bổn tọa còn có cơ hội hợp nhất Thập nhị thần châu trên Thiên Ma cổ bảo... Ngươi hẳn biết chuyện gì sẽ xảy ra chứ?
- Tôn giá sẽ trở thành người đầu tiên có được uy lực càn khôn Kim cương bất hoại.
- Đúng... Khi bổn tọa có được uy lực đó thì ngươi đâu còn là đối thủ của ta nữa. Ngươi đang tự đào huyệt chôn ngươi đó.
- Vãn bối sẽ có cách buộc tôn giá phải trả lại mười hai hạt thần châu vào đúng nơi của nó.
- Hạ công tử đang buộc bổn tọa hay thỉnh cầu bổn tọa?
- Vừa thỉnh cầu vừa bắt buộc.
Cửu Thiên Tuế khẽ gật đầu :
- Bổn tọa cảm thấy thích thú với ngươi đó.
Lão bước đến quầy rượu, nhón tay lấy hai bầu rượu thượng thặng. Đưa hai bầu rượu lên trước mặt, Cửu Thiên Tuế nói :
- Trong hai bầu rượu này, chẳng có bầu nào có Can Tâm thảo cả. Hạ công tử tin bổn tọa chứ?
Tuấn Luận gật đầu :
- Vãn bối tin.
- Thế thì bổn tọa xin được mời Hạ công tử một bầu.
- Đa tạ Thiên Tuế.
Cửu Thiên Tuế thẩy bầu rượu qua Tuấn Luận... Chàng đưa tay bắt lấy bầu rượu.
Hai người nhìn nhau, rồi cùng một lượt mở nắp bầu rượu tu ừng ực. Tất cả nỗi lòng mà Tuấn Luân muốn nói ra với Cửu Thiên Tuế, được chàng dồn vào cả bầu rượu này, nên uống như một kẻ đang khát cháy cổ cần nước.
Uống cạn bầu rượu ba cân, trong khi Cửu Thiên Tuế chỉ dùng được một cân. Tuấn Luận nói :
- Vãn bối chưa lần nào được thưởng lãm hảo tửu ngon như thế này. Có lẽ đây là những cân rượu ngon nhất trong cuộc đời của vãn bối.
- Bổn tọa cũng mong như vậy.
Tuấn Luận đặt bầu rượu rỗng tuếch lên bàn. Chàng nhìn Cửu Thiên Tuế bằng ánh mắt trìu cảm. Chàng đang nén lòng để không phải thốt lên tiếng cha mà từ lâu Tuấn Luận từng ao ước sẽ gặp lại người cha bạc tình vô đạo đó.
Buông một tiếng thở dài, Tuấn Luận ôm quyền nói :
- Cáo từ. Vãn bối hy vọng sẽ gặp lại Cửu Thiên Tuế trên Kim Đỉnh tự.
Chàng lưỡng lự một lúc rồi mới quay bước chậm rãi tiến ra cửa gian thượng khách phòng. Cửu Thiên Tuế nhìn theo sau lưng Tuấn Luận. Tâm trạng lão thật là bồi hồi với những cảm xúc lạ kỳ. Lão buột miệng gọi Tuấn Luận lại :
- Hạ công tử...
Tuấn Luận dừng bước quay lại nhìn Cửu Thiên Tuế.
Cửu Thiên Tuế ngập ngừng hỏi :
- Thượng Quan Nghi có nói gì với ngươi không?
Tuấn Luận nhìn thẳng vào mắt Cửu Thiên Tuế. Chàng chậm chạp nói :
- Tôn sư trọng đạo là nguyên căn của kẻ muốn thành người.
Chàng nói xong quay bước đi thẳng mà không đám nhìn lại. Tuấn Luận sợ rằng khi đối mặt lại với Cửu Thiên Tuế thì chàng khó mà giữ được tịnh tâm mà không kìm chế được những xúc cảm đang dâng tràn trong huyết quản.
Tuấn Luận vừa đi vừa nhủ thầm:
“Không... Ha Tuấn Luận... Ngươi không bao giờ có một người cha như vậy... Không bao giờ... Không bao giờ”.
Thay nhân đổi dạng
Thứ Dân vừa đi vừa nhìn trời như một kẻ cuồng tâm loạn trí. Y tự vỗ vào đầu mình :
- Ta là kẻ hồ đồ... Một gã đê tiện bỉ ổi. Đúng rồi... Ta học thánh hiền nhưng bản thân ta là tên bỉ ổi tiểu nhân. Diệp Hoàn ơi... Hãy tha tội cho huynh... Hãy tha tội cho huynh.
Hắn dừng bước trước con đường bậc thang dẫn lên Thiếu Lâm tự.
Boong...
Tiếng khánh chuông trỗi lên từ trên đỉnh trung sơn, phát ra từ ngôi cổ tự Thiếu Lâm vang động trong không gian rồi đến tai Thứ Dân. Gã dừng bước ngước mặt nhìn lên tòa cổ tự trên cao, thỉnh thoảng lại che khuất bởi những táng mây lững lờ trôi.
Thứ Dân đứng thừ ra một lúc rồi như bị tiếng khánh chuông kia thu hút lấy thần trí gã hưởng lên có tự Thiếu Lâm từ từ bước lên những bậc tam cấp.
Đi lần đến cổng tam quan thì mặt Thứ Dân đã xám ngoét, tái nhợt tái nhạt. Y vốn chỉ là một hàn sinh không có võ công thì việc lội từ dưới phân núi lên đến tòa cổ tự đã lấy mất đi gần như toàn bộ thể lực của gã.
Đứng thở dốc trước tòa cổ tự Thiếu Lâm, Thứ Dân nhìn vào ngồi Đại Hồng bảo điện nguy nga hùng vĩ mà nghĩ thầm:
“Diệp Hoàn... Huynh sẽ chuộc lại những lỗi lầm với muội. Chỉ có mỗi một cách duy nhất, Thứ Dân qui y cửa Phật mới có thể chuộc lại những gì đã gây ra cho muội mà thôi”.
Với ý nghĩ đó, Thứ Dân từ từ tiến vào tòa cổ tự thiêng liêng của võ lâm Trung Nguyên. Chẳng một chút e dè hay ngại ngùng, Sử Thứ Dân tiến thẳng đến ngôi “Đại Hồng bảo điện”. Hắn ngước mặt nhìn lên tòa tháp có chóp nhọn hoắt, rồi nhẩm nói :
- Diệp Hoàn... Khi muội biết huynh đầu cửa Phật môn chuộc tội với muội. Mong muội tha tội cho huynh.
Thứ Dân buông một tiếng thở dài bước lên những bậc tam cấp mà tâm gã nặng trĩu một nỗi lòng.
Y tiến đến trước cả Đại Hồng bảo điện mà chẳng biết phải làm gì, cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Cửa Đại Hồng bảo điện dịch mở một vị cao tăng bước ra :
- A di đà Phật... Thí chủ cần gì nơi Thiếu Lâm tự?
Thứ Dân lúng túng buột miệng niệm Phật hiệu theo vị cao tăng Thiếu Lâm tự.
- A di đà Phật...
Vị cao tăng tròn mắt nhìn gã :
- A di đà Phật... Thí chủ cần gì nơi Thiếu Lâm tự?
Thứ Dân bối rối nói luôn :
- Đại sư... Vãn bối... Vãn bối đã chán cảnh hồng trần, nên muốn xuất gia đầu Phật.
Nghe Thứ Dân thốt ra câu đó, vị cao tăng Thiếu Lâm tròn mắt nhìn Thứ Dân :
- A di đà Phật... Thiện tai... Thiện tai... Nhưng chuyện này rất hệ trọng, bần tăng sẽ bẩm báo với Tuệ Tỉnh sư huynh Phương trượng.
Thứ Dân ôm quyền xá :
- Mong đại sư giúp cho vãn sinh.
- A di đà Phật... Nếu thí chủ thật tâm có lòng qui y cửa Phật thì bần tăng sẽ nói một lời giúp thí chủ. Cửa Phật môn lúc nào cũng rộng mở đón chúng sinh về với cảnh giới thanh tịnh để thoát vòng sinh tử luân hồi, đến chầu Phật tổ Như Lai.
Thứ Dân ôm quyền xá :
- Vãn sinh thành tâm kính cẩn đa tạ đại sư.
- Thiện tai... Thiện tai... Mời thí chủ theo bần tăng về Dịch quán của Thiếu Lâm tự để nghỉ ngơi.
Đưa Thứ Dân về Dịch quán, vị cao tăng nọ mời bỏ đi. Còn lại một mình, Thứ Dân nhìn qua cửa sổ ngắm những tảng mây trôi bồng bềnh. Hắn nhìn mây mà thả hồn tơ tưởng nghĩ đến Mộng Diệp Hoàn.
Hình bóng của Diệp Hoàn hiện lên trong tâm trí Thứ Dân. Gã buông một tiếng thở dài nhẩm nói :
- Diệp Hoàn. Huynh xuất gia đầu Phật vì muội đó. Muội có hiểu cho huynh không. Huynh trở thành hòa thượng vì muốn chứng minh cho muội biết trong tâm của huynh chỉ có mỗi một mình Mộng Diệp Hoàn muội muội mà thôi.
Y chống tay lên cằm lơ đãng thả hồn theo những tảng mây lượn lờ trôi qua tầm mắt mình mà hồn cứ miên man suy nghĩ về Mộng Diệp Hoàn. Trong sự tịch mịch của Thiếu Lâm tự khiến Cho Thứ Dân càng mộng tưởng hơn đến Diệp Hoàn. Hắn cảm thấy lòng mình nặng trĩu khi nghĩ đến ngày mai chẳng còn cơ hội nào để hàn gắn những rạn nứt tình yêu giữa hắn với Diệp Hoàn. Nghĩ đến đây Thứ Dân chợt buông một tiếng thở dài nghe thật não nề.
- A di đã Phật...
Tiếng Phật hiệu cất lên ngay sau lưng Thứ Dân khiến gã giật mình, đứng sững lên như người ngồi trên lửa đỏ. Tuệ Tỉnh đại sư bước vào đứng sau lưng từ lúc nào mà Thứ Dân vẫn không hay bởi vì mãi dõi tâm tưởng của mình về với Mộng Diệp Hoàn.
Thứ Dân hối hả ôm quyền lúng túng nói :
- Vãn sinh bái kiến đại sư.
- A di đà Phật... Thí chủ cứ tự nhiên.
- Đa tạ đại sư.
Thứ Dân ngồi xuống chiếc đôn bằng cây, Tuệ Tỉnh đại sư quan sát dung diện của Thứ Dân rồi vuốt râu khẽ buông một tiếng thở dài.
Đại sư niệm Phật hiệu rồi nói :
- A di đà Phật... Bần tăng là Phương trượng Thiếu Lâm Tuệ Tỉnh, còn thí chủ đây hẳn là Sử công tử... Thi nhân nổi tiếng của thành Dương Châu?
Thứ Dân ôm quyền xá :
- Sử Thứ Dân chính là vãn sinh.
- Thiện tai... Thiện tai... Sử công tử đã có ý định xuất gia đầu Phật?
Thứ Dân ôm quyền nói :
- Dạ... Vãn sinh có ý đầu Phật môn, kính mong cao tăng tế độ cho vãn sinh.
Nhìn Thứ Dân, Tuệ Tỉnh đại sư nói :
- Phàm kẻ xuất gia đầu Phật thì phải có duyên với Phật môn, may ra mới tu thành chánh quả thoát kiếp sinh tử luân hồi và chầu Phật tổ Như Lai. Đó là những hành giả có duyên với Phật môn. Còn những ai xuất gia đầu Phật vì chán cảnh hồng trần, cửa tử bi vẫn rộng mở nhưng phải có duyên tiền kiếp mới có cơ hội thoát cả tái sinh khốn khổ của chúng sinh. Bần tăng muốn biết Sử thí chủ đây thuộc hạng hành giá nào mà muốn xuất gia đầu Phật?
Thứ Dân cúi đầu nhìn xuống mũi giầy. Y lí nhí nói :
- Vãn sinh không dám giấu Phương trượng đại sư... Vãn sinh thuộc hàng hành giả thứ hai. Vãn sinh chán cảnh hồng trần nên muốn xuất gia đầu Phật.
Tuệ Tỉnh đại sư lần chuỗi hạt niệm Phật hiệu :
- A di đà Phật. Sử thí chủ chán cảnh hồng trần nên muốn quy y đầu Phật?
Ôm quyền, khẽ gật đầu, Thứ Dân nói :
- Chốn hồng trần không còn gì để vãn sinh quyến luyến nên muốn đầu nhập Phật môn rửa tâm mình cho thanh tịnh.
- A di đà Phật... Phật tổ Như Lai đã trải qua bao nhiêu kiếp trong chốn nhân sinh mới trở thành bậc chánh đẳng, chánh giác, tìm ra đạo lý niết bàn. Vậy thí chủ có thể cho bần tăng biết vì sao thí chủ lại chán cõi nhân sinh mà tìm đến Phật môn?
Sử Thứ Dân lắc đầu :
- Đại sư vãn sinh không có ham muốn gì với cõi phù du bên kia nữa.
- Sử công tử là một thi nhân nổi tiếng Dương Châu trấn sao lại bi quan như vậy?
- Vãn sinh nói thật đó... Số phận của vãn sinh ngoài kia chỉ là sự phù phiếm, và chỉ muộn phiền thôi, nên vãn sinh quyết định xuất gia đầu Phật.
- A di đà Phật... Có chuyện gì thì thí chủ hãy nói với lão nạp. Nếu như chuyện thí chủ nói cũng là phần duyên của thí chủ đối với Phật môn, bần tăng sẽ chủ trì xuất gia cho Sử thí chủ.
Thứ Dân ôm quyền nói :
- Đại sư. Vãn sinh nói tất cả cho đại sư biết. Nếu đây đúng là duyên phận của vãn sinh, xin đại sư xuống tóc cho vãn sinh để bụi trần không còn vướng bận tâm của Thứ Dân này nữa.
- A di đà Phật... Bần tăng xin được nghe những gì Sử thí chủ nói.
Thứ Dân nhìn Tuệ Tĩnh đại sư, rồi chậm rãi thuật lại tất cả những sự biến xảy ra trong cuộc đời mình. Y không bỏ sót bất cứ một tình tiết nào.
Kể dứt câu chuyện, Thứ Dân gục đầu vào hài bàn tay :
- Đại sư. Đó là tất cả những gì vãn sinh đã trải qua. Cuối cùng vãn sinh đã phạm vào đại tội vô đạo, và chỉ có cửa Phật mới có thề gội rửa những gì mà văn sinh đã gây ra cho Mộng Diệp Hoàn.
- A di đà Phật... Sự tình của Sử thí chủ kể lại bần tăng nghe xong rồi. Quả là oan trái âu đây cũng là cái duyên để Sử thí chủ đến với Phật môn.
Tuệ Tỉnh đại sư nhìn lại vị cao tăng Tri Tần Đường :
- Giác Huệ sư đệ, chuẩn bị nhang đến để sư huynh xuống tóc cho Sử công tử.
Giác Huệ quay lại tòa Đại Hồng bảo điện. Tuệ Tỉnh đại sư nhìn Thứ Dân nói :
- Thí chủ đã suy nghĩ kỹ rồi chứ? Hành giả xuất gia đầu Phật là những người có duyên với Phật môn, đã vãn nợ cõi ta bà phù phiếm. Còn như Sử thí chủ đây, mặc dù quyết chí tìm đến Phật môn, nhưng để trốn tránh tội lỗi trong tình trường. Âu đó cũng là số phận. Nếu thí chủ đã quyết định thì lão nạp sẽ xuống tóc cho thí chủ.
Thứ Dân ôm quyền :
- Đại sư. Vãn sinh đã quyết lòng xuống tóc quy y cửa Phật.
- Bần tăng xem như thí chủ có lòng thành với Phật môn.
Tuệ Tỉnh đại sư đưa Sử Thứ Dân lên tòa Đại Hồng bảo điện. Không gian uy nghi trong tòa Đại Hồng bảo điện khiến Thứ Dân thẫn thờ. Gã nhìn bao quát chung quanh thấy đâu đâu cũng có những pho tượng Bồ Tát uy nghi, với thần phách thoát phàm khiến tâm y phải sờn lòng.
Tuệ Tỉnh đại sư đưa Thứ Dân đến quỳ trước đoàn Kim thân Phật tổ. Nhìn lên pho tượng khổng lồ, Thứ Dân càng bối rối hơn. Gã nhắm mắt nghĩ thầm:
“Diệp Hoàn. Kể từ bây giờ huynh và muội là người hai cảnh giới khác nhau. Mong rằng muội tha thứ tội lỗi cho huynh”.
Tuệ Tỉnh đại sư buông một tiếng thở dài, niệm Phật hiệu :
- A di đà Phật... Thí chủ đã quyết chí từ bỏ những oan trái trong cõi nhân sinh?
Thứ Dân cúi đầu nhìn xuống. Gã còn lưỡng lự thì Tuấn Luận từ ngoài Đại Hồng bảo điện bước vào :
- Vãn bối nghĩ Sử công tử không thể trốn chạy như vậy được đâu.
Tuệ Tỉnh đại sư quay lại chấp tay nhìn chàng niệm Phật hiệu :
- A di đà Phật... Hạ thí chủ...
Thứ Dân nhìn lại Tuấn Luận :
- Hạ huynh. Thứ Dân có lời với huynh.. Mong huynh miễn thứ cho những gì Thứ Dân đã gây ra cho huynh.
Tuấn Luận nhìn Tuệ Tỉnh đại sư :
- Đại sư. Vãn bối muốn nói với Sử công tử một vài lời trước khi Sử công tử quyết xuống tóc qui y cửa Phật.
- A di đà Phật... Hạ thí chủ cứ nói.
Tuấn Luận bước đến trước mặt Thứ Dân. Chàng nhìn gã tử tốn nói :
- Tất cả những gì huynh nói với Tuệ Tỉnh đại sư, Tuấn Luận đã nghe được cả rồi.
Chàng mỉm cười :
- Huynh có tâm trong sạch thì tất được Phật tổ Như Lai cứu độ cho huynh thôi. Đâu cần đến chuyện phải xuất gia đầu Phật rủ bỏ chốn hồng trần mà huynh còn nợ quá nhiều.
Thứ Dân nói :
- Hạ huynh... Thứ Dân này hổ thẹn lắm, chỉ muốn xuất gia đầu Phật để chuộc lại những lỗi lầm của mình với Diệp Hoàn.
Thứ Dân nhìn Tuấn Luận như thể muốn đóng đinh vào mặt chàng :
- Hạ huynh... Huynh có cách gì?
- Nếu huynh theo cách của tại hạ thì xem như huynh đã chuộc lại tất cả những tội lỗi của mình. Thậm chí Mộng Diệp Hoàn sẽ tha thứ mọi chuyện mà huynh đã gây ra cho nàng.
- Hạ huynh... Thứ Dân phải làm gì đây?
Tuấn Luận nhìn Thứ Dân :
- Nhưng trước khi tại hạ nói với Sử huynh cách đó thì trước Kim thân Phật tổ Như Lai, Sử huynh phải hứa không được cho người nào biết ngoài trừ tại hạ và Tuệ Tỉnh phương trượng đại sư.
Sử Thứ Dân gật đầu :
- Thứ Dân xin hứa.
Tuấn Luận nhìn lại Tuệ Tỉnh đại sư. Chàng buông tiếng thở dài từ tốn nói :
- Đại sư. Những gì Tuấn Luận nói với đại sư thì đại sư đã hiểu cả rồi. Đại sư... Tuấn Luận cầu mong đại sư theo ý của vãn bối mà hành sự.
Chàng từ từ quì xuống, thành khẩn nói với Tuệ Tỉnh đại sư :
- Vãn bối sẽ thay thân phụ chuộc lại những gì người đã làm. Mong rằng đại sư hiểu và độ lượng cho thân phụ của vãn bối.
Tuệ Tỉnh đại sư nhắm mắt chắp tay niệm Phật hiệu :
- A di đà Phật.
Lão tăng Thiếu Lâm buông một tiếng thở dài :
- Bần tăng giờ có muốn chuyển đổi ý nghĩ của Hạ thí chủ cũng không được.
Tuấn Luận hành đại lễ trước mũi hài Phật môn, kính cẩn nói :
- Vãn bối khấu đầu cảm tạ ân trời biển của đại sư đã giúp vãn bối trọn đạo làm người.
- A di đã Phật... Rồi đây võ lâm sẽ chẳng còn ai nhắc đến Hạ thí chủ. Họ đâu biết được trong cõi đời này có một Hạ Tuấn Luận đỉnh thiên lập địa, vị nhân vị nghĩa. Ngay cả bần tăng, không biết mai này còn có thể tịnh tâm hướng đến nẻo Niết Bàn khi nhớ đến Hạ thí chủ hay không.
Buông một tiếng thở dài nữa, Tuệ Tỉnh đại sư niệm Phật hiệu nói :
- A di đà Phật. Phật tổ từ bi hẳn sẽ mở rộng cửa Niết Bàn đón Hạ thí chủ.
Lão tăng nói đến đây thì nước mắt lăn dài xuống khóe mắt.
Lão nhìn Thứ Dân :
- Sử thí chủ hãy theo bần tăng.
Đêm trên Thiếu Lâm thật yên ắng và tĩnh mịch. Thế nhưng sự tĩnh mịch đó bỗng chốc bị phá vỡ bởi những đoàn nha sai cầm vũ khí hướng lên Thiếu Lâm tự. Hòa chung dòng nha sai giáp y như thể người xông trận là những cao thủ của võ lâm bất kể Hắc đạo hay Bạch đạo.
Cả khuôn viên trước Thiếu Lâm tự bỗng chốc náo loạn bởi tiếng chân rầm rập. Từ phía võ tăng đường, những võ tăng hộ tam bảo cũng ào ào lướt ra. Trong tay họ là những cây trường côn lăm lăm sẵn sàng xung trận một khi ngôi tam bảo bị xúc phạm.
Hơn trăm gã nha sai đứng thành hàng ngang trước tòa Đại Hồng bảo điện. Kế đến là những cao thủ hắc bạch trên chốn giang hồ. Trước hàng nha sai là chiếc ngai sơn son thếp vàng của Cửu Thiên Tuế Tiếu Thuận. Cửu Thiên Tuế Tiểu Thuận ngồi chễm chệ trên chiếc ngai đó, hai tay đặt lên thành tay cầm, định nhãn hướng về phía Tuệ Tỉnh đại sư.
Đại sư bước xuống những bậc tam cấp ôm quyền niệm Phật hiệu :
- A di đà Phật...
Cửu Thiên Tuế hừ nhạt một tiếng rồi đứng lên :
- Nhứt Điếu Tống Thành Bảo, nhận ra bổn tọa chứ?
Tuệ Tỉnh đại sư từ tốn nói :
- A di đà Phật.. Tống Thành Bảo Nhứt Điều từ lâu đã không còn. Bần tăng không biết người đó là ai. Kính mong Cửu Thiên Tuế đừng nhắc đến cái tên đó.
- Tống Thành Bảo Nhứt Điếu là Nhứt Điếu có gì mà bổn tọa phải ngại ngùng không nhắc đến chứ?
Cửu Thiên Tuế chắp tay ra sau lưng, khinh khỉnh nhìn Tuệ Tỉnh đại sư :
- Đến Thiếu Lâm lần này, mục đích của bổn tọa là phải minh chứng võ công với Nhứt Điếu Tống Thành Bảo. Lão đại sư Thiếu Lâm đồng ý chứ?
- A di đà Phật... Trong Thiếu Lâm không có ai tên là Nhứt Điếu Tống Thành Bảo cả Cửu Thiên Tuế hẳn đã lầm người rồi.
- Bổn tọa không lầm. Nhứt Điếu Tống Thành Bảo chính là Phương trượng Thiếu Lâm Tuệ Tỉnh. Nếu như lão thắng bổn tọa thì lão phu sẽ giao ngay Thập nhi Thần châu để cho lão làm báu vật trấn chùa. Bằng như ngược lại, bổn tọa sẽ cho nha sai san bằng Thiếu Lâm tự. Mãi mãi trong võ lâm không còn ngôi cổ tự đó nữa. Điều thứ ba, nếu như lão hòa thượng không ưng ý san bằng Thiếu Lâm tự, thì bổn đạo sẽ tự tay đổi lại tên ngôi cổ tự này.
- Tất cả ba điều kiện Cửu Thiên Tuế đưa ra, không có điều kiện nào bần tăng chấp nhận được.
Tuấn Luận từ trong Đai hồng bảo điện bước ra :
- Thiên Tuế sao lại lấy oán trả ân thế nhỉ?
Tiểu Thuận Cửu Thiên Tuế quay ngoắt lại nhìn Tuấn Luận. Mặt lão cau hẳn lại :
- Hạ công tử... Bổn tọa và Hạ công tử đã hẹn nhau tại Kim Đỉnh tự cớ sao ngươi lại ở đây và còn chen vào chuyện của bổn tọa nữa?
Tuần phủ Mạc Dương Can bước ra. Lão gắt giọng quát :
- Tên súc sinh hồ đồ dám chen vào.
Lão Tuần phủ Mạc Dương Can chưa kịp nói hết câu thì đã nhận trọn hai cái tát tai nẩy lửa của Tuấn Luận đến nỗi mắt hoa, miệng há mà chẳng thể nào nói tiếp được.
Tiểu Thuận Cứu Thiên Tuế rít giọng nói :
- Hạ Tuấn Luận... Ngươi dám hành xử mệnh quan của triều đình sao?
Tuấn Luận ôm quyền xá Cửu Thiên Tuế Tiểu Thuận :
- Trong kinh lễ có câu Thượng bất chính hạ tất loạn... Vãn bối chỉ muốn cảnh cáo cho Mạc đại nhân biết ở đây ai là người có chức phận để sự tôn nghiêm. Chẳng lẽ Thiên Tuế để cho một lão Tuần phủ thay người muốn nói gì thì nói sao? Như thế thì đâu còn chức phận nữa?
Tiểu Thuận nhíu mày, mặt đanh lại, hiện rõ vẽ bất nhẫn. Lão rít giọng the thé :
- Nhưng y là mệnh quan của triều đình con ngươi chỉ là hàng thảo dân.
- Ở đây còn có Thiên Tuế kia mà... Chẳng lẽ một mệnh quan triều đình bất tuân cương kỷ, dân không được phép dạy cho hắn à? Nếu Thiên Tuế bênh vực cho Mạc đại nhân thì kỷ cương phép nước này đâu còn ra thể thống gì nữa. Mà điều đó thì đương kim Hoàng thượng không bao giờ muốn.
Thở hắt ra một tiếng, Cửu Thiên Tuế nói :
- Thế ngươi nói bổn tọa lấy oán trả ân là sao chứ?
Tuấn Luận cười mỉm rồi nói :
- Nếu không có Thiếu Lâm thì Cửu Thiên Tuế đâu bao giờ còn giữ lại giọt máu cuối cùng của mình.
Những thớ thịt nong trên mặt Tiểu Thuận như thể giật nẩy lên :
- Ngươi nói sao. Ta không muốn nghe những lời sàm ngôn vớ vẩn của ngươi đâu. Những lời ngươi nói ra nếu làm sự nhục mạ bổn tọa thì xem đây.
Lão nói dứt câu, khẽ lắc hai cổ tay Ngay lập tức đôi Ma hoàn xuất hiện cắt luôn một đường vòng cung chém thẳng vào đôi kỳ lân bằng đá hắc thạch dựng ngay dưới chân bậc tam cấp dẫn vào Đại Hồng bảo điện.
Chát...
Đôi kỳ lân đá bị chặt đứt làm hai khúc, còn cặp Ma hoàn chẳng khác gì những con vật trung thành từ từ bay lại đôi tay thịt của Cửu Thiên Tuế như đã được huấn luyện từ trước, những binh khí vô tri vô giác.
Nhìn Tuấn Luận Cửu Thiên Tuế nói :
- Ngươi thấy rồi chứ?
- Quả thật là bất phàm.
Tuấn Luận nhìn Cửu Thiên Tuế. Chàng từ tốn nói :
- Nói ra điều này, hắn Cửu Thiên Tuế thông tin, nhưng vãn bối vẫn phải nói.
Cửu Thiên Tuế nghiêm giọng nói :
- Ngươi sắp nói ra điều gì?
Tuấn Luận mỉm cười xua tay rồi chậm rãi :
- Vãn bối chỉ muốn nói cho tôn giá và Tuệ Tỉnh đại sư nghe mà thôi. Ngoài ra chẳng ai được quyền nghe câu chuyện này nữa.
Cửu Thiên Tuế chau mày :
- Được. Sau khi nghe xong, bổn tọa sẽ có quyết định thanh toán Thiếu Lâm hay không.
- Vãn sinh rất muốn nghe lời nói này của Thiên Tuế.
Cửu Thiên Tuế khoát tay ra hiệu.
Ngay lập tức hàng nha sai lẫn bọn cao thủ võ lâm đồng loạt thôi bộ ba ngoài ngọ môn. Bên này các vị võ tăng cũng thối lùi về phía cửa Đại Hồng bảo điện.
Chờ cho mọi người lui hẳn ra xa rồi. Tuấn Luận mới chậm rãi nói :
- Hẳn Thiên Tuế còn nhớ một mỹ nữ của trấn Vĩnh Xương chứ?
Mặt của Cửu Thiên Tuế nhíu lại, nhăn nhúm. Lão dè chừng hỏi :
- Công tử nhắc đến Vĩnh Xương trấn để làm gì?
- Vãn bối biết điều Thiên Tuế làm. Thiên Tuế hy vọng sẽ tìm được một Lâm thiếu gia thứ hai.
- Ngươi đã tìm ra được Tiểu Cẩu Tử?
- Tiểu Cẩu Tử là bằng hữu của vãn bối, có gì mà tìm chứ?
Thiên Tuế dợm bước tiếp về phía Tuấn Luận. Gã như thể khẩn trương cực độ :
- Tiểu Cẩu Tử đang ở đâu?
- Vãn bối sẽ nói chỉ khi nào Thiên Tuế chấp nhận điều kiện.
- Bổn tọa chẳng có điều kiện gì để chấp nhận cả.
- Điều kiện của vãn bối cũng rất đơn giản thôi... Không có gì mà tôn giá không làm được cả. Huống chi đây còn là dịp để Thiên Tuế trả nghĩa cho Thiếu lâm.
Thiên Tuế gằn giọng nói :
- Hãy nói rõ cho bổn tọa biết những gì ngươi biết.
Tuấn Luận thay mặt Thiên Tuế quá ư khẩn trương mỉm cười nói :
- Trên đời này luôn có những sự bất ngờ đến với tôn giá.
- Bổn tọa muốn gặp Tiểu Cầu tử.
Tuấn Luận ôm quyền nói với Tuệ Tỉnh đại sư :
- Mời đại sư.
- A di đà Phật...
Đại sư nhìn lại Giác Huệ Tri Tăng đường :
- Hãy đưa Tuệ Thức ra.
Giác Huệ đại sư quay vào Đại Hồng bảo điện một lúc sau đi cùng với Thứ Dân bước ra.
Trong bộ trang phục của giới tử, đầu cạo trọc, Sử Thứ Dân trông vừa nho nhã, vừa thoát tục với những nét anh tuấn. Nhìn Thứ Dân mà mặt Cửu Thiên Tuế chau hẳn lại. Lão lắc đầu như thể chẳng muốn tin vào mắt mình.
Lão dấn đến ba bộ nhìn Sử Thứ Dân chằm chằm rồi gằn giọng nói :
- Tiểu tăng kia... Ngươi có phải là tên thư sinh họ Sử không?
Thứ Dân nhìn Cửu Thiên Tuế Tiểu Thuận.
Tuấn Luận hơi bối rối khi nghe Cửu Thiên Tuế nói ra điều này. Chàng không ngờ Cửu Thiên Tuế lại biết được Thứ Dân.
Tuấn Luận miễn cưỡng hỏi :
- Tôn giá biết Sử Thứ Dân à?
- Sao bổn tọa lại không biết. Y là một gã hàn sinh yếu đuối nhu nhược, và lụy vì tình. Cả đất Dương Châu ai cũng biết hắn si mê Tô Băng Lệ. Bổn tọa không tin hắn là Tiểu Cẩu Tử.
Tuấn Luận nhún vai, cười mỉm nói :
- Tôn giá không tin Thứ Dân là Tiểu Cẩu Tử ư? Nhưng tại hạ thì tin đó, bởi trước đay Lâm thiếu gia đã từng muốn truy sát Sử bằng hữu của tại hạ. Y truy sát Sử bằng hữu của tại hạ vị trên người Sử Thứ Dân có một vết tích, mà Lâm công tử không muốn cho tôn giá biết. Điều thứ hai, chính ân sư Thượng Quan Nghi đã phái tại hạ đi tìm Sử công tử...
Cửu Thiên Tuế lắc đầu :
- Bổn tọa không cần biết gì cả... Hãy cho ta xem vết tích kia.
Tuấn Luận nghiêm giọng nói :
- Trước khi tôn giá xem dấu tích trên người Sử bằng hữu thì hãy hứa với tại hạ, phải rút ngay khỏi Thiếu Lâm tự... Tất cả cuộc phân định hơn thấp giữa tôn giá và Thiếu Lâm chỉ có thể khởi đầu sau ngày phó hội với Tuấn Luận trên Kim Đỉnh tự.
Cữu Thiên Tuế gật đầu :
- Được. Bổn tọa đồng ý.
Tuấn Luận bước đến trước mặt Thứ Dân. Chàng quan sát chân diện của Thứ Dân rồi nhỏ giọng nói :
- Sử huynh... Nếu Cửu Thiên Tuế phát hiện ra sự giả mạo này thì huynh có thể chết đó.
- Cái chết này có ý nghĩa nên Thứ Dân đâu có ngại.
Thốt ra lời đó, dung diện của Thứ Dân chẳng có chút biểu hiện gì tỏ ra lo lắng hay đắn đo cả. Trong tâm gã chỉ có mỗi một ý nghĩ trả nợ tình cho Diệp Hoàn, cho dù y phải chết để chứng minh với nàng sự trong sạch của y.
Tuấn Luận khẽ gật đầu nói :
- Phiền Sử huynh đệ hãy cởi áo cho tôn giá xem.
Thứ Dân thản nhiên cởi áo giới tử. Hình xăm đóa hoa huệ trên vùng chấn tâm lại đập vào mắt của Cửu Thiên Tuế. Đôi thần nhãn đầy uy quang của Tiểu Thuận cứ như đóng đinh vào hình xâm đó. Thấy luồng uy quang của lão mà mọi người những tưởng lão đang xoi mói tìm kiếm cái gì đó trên ngực Thứ Dân.
Cửu Thiên Tuế nói :
- Sử công tử... Bước qua đây.
Thứ Dân bước thẳng đến trước mặt Cửu Thiên Tuế. Lão nhìn Thứ Dân từ đầu đến chân rồi lại định nhãn chằm chằm hướng vào hình xăm đóa hoa huệ.
Cửu Thiên Tuế từ tốn hỏi :
- Trên người ngươi có hình xăm hoa huệ... ai xăm cho ngươi?
Thứ Dân buông một câu cụt lủn :
- Mẫu thân.
Đôi chân mây Cửu Thiên Tuế nhíu lại.
Lão bất ngờ vén ống tay áo trường bào. Trên cánh tay phải của lão có dấu hình xăm hoa huệ giống như tạc với hình xăm trên người Thứ Dân.
Lão nhìn Thứ Dân nghiêm giọng nói :
- Bổn tọa là cha của ngươi... Ngươi gặp bổn tọa có cảm xúc gì không?
Mọi người căng thẳng chờ đợi câu trả lời của Thứ Dân. Thứ Dân nhìn thẳng vào mặt Cửu Thiên Tuế, khẽ lắc đầu :
- Không một cảm xúc gì cả.
Câu trả lời này của Thứ Dân đáp trả Cửu Thiên Tuế khiến mọi người nghĩ ngay đến một cuộc huyết đấu, máu chảy lan khắp tòa cổ tự Thiếu Lâm.
Cửu Thiên Tuế hỏi :
- Ngươi chẳng có cảm xúc gì à?
Thứ Dân gật đầu.
Cửu Thiên Tuế nói tiếp :
- Biết bổn tọa là cha ruột của ngươi, sao ngươi chẳng có cảm xúc gì?
- Vãn sinh và tôn giá quá xa lạ... Cho dù người có là cha ruột thì sự xa lạ kia cũng khiến cho vãn sinh chẳng có chút cảm xúc gì. Đây là lời thật.
Cửu Thiên Tuế nhìn lại Thứ Dân từ đầu đến chân.
Lão ngắm y một lúc rồi chấp tay sau lưng bước đến trước mặt Tuệ Tỉnh đại sư :
- Tuệ Tỉnh hòa thượng. Nếu bổn tọa muốn đưa Thứ Dân đi, lão có đồng ý không?
- Đi hay không là quyết định của Tuệ Thức.
Tiểu Thuận gắt giọng nói :
- Dù muốn hay không muốn thì y cũng phải đi theo bổn tọa.
- A di đà Phật. Bần tăng không muốn ép Tuệ Thức... Cửa Phật môn động mở đón Tuệ Thức thì Tuệ Thức ra đi cửa Phật cũng không níu lại.
- Nếu lão hòa thượng cho Tuệ Thức theo lão phu... Xem như lão đã chính thức gác điếu qui ẩn giang hồ. Bổn tọa chẳng bao giờ màng đến cái danh “Nhứt Điếu” hôm nào nữa.
- A di đà Phật.
Niệm xong câu Phật hiệu đó, Tuệ Tỉnh đại sư quay bước ung dung tiến vào lại Hồng bảo điện. Những vị cao tăng theo hầu cũng dời bước theo chân Tuệ Tỉnh.
Thiên Tuế nhìn lại Tuấn Luận :
- Tuấn Luận... Bổn tọa có điều muốn hỏi ngươi.
- Tôn giá cứ hỏi.
- Ngươi đến Thiếu Lâm tự vì bổn tọa?
Tuấn Luận suy nghĩ một lúc rồi gật đầu :
- Không sai.
Chàng khoanh tay trước ngực để nén tiếng tim đập thình thịch trong ngực mình, từ tốn nói :
- Tất cả những việc làm của tôn giá chỉ vì muốn chối bỏ một quá khứ bần hàn, nhưng nếu quá khứ bần hàn được tôn giá xua tan rồi đổi lại là sự cô độc, hiu quạnh.
Tuấn Luận khẽ lắc đầu :
- Thật là vô nghĩa.
- Ngươi nghiệm ra điều đó từ lúc nào vây?
- Từ lúc đối mặt và uống rượu không có Can Tâm thảo của tôn giá.
Cửu Thiên Tuế buông một tiếng thở dài rồi nói :
- Có lẽ người hiểu bổn tọa chính là ngươi đó
Lão liếc trộm nhìn Thứ Dân rồi nói :
- Bổn tọa vô cùng cảm kích hành động của ngươi. Phải chi bổn tọa và ngươi...
Thiên Tuế bỏ lửng câu nói giữa chừng rồi quay bước chậm rãi đi vế phía cửa ngọ môn.
Lão vừa đi vừa nói :
- Thứ Dân... Hãy theo ta.
Thứ Dân nhìn lại Tuấn Luận.
Chàng khẽ gật đầu, y mới chậm rãi khẽ bước theo Cửu Thiên Tuế. Nhìn theo sau lưng Thiên Tuế và Thứ Dân đang đi lần ra ngọ môn. Tuấn Luận điềm một nụ cười mỉm. Chàng nhẩm nói :
- Mong rằng có Thứ Dân bên cạnh, người sẽ không còn chịu nỗi cô quạnh muộn phiền và mất đi tham vọng đang đốt cháy tâm can người.