Tam Đàm Ấn Nguyệt Tâm Đăng trổ tài tuyệt kỹ
Tâm Đăng đỏ mặt sượng sùng, vì mọi người thảy đều đổ dồn những cặp mắt để nhìn mình, trong đó có cặp mắt đen lay láy của Trì Phật Anh.
Chú nhớn nhác nhìn quanh, bỗng thấy trên mặt bàn lúc bấy giờ có để một đèn dầu leo lét, có ba con thiêu thân đang liệng cung vòng quanh ngọn lửa.
Chàng liền nhớ ra mình phải biểu diễn ra sao, vội vàng chấp tay xá chào mọi người, chú nói :
- Xin quý vị lượng thứ cho, tôi sẽ biểu diễn đây...
Đoạn chú chắp tay, lim dim như lão tăng nhập định, mọi người đều không biết chú sẽ biểu diễn trò gì, nhưng cứ nhìn khí sắc trầm hùng và hơi thở điều hòa đó, người ta đoán chừng chú sẽ biểu diễn một thứ chưởng lực kinh hồn.
Bỗng người ta thấy chú từ từ đưa bàn tay hữu ra năm ngón tay xòe ra như rẻ quạt, và mọi người thảy đều nhìn về ngọn đèn dầu kia.
Người ta thấy ngọn đèn vẫn bừng cháy, ngọn lửa vẫn điều hòa như cũ, chỉ có ba con thiêu thân thì như bị một nguồn tiềm lực nào ngăn cách ra, từ từ ly khai với ngọn lửa, mà ngọn lửa vẫn không hề chao động.
Những bậc kỳ lão trong làng võ thấy vậy đều tấm tắc khen thầm, vì rằng họ đã biết Tâm Đăng đã luyện đến mức Cách Đào Điểm Hắc.
Sau một chập, sức bay của thiêu thân lần lần chậm lại, rồi từ từ bay xuống mặt đất, dẫy lên một cái rồi chết.
Chưởng lực vận dụng như vậy thì thật là khó vô cùng, vì rằng chú vừa dùng sức mạnh của mình để ép chết những con thiêu thân, mà lại không làm cho ngọn đèn chao động, đó mới là chỗ kỳ diệu vậy.
Ba con thiêu thân rơi xuống rồi, Tâm Đăng mới bắt đầu dùng sức, ép cho ngọn đèn tỏa rộng ra!
Ánh lửa bị ép mỏng tang như tờ giấy mà không tắt, Thiết Điệp gật gù nói nhỏ vào tai của Khúc Tinh :
- Chú tiểu này đã luyện đến mức Chúc Ảnh Dao Hồng thật là ngoài sự tưởng tượng của ta.
Nhưng mà việc ngoài sự tưởng tượng ấy còn nhiều...
Lần thứ ba, Tâm Đăng dùng sức bàn tay đè rồi ngọn đèn dần dần bẹp dí xuống cơ hồ gần tắt.
Và chú từ từ thu hồi bàn tay, để rồi ngọn đèn lại cháy như cũ, Cô Trúc nghĩ thầm :
- Không biết thằng này học Đại Thừa thần công ở đâu?
Thì ra khi Bệnh Hiệp học Đại Thừa thần công, thì võ lâm không ai biết, đến Cô Trúc không ngờ Bệnh Hiệp đã truyền môn võ công này cho Tâm Đăng.
Chính vào lúc các vị lão tiền bối trong võ lâm đang bàng hoàng ngơ ngẩn, thì Tâm Đăng lại phát chưởng.
Lần này cánh tay của chàng đưa thẳng ra, và ngọn đèn bỗng tắt phụt, và Tâm Đăng thu tay về, ngọn đèn lại bừng cháy lên mãnh liệt!
Và Tâm Đăng lại phát chưởng, biểu diễn thêm một lần nữa, làm cho Lư Âu phải hét to lên :
- Trời!... Tam Đàm Ấn Nguyệt.
Bốn chữ “Tam Đàm Ấn Nguyệt” làm cho chúng kỳ lão phải giật mình, và họ đưa mắt nhìn về phía vách tường.
Vách tường cách xa bức tường ngần một thước, vậy mà lúc bấy giờ trên bức tường màu trắng, đã bị hơi khói của ngọn đèn làm thành ba chấm đen theo hình tam giác.
Và trong ba chấm đen kia, có ba vòng tròn mầu trắng, thoáng trông như ba mặt trăng nằm trong áng mây mờ...
Điều đó mới thật là ngoài sự tưởng tượng của mọi người.
Thiết Điệp khen dậy :
- Tam Đàm Ấn Nguyệt, mười mấy năm trước ta đã từng thấy, nhưng so với Tâm Đăng bây giờ thật là kém xa một trời một vực.
Thế là chúng kỳ lão bàn tán xôn xao về cái trò Tam Đàm Ấn Nguyệt.
Mọi người không biết được đó là nhờ Tâm Đăng đã học được Đại Thừa thần công của Bệnh Hiệp, chúng kỳ lão đồng ngợi khen Cô Trúc đã dạy được một đứa học trò cao thâm đáo để.
Chỉ có một mình Bệnh Hiệp thì mừng thầm, vì việc riêng này, chỉ một mình ông hay biết mà thôi.
Bệnh Hiệp trong lòng thầm nghĩ :
- Thằng nhỏ này quả thật không phụ công lao khó nhọc của ta, nó đã luyện phép Tam Đàm Ấn Nguyệt một cách nhanh chóng như vậy, thì ta chết cũng nhắm mắt!
Đôi mắt lờ đờ của Bệnh Hiệp lúc bấy giờ tỏa ra một thứ ánh sáng vừa kiêu ngạo, vừa thỏa mãn, nhưng mọi người chẳng ai phát giác, chi có một mình ông ta say sưa mà hưởng cái mùi vị thành công đó.
Chúng anh hùng ngợi khen một chặp mà Tâm Đăng vẫn đứng sừng sững giữa nhà, Cô Trúc hỏi rằng :
- Tâm Đăng, mi chưa lui ra còn đợi chừng nào?
Tâm Đăng cung kính trả lời :
- Thưa sư phụ, tôi biểu diễn chưa hết! Còn nữa...
Chúng anh hùng nghe nói, thảy đều giựt mình kinh hãi, những ngần ấy người nghĩ rằng :
- Chắc chú tiểu này còn có một món võ công khác lợi hại hơn Tam Đàm Ấn Nguyệt!
Đang lúc đó thì Tâm Đăng thong thả nhắm nghiền cặp mắt, chắp hai tay lại như một vị lão tăng nhập định, rồi thình lình thấy Tâm Đăng khe khẽ trổ tài hai ngón tay ra.
Mọi người nghe một tiếng “bốp” vang lên, thì tim đèn đang cháy hừng hực trên bàn đã bị Tâm Đăng dùng ngón tay của mình điểm cho phép Cách Không, làm cho gãy hẳn đi một đoạn.
Đoạn tim đèn còn lại bị gãy chẽ ra làm ba, còn đoạn bắn rơi ra, thì bắn vù lên cao hơn một thước.
Tâm Đăng bình tĩnh thò bàn tay hữu ra khẽ vẩy một cái, thì tim đèn đứt ra đó lại rơi ngay xuống, ráp vào chỗ gãy ban nãy, và ngọn đèn lại bừng bừng bốc cháy như xưa.
Đó là ngón Phật Đà Điểm Đăng, thuộc về một món võ cao thâm nhất của nhà Phật, chúng anh hùng đều không ngờ Tâm Đăng với chừng tuổi non nớt này, mà lại luyện được môn Phật Đà Điểm Đăng một cách tinh vi đến nhường ấy!
Lúc bấy giờ Tâm Đăng mới mỉm cười mà lui về đứng gần bên mình của Cô Trúc, đồng thời chú trao cho Bệnh Hiệp một nụ cười thông cảm.
Ba con thiêu thân nãy giờ rơi xuống đất, bây giờ lại thình lình vỗ cánh bay lên, lượn chung quanh ngọn đèn trông thật đẹp mắt.
Buổi ban sơ, mọi người đều tưởng rằng Tâm Đăng dùng chưởng lực của mình đánh chết mấy con thiêu thân, chớ không ngờ chú chỉ dùng sức mạnh mà ép nó cho rơi xuống mặt đất.
Và bây giờ chú thu hồi chưởng lực, cho nên bọn chúng lại bay lên mà lượn chung quanh ngọn đèn...
Môn biểu diễn của Tâm Đăng thật là trúng cách đối với mỗi người xuất gia đầu Phật, vì đó hoàn toàn thể hiện cái ý từ bi không sát sanh của nhà Phật.
Khúc Tinh vỗ tay cười ha hả :
- Một người có cốt cách như Tâm Đăng đây thật hiếm có trong vòng trời đất... những vị có tên tuổi nơi đây, khi tuổi tác bằng Tâm Đăng, e rằng võ công chưa bằng phân nửa nó.
Cô Trúc mừng thầm trong dạ, nhưng lại nghiêm sắc mặt mà nói :
- Khúc huynh chớ vội khen... chú tiểu này còn kém lắm! Nếu Khúc Huynh có lòng chỉ bảo thì hãy tiếp với tôi một tay, Khúc huynh nghĩ thế nào?
Cô Trúc bất quá chỉ nhất thời cao hứng, mà buông ra một câu nói giỡn, không ngờ Khúc Tinh lại chộp lấy cơ hội ha hả cả cười :
- Thật ta không nghĩ lão già này chịu nhường đồ đệ lại cho ta, nhân dịp này ta phải truyền cho nó vài ngón.
Cô Trúc trả lời bằng một nụ cười cởi mở, Tâm Đăng không ngờ vài ba câu nói giỡn của nhị vị tiền bối này lại giúp cho chàng một cơ hội để học thêm một môn tuyệt kỹ.
Bọn hậu sinh thảy đều biểu diễn sở trường của mình ra, chúng anh hùng vui vẻ nhập tiệc trở lại và khi rượu qua ba tuần thì bỗng Vạn Giao đứng phắt dậy cười rằng :
- Bọn hậu sinh đã phô bày nghệ thuật, bây giờ đến lượt mấy lão già phải trổ tài riêng đây.
Tiểu Thạch và Khắc Bố thảy đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, Thiết Điệp cười rằng :
- Hay lắm! Lão Vạn đã đề nghị như vậy thì xin hãy ra tay trước!
Khúc Tinh vỗ tay cười sang sảng :
- Lão Thiết nói đúng lắm, mời lão Vạn ra tay trước.
Mọi người đều tán đồng ý kiến của Khúc Tinh, Vạn Giao cười rằng :
- Ta biết bọn mi thế nào cũng làm khó dễ ta, mười mấy năm nay xương của ta đã khô, da của ta đã héo nào có luyện được gì đâu...
Câu nói của Vạn Giao chưa dứt thì Lư Âu đã buông ra một chuỗi cười lanh lảnh :
- Lão Vạn... mười mấy năm nay không một người nào trong chúng ta dám chểnh mảng võ công, phần mi chắc cũng luyện được một hai món gì ghê gớm lắm? Chẳng lẽ lần này mi đến Tây Tạng không phải vì vấn đề của thằng Trác Đặc Ba?
Vạn Giao nghe nói mặt mày thất sắc, nhưng ông ta biết tánh tình của Lư Âu nên không dám sinh sự.
Chúng anh hùng nghe lời nói của Lư Âu thảy đều có sắc giận lộ ra ngoài nét mặt.
Bởi vì lời nói của Lư Âu không những động chạm đến một mình Vạn Giao mà lại đụng đến chỗ bình sinh đại sỉ nhục của chúng anh hùng.
Người đau đớn nhất có lẽ là Cô Trúc, vì ông ta vốn mang danh võ công đệ nhất thiên hạ, nên ông ta dằn không nổi cơn tức giận, hét vang :
- Lư Âu hôm nay là buổi tiệc liên hoan để mừng cho Lạc huynh, cớ sao mi lại nhắc đến việc đau buồn trong dĩ vãng? Mi cứ nhắc nhở cái thằng Trác Đặc Ba, hay là mi thầm thương trộm nhớ nó?
Câu nói đột ngột của Cô Trúc làm cho Lư Âu giận đến tái xanh sắc mặt, nhưng bà ta lại không dám trêu chọc đến lão già quái đản này, bà ta dằn cơn tức giận :
- Cô Trúc, ngươi nghe chẳng xuôi tai thì thôi, sao lại buông lời vô lễ trách mắng ta?
Cô Trúc vừa định cãi lại, thì Khúc Tinh đã khoát tay ngăn lại :
- Thôi... chúng ta hãy nhẫn nhịn để cho Lạc huynh được nằm yên ngơi nghỉ...
Thiết Điệp nối lời :
- Đừng nói lôi thôi dài dòng, Vạn huynh hãy mau biểu diễn một trò tuyệt kỹ, để cho chúng tôi nới rộng con mắt.
Vạn Giao lúc bấy giờ mới mỉm cười bước ra, rồi bỗng đi đến bên cạnh Bệnh Hiệp :
- Lạc huynh cư ngụ ở trong này có thấy bực bội lắm không?
Bệnh Hiệp chỉ trừng mắt ngơ ngác nhìn Vạn Giao, Vạn Giao nói tiếp :
- Ý của tôi là muốn mở thêm cửa sổ cho Lạc huynh, chẳng hay Lạc huynh có bằng lòng chăng?
Bệnh Hiệp mới sực nhớ ra và ông ta chớp nhanh cặp mắt mấy cái tỏ vẻ đồng ý.
Còn bọn Tâm Đăng và Khắc Bố thảy đều kinh hãi, vì họ nghĩ rằng, tòa nhà này đúc toàn bằng những khối đá xanh dầy hơn ba thước, nếu theo công lực của Vạn Giao, dùng một chưởng để đánh thủng một bức tường là một việc dễ, nhưng muỗn soi thủng một lỗ vuông vức để làm cửa sổ thì lại là một điều vạn nan.
Vừa nghĩ đến đây thì Vạn Giao đã bước lên giữa nhà, ông ta rảo mắt nhìn quanh, đoạn lẩm bẩm nói :
- Phía Đông?... hay phía Tây... à để ta mở một cửa phía trên từng nhà trước đã!
Nói rồi, hai cánh tay của lão đưa phắt lên trời và một tiếng “bùng” kinh rợn vang lên, vôi cát gạch ngói bắn ra tứ tung rơi đầy trên mặt đất.
Chính vào lúc đó thì Vạn Giao thình lình thu hai ống tay áo của mình, đưa về phía ngoài ngõ...
Có nhiều mảng gạch ngói, bị sức của Vạn Giao thảy đều bay vùn vụt ra phía cửa, chúng anh hùng thấy vậy thảy đều nhìn lên nóc nhà, thảy đều kinh ngạc, vì trên trần vẫn còn một màu lờ mờ đen vẫn còn nguyên vẹn, không có gì thay đổi.
Mấy cậu bé thảy đều hỏi thầm trong dạ :
- Thật là lạ! Mái nhà vẫn y nguyên như cũ vậy mảng gạch ngói đổ nát ban nãy từ đâu mà có......
Chỉ có đôi mắt của Tâm Đăng là bén nhạy nhất nên chú thoáng thấy trên trần nhà có một vòng tròn màu trắng, ngoài ra không còn chỗ nào khác lạ nữa!
Chúng lão anh hùng thảy đều gật đầu lầm bầm, mặc dù họ toàn thuộc hạng cao thủ thượng thừa nhưng họ đều ngán ngẩm cho chưởng lực của Vạn Giao.
Không hẹn mà họ thầm nghĩ :
- Tài bộ của thằng họ Vạn này quả thật tăng tiến bội phần, không kém ta bao nhiêu!
Vạn Giao dùng ống tay áo của mình đưa một số gạch vụn ra ngoài rồi, quay đầu trở lại hỏi Bệnh Hiệp :
- Lạc huynh! Tôi mở cửa sổ như vầy có thấy mát chăng?
Bệnh Hiệp khẽ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, Vạn Giao vừa định mở miệng nói chuyện, bỗng nghe tiếng thằng Tiểu Thạch :
- Mở cửa sổ như vầy khi trời mưa thì trong nhà sẽ ướt như ngoài sân!
Thiết Điệp thấy nó nói chuyện ồn ào vô lễ, vừa định lớn tiếng mắng vài câu bỗng Vạn Giao trỏ vào mặt nó nói :
- Thằng nhỏ này thật thông minh, không nhờ mày nhắc thì ta có lẽ quên khuấy đi mất...
Tiểu Thạch chưa biết mình bị “móc” đắc chí cười ha hả...
Mọi người thấy gương mặt của Vạn Giao thoáng hiện lên mấy nét cười thật khó hiểu, hai cánh tay ông ta từ từ đưa lên phía trên, và một việc lạ lùng đã xảy ra!
Thì ra từ trên mái nhà có một tảng đá tròn trịa, đường kính dài hơn một thước từ từ rơi xuống...
Tảng đá này chung quanh bóng nhoáng, dường như do một tên thợ đá tài tình khắc nên.
Và trên mái nhà, lúc bấy giờ để lộ ra một cái cửa sổ tròn trịa, ánh trăng bàng bạc từ bên trên chiếu xuống, đem đến trung gian nhà này một vệt trắng xanh mờ huyền ảo, in một dấu tròn vành vạnh bên giường của Bệnh Hiệp..
Điều làm cho người ta lạ lùng hơn là tảng đá này dường như có một người buộc một sợi dây từ từ thòng xuống, chầm chậm rơi vào hai tay của Vạn Giao.
Mọi người thảy đều khen vang dậy, Vạn Giao quay sang nói với Bệnh Hiệp :
- Nếu trời có mưa thì Lạc huynh bảo mấy thằng nhỏ nó đẩy tảng đá này lên như vầy...
Vừa nói, Vạn Giao vừa khẽ nâng hai bàn tay lên, và tảng đá tròn trịa kia từ từ bay lên phía trên, nhẹ nhàng trám kín mít vào lỗ hổng, nhìn không ra một khe hở nào.
Mấy người trẻ tuổi kinh hồn thất sắc, vì thấy chưởng lực của Vạn Giao đã luyện đến mức nhập thần, có thể cương nhu tiện dụng, phi một người tốn năm mươi năm để rèn luyện, không thể nào thành công đến mức này được.
Vạn Giao vỗ tay bôm bốp hỏi rằng :
- Lạc huynh có cần tôi mở thêm hai cửa sổ bên đông và tây chăng?
Bệnh Hiệp khẽ lắc đầu, tới chừng đó Vạn Giao mới mỉm cười rút lui.
Lão ta trở về ngồi bên bàn, kẹp một miếng thịt gà to tướng nhai ngấu nghiến để tự khao thưởng cho mình.
Lư Âu quắc mắt hỏi :
- Bây giờ tới phiên ai?
Khúc Tinh đứng phắt dậy, mỉm một nụ cười thật tươi mà nói rằng :
- Đến phiên ta... thú thật mười mấy năm nay ta không ngưng luyện võ nhưng tiến bộ chậm lắm, quí vị hãy chờ xem!
Thiết Điệp lớn tiếng trả lời :
- Ta chống ý kiến đó, xem nhãn thần của nhà ngươi thì tài bộ tăng tiến vượt bậc, mi hãy mau biểu diễn ra, đừng nói dài dòng.
Khúc Tinh rảo mắt nhìn quanh, thấy chỗ mình đang đứng chỉ là một gian phòng nhỏ, tuy tuyệt kỹ của mình có nhiều nhưng chưa biết làm sao biểu diễn trong chỗ chật hẹp như vậy.
Chính vào lúc ông ta đang phân vân nghĩ ngợi thì từ bên ngoài bỗng có một luồng gió lốc thổi mạnh vào và vô tình mang vào gian nhà bé nhỏ kia một đóa hoa hồng tươi thắm.
Nhìn đóa hoa tung bay trước gió, ông ta vụt nhớ ra cách mình sẽ biểu diễn một màn vô cùng ngoạn mục.
Nhặt đóa hồng lên ông ta nói với Bệnh Hiệp :
- Lão Vạn mở cửa sổ cho mát thì ta trang hoàng ngôi nhà này cho đẹp.
Cô Trúc cười nhẹ nói :
- Ta biết mi có ngón Đàn Hoa Thần Chỉ, hôm nay có dịp trông thấy, thật là vạn hạnh.
Thì ra Khúc Tinh là một người hào hoa phong nhã, tính tình ưa những vật đẹp, nhất là yêu hoa.
Vì vậy mà ông ta luyện được một môn võ công kỳ quái, tự ban cho cái tên Phất Chỉ Đàn Hoa.
Đây là một môn võ công trong làng võ chưa ai luyện tới, đến một người lai lịch lâu dài như Cô Trúc mà vẫn chưa có dịp xem tận mắt.
Khúc Tinh cười trả lời :
- Cái môn tiểu xảo điêu trùng khắc triện này, lào huynh hà tất phải khen.
Khúc Tinh nói rồi cầm đóa hoa đưa cho mọi người xem, đoạn bảo :
- Xin quí vị hãy nhớ cho kĩ hình dạng của đóa hoa này... đây là một đóa hoa Hồng Cúc.
Mọi người đều chăm chú nhìn đóa hoa trong tay lão, thấy quả thật đó là một đóa hoa Hồng Cúc, vừa mới nở nhuỵ bán khai.
Đợi cho mọi người xem kĩ rồi lão ta mới thối lui trở ra giữa nhà, cầm đóa hoa trong tay, lão khẽ rũ một cái, những cánh hoa hồng cúc lập tức rơi lả tả trên bàn tay hữu của lão, chỉ còn lại đơn độc một chiếc nhánh mà thôi...
Mọi người đang lấy làm lạ, không hiểu tại sao lão ta lại hủy hoại một đóa hoa tuyệt đẹp như vậy, và không biết lão ta sẽ biểu diễn trò gì đây!
Khúc Tinh lại thối lui hai bước, nhìn về hai vách tường tả hữu, cách đó chừng non hai trượng, ông ta cười rằng :
- Tôi bắt đầu hiến một đường võ, tất cả năm mươi sáu miếng, trong năm mươi sáu miếng này tôi sẽ ném ra năm mươi sáu cánh hoa và cuối cùng là cành hoa.
Vừa dứt lời, thân hình ông đảo nhanh vùn vụt, như một chiếc xe gió khổng lồ, vừa nhanh vừa đẹp.
Miếng võ đầu tiên ông ta tung ra là Tiên Phật Tống Tử, người ta thấy trong bàn tay của ông ta có một đạo hồng quang bay ra vùn vụt ghim thẳng vào tường.
Tiếp đó ông ta tiếp tục thi triển một đường võ danh trấn giang hồ, thân hình của ông ta chập chờn như bóng ma trơi, bóng chưởng khi mờ khi tỏ, ống tay áo bay vùn vụt trong gió loạn, làm cho những người có mặt trong nhà thảy đều lộ vẻ kinh nghi.
Cứ mỗi lần ông ta thay đổi một thế võ là mỗi lần trong lòng bàn tay bay ra một đạo hồng quang khảm sâu và tường phía trước mặt.
Những người trẻ tuổi thấy vậy thảy đều giương cặp mắt trợn trừng nhìn ông ta không chớp.
Tâm Đăng nghĩ thầm :
- Thật là quái lạ, cớ sao bọn này thảy đều võ nghệ cao cường, tinh vi xuất sắc? Rất tiếc Bệnh sư phụ nằm trên giường không thì ông ta cũng sẽ biểu diễn một trò hay đáo để.
Chú vừa nghĩ đến đây thì Khúc Tinh đã liên tiếp biểu diễn hai mươi sáu thế võ liên hoàn, tốc độ càng gia tăng mãnh liệt, ngần ấy động tác dường như dính liền vào nhau một xâu chuỗi dài vô tận.
Cô Trúc càng xem càng mê mẩn tâm thần, ông ta thầm nghĩ :
- Không ngờ cách biệt mười tám năm võ nghệ của hắn lại nhanh như thế này!
Cùng trong một lúc Lư Âu cũng nghĩ :
- Cứ công lực của hắn không kém mình bao nhiêu!
Khúc Tinh biểu diễn đến thế võ thứ ba mươi sáu thì tốc độ tình lình chậm trở lại, và rốt cuộc như người “lập thiền” đứng hẳn lại, hai chân đứng vững trên mặt đất yên như Thái Sơn, chỉ có hai vai hơi khẽ động đậy mà thôi.
Và mỗi lần khẽ động đậy như vậy thì lại có một vệt hồng quang bay vèo tới khảm sâu vào tường.
Chừng đó mọi người nhìn mới thấy thì ra trên tường đã hiện lên một đóa hồng tươi đẹp, giống hệt như đóa hoa Khúc Tinh đã cầm ban nãy.
Chúng anh hùng thảy đều lấy làm kinh dị, vì đó chính là phép Phi Hoa Thương Nhân, mà những bậc luyện võ đến mức tinh vi tuyệt xảo mới có thể sử dụng.
Người biết phép này chỉ cần dùng một cành cây, một tàu lá là có thể đả thương một đối thủ cách xa vài ba mươi trượng.
Nay Khúc Tinh dùng phép này để ném những cành hoa nhỏ bé, mong manh kia khảm sâu vào tường với một lối ném vô cùng chính xác, đã tạo nên một đóa hoa cực kỳ tươi đẹp khảm sâu vào vách.
Với bản lĩnh cao siêu kỳ diệu đó, làm cho một bậc võ lâm đệ nhất cao thủ là Cô Trúc cũng phải buột miệng khen ngợi.
Mãi đến thế võ thứ bốn mươi hai thì tốc độ của Khúc Tinh lại nhanh nhẹn vô cùng, và thân hình của ông ta lại dường như tung tăng bay nhảy, xa trông dường như một con cá chép đang vùng vẫy giữa dòng nước bạc.
Có lúc lại hiên ngang mạnh bạo như một con hổ tung hoành giữa chốn rừng xanh, có lúc lại lồng lộn mãnh liệt như rồng thiêng giữa biển.
Và cứ mỗi lần thay đổi thế võ, một đạo hồng quang lại bay ra, tiếp tục tô điểm cho đóa hoa trên tường thêm phần tươi thắm.
Và đến khi trong tay ông ta chỉ còn lại một cành hoa, ông ta định dùng một thế võ cao siêu nhất, đẹp mắt nhất để chấm dứt trò biểu diễn, bỗng thình lình...
Người ta nghe Khúc Tinh hét lên một tiếng dữ dội :
- Ai đó?
Tiếng hét chưa dứt thì ông ta đã vung bàn tay hữu ra, và người ta thấy trong lòng bàn tay của ông ta có một đường màu xanh bay ra vun vút, tương tự như một con rắn lục, uốn éo bay vút ra cửa.
Và mọi người thoáng thấy một lão đạo sĩ râu tóc bạc phơ, thân hình béo mà lùn, mồm cười toe toét hiện ra trước cửa, trong tay lão đạo sĩ này cầm chặt cành hoa mà Khúc Tinh ném ra ban nãy.
Chấm dứt chuỗi cười, lão đạo sĩ nói :
- Lão Khúc, đây là lễ diện kiến của mi chăng?
Vừa nói, lão ta vừa ve vẩy cành hoa trong tay.
Và mọi người đồng cười ồ lên vì biết lão đạo sĩ này chẳng phải người xa lạ, chính là một bậc đứng hàng thứ ba trong Nam Hải thất kỳ, trong giang hồ gọi là Tam Bạch Đạo Trưởng, tên thật là Liễu Liễu.
Khúc Tinh cười trả lời :
- Ta ngỡ ai, té ra Liễu đạo trưởng... hay lắm... hay lắm...
Liễu Liễu gật gù cái đầu bạc phơ, trao cho Khúc Tinh một nụ cười hể hả, lão ta nói :
- Món đồ chơi này ta trả cho mi.
Câu nói chưa dứt thì bằng một động tác cực kỳ lanh lẹn, ông ta sử một thế Ngọc Nữ Đầu Thoa, phóng cành hoa bay vù về phía Khúc Tinh.
Không tránh né, Khúc Tinh chờ cho cánh hoa cách mình còn năm tấc, bất thình lình đảo bộ, trổ hai ngón tay thần tốc, điểm vào cành hoa để thay đổi phương hướng của nó.
Và cành hoa kia như một mũi tên lìa ná, bay vù tới khảm sâu vào bức tường, gắn liền với đóa hoa đã khảm tạo thành một bức tranh vô cùng đẹp mắt.
Thế rồi hai lão nắm tay nhau đến bên giường Bệnh Hiệp, Liễu Liễu bùi ngùi nói rằng :
- Mười mấy năm không gặp, không ngờ Bệnh Hiệp lại đến nỗi này!
Bệnh Hiệp chỉ trao cho ông ta một cái nhìn biết ơn, chợt nghe Thiết Điệp nói :
- Chúng ta mỗi người đều phải biểu diễn một món nghề riêng để giúp vui cho lão Lạc, vậy bây giờ tới phiên mi... Liễu Liễu.
Liễu Liễu giật mình, biết bà ta nhắc chừng mình đừng gợi thêm nỗi buồn cho Bệnh Hiệp.
Ông ta vội vàng hỏi Bệnh Hiệp :
- Lão Lạc... mi có đồng ý như vậy không?
Bệnh Hiệp chớp nhanh cặp mắt tỏ vẻ đồng ý. Chợt nghe Cô Trúc hỏi :
- Liễu Liễu, bảy anh em của bọn mi đều mạnh giỏi cả? Bọn họ có theo mi đến đây chăng?
Liễu Liễu lắc đầu trả lời :
- Phải đến hai năm nữa thì bọn họ mới đến, nhưng e rằng chỉ tới một người thôi vì Nam Hải thất kỳ đã đi tứ tán gần mười mấy năm nay...
Bỗng ông ta rảo mắt nhìn quanh khắp nhà hỏi Cô Trúc :
- Ai là Tâm Đăng?
Cô Trúc cau mày nghĩ thầm :
- Tại sao lão già này cũng biết Tâm Đăng?...
Tâm Đăng nghe nhắc đến tên mình vội vàng bước ra xá chào, vừa muốn mở miệng nói chuyện thì Lư Âu đã gạt ngang :
- Chúng ta đang biểu diễn võ công thì mi tới la lối quấy rầy... bây giờ phạt mi biểu diễn một trò cho Bệnh Hiệp xem.
Liễu Liễu cười hề nói rằng :
- Thôi được!
Nói rồi thò tay với bình rưọu trên bàn bước ra giữa nhà nói :
- Để tôi dâng rượu tạ tội với quí vị.
Mọi người nghe nói thảy đều cầm chung rượu trên tay.
Liễu Liễu khoát nhẹ bàn tay một cái thì bình rượu tự động vỡ nắp đó là miếng Cách Không Hấp Thạch, phi một tay rèn luyện trên mấy mươi năm không thể nào thi thố nổi.
Thế rồi lão lại vung bàn tay hữu ra đè nhẹ trên miệng bình, từ trong miệng bình tức khắc có một tia nước vọt ra, tạo thành một đường vồng cầu tuyệt mỹ...
“Cây rượu” ấy tuần tự rót vào chén của mọi người không để rơi ra ngoài một giọt.
Những người trẻ tuổi thấy vậy thảy đều reo theo vang dậy. Liễu Liễu cười ha hả chộp lấy bầu rượu, ngửa miệng lên trời, đoạn lắc lư bầu rượu liên hồi mà chẳng có rượu rơi ra. Lão lẩm bẩm nói :
- Rượu chia hết rồi, phần ta chẳng có, thật là đáng tiếc.
Chợt nghe Thiết Điệp trả lời :
- Thôi, để ta nhường cho mi!
Bàn tay của bà từ trong ống tay áo thò ra, búng ly rượu lên không mà nói tiếp :
- Để ta hâm lại cho nồng.
Nói rồi từ trong lòng bàn tay của ba toát ra một làn hơi nóng truyền vào ly rượu, làm cho rượu trong ly xoáy mạnh tạo thành một lỗ xoáy con con.
Không mấy chốc người ta thấy trong ly rượu bốc lên một làn hơi nghi ngút và mùi thơm của rượu bay ra ngào ngạt, Liễu Liễu thấy vậy cười rằng :
- Rượu nóng thế này thì bảo ta làm sao uống được.
Và khi Thiết Điệp đặt ly rượu trước mặt Liễu Liễu thì rượu trong ly đã sôi lên sùng sục.
Thiết Điệp cười rằng :
- Khoan... để ta ra ngoài một chốc, lúc trở về mi sẽ uống.
Dứt lời không chờ cho Liễu Liễu trả lời, bà ta quay ngoắt người chạy như bay ra cửa.
Người ta thấy một vệt khói mờ bắn vút ra ngoài rồi mất dạng trong màn đêm. Lư Âu hậm hực nói :
- Hừ... để xem mi diễn trò con khỉ gì?
Thiết Điệp luận kinh rượu chưa tan hơi nóng
Mọi người không biết Thiết Điệp đi đâu, Tâm Đăng cũng lấy làm lạ, chợt nghe thằng Tiểu Thạch hô hoán lên :
- Thơm quá... mùi gì thơm quá?
Tâm Đăng ngước đầu lên thì thấy Trì Phật Anh men về phía mình, từ mái tóc của nàng toát ra một mùi hương êm dịu, chàng khẽ gọi :
- Phật Anh...
Phật Anh cũng se sẽ hỏi lại Tâm Đăng :
- Độ rày mi vẫn mạnh giỏi?
Tâm Đăng gật đầu trả lời :
- Vẫn mạnh! Còn cô? Sao lâu quá không thấy đến viếng chùa?
Phật Anh liếc nhìn Lư Âu thấy bà ta đang trò chuyện cùng Cô Trúc, nên trả lời nho nhỏ :
- Bà già quỷ này ép ta luyện võ nên không rảnh đến thăm mi.
Tâm Đăng nghe thấy một mùi vị ngọt ngào dâng lên trong lòng mình, chàng bần thần ngắm nhìn vuông lụa đen che trên khuôn mặt của Trì Phật Anh một cách tò mò.
Phật Anh nói tiếp :
- Mi còn bao lâu mới hoàn tục?
Tâm Đăng giật mình, bởi vì chàng rất ghê sợ phải nghe đến hai chữ “hoàn tục” nên gắng gượng trả lời :
- Trung Thu năm tới.
Phật Anh co tay lên lẩm nhẩm tính ngày, đoạn nói tiếp :
- Đến khi mi hoàn tục thì chúng ta có thể tự do chơi đùa với nhau.
Mẩu đối thoại đến đây thì bị thằng Tiểu Thạch la lên cắt đứt :
- Chúng bay chuyện trò gì thế?
Câu nói của Tiểu Thạch làm cho Lư Âu ngoảnh sang và bà ta thét :
- Phật Anh trở sang đây?
Phật Anh lườm Tiểu Thạch một cái mắng :
- Đồ đần.
Rồi mới ngoan ngoãn trở về chỗ mình ngồi ban nãy.
Chưa kịp ngồi xuống thì một luồng gió từ bên ngoài thốc thẳng vào, và Thiết Điệp đã dừng chân bên bàn trong một nụ cười duyên dáng.
Hai tay bà thu trong ống tay áo một cách bí mật, Liễu Liễu hỏi :
- Lão Thiết, nãy giờ mi đi đâu?
Thiết Điệp trả lời :
- Rượu bây giờ chắc vừa miệng, mi hãy uống đi!
Liễu Liễu thò tay ra bưng ly rượu lên, quả thật bây giờ hơi rượu đã ấm áp, thật là vừa uống, ông bưng ly rượu lên nốc thẳng một hơi dài mà lòng nghi hoặc.
Vì ông ta không ngờ khí lực của Thiết Điệp lại mạnh mẽ dường ấy, có thể làm cho rượu sôi lên, chợt nghe Thiết Điệp văng vẳng nói bên tai :
- Ta vừa vào Bố Đạt La Cung luận kinh với viên trụ trì...
Tâm Đăng nghe nói cả kinh thất sắc, chú không bao giờ tin rằng với một khoảng thời gian ngắn ngủi đó mà Thiết Điệp đã đi đến Bố Đạt La Cung luận kinh với trụ trì rồi trở về trong nháy mắt.
Chính những tay kỳ lão trong làng võ có mặt hôm nay thảy đều không tin, Lư Âu trợn mắt ngờ vực hỏi :
- Mi đến Bố Đạt La Cung chắc không tay trắng mà trở về, mi giấu gì trong ống tay áo đó đưa ra xem.
Thiết Điệp từ từ rút tay ra, thì ra đó là một dải lụa bạch, bên trên có những dòng chữ của trụ trì Bố Đạt La Cung.
Mọi người ghé mắt nhìn xem, quả thật đó là một đoạn kinh trong “Hành Tông Luận”, dòng chữ còn mới rành rành, óng ánh hơi mực vẫn còn chưa ráo.
Mọi người thấy vậy thảy đều tin chắc, bàn tán xôn xao về cái thuật khinh công tuyệt vời của Thiết Điệp.
Thiết Điệp lộ vẻ phi thường đắc ý, bà liếc nhìn Lư Âu lúc bấy giờ đang hậm hực cắn chặt vành môi méo mó.
Bỗng Lãnh Cổ đứng phắt dậy nói rằng :
- Bây giờ mới đến lượt ta đây...
Chợt nghe Lư Âu thét lên lanh lảnh :
- Mi nhường cho ta.
Nói rồi trợn mắt bước ra.
Bà thò bàn tay khẳng khiu của mình ra, năm ngón tay quấu chặt lại như vấu ó, bà chộp lấy một con cá trong đĩa, rũ mấy cái cho sạch nước, đoạn nói rằng :
- Ta lười biếng lắm, ta không muốn đi xa để xin chữ của lão hòa thượng, vậy xin mượn con cá này để biểu diễn một trò mọn.
Thiết Điệp biết bà ta cố ý muốn nói móc mình, nhưng không lộ ra ngoài sắc mặt, chỉ chờ cơ hội mới trả lại một đòn đích đáng.
Lư Âu vừa dứt lời búng nhẹ hai ngón tay, thế là con cá bay bổng lên hơn một trượng rồi mới rơi trở xuống.
Chính vào lúc con cá còn cách mặt đất chừng bảy tám thước, thì bỗng thình lình Lư Âu thò bàn tay hữu ra.
Thế là con cá kia dường như bị buộc vào một sợi dây treo lơ lửng giữa từng không, rồi quay lên lông lốc, càng quay càng nhanh, rốt cuộc tỏa ra một làn ánh sáng trông thật đẹp mắt bao quanh nó.
Thế rồi con cá vô tri đó tùy theo chiều hướng bàn tay của bà Lư Âu điều khiển mà khi lên khi xuống, thoạt tả thoạt hữu, bay nhảy giữa từng không một cách linh động vô cùng.
Chợt nghe Lư Âu khẽ nạt :
- Lấy thịt cá cho chim ăn chơi.
Dứt lời bà ta đẩy mạnh bàn tay hữu ra, một làn hơi tạt mạnh lên trần nhà, và lạ lùng thay con cá kia vẫn không bị hơi gió tạt của Lư Âu mà bay đi.
Nó vẫn nằm im chỗ cũ mà quay cuồng lông lốc, duy chỉ có màu sắc tươi đẹp ban nãy là lần lần ngả sang màu trắng, xám... rồi trắng tươi.
Chúng anh hùng nhìn kỹ bất giác bội phục vô cùng.
Thì ra thịt cá lúc bấy giờ đã bay đi mất, chỉ còn thừa lại một chiếc xương cá trắng tinh đang quay lông lốc.
Chỗ khéo của môn chưởng lực này là ở chỗ dùng sức mạnh để bóc hết thịt cá mà không làm thương tổn đến xương cá, đến con người như Cô Trúc mà cũng tấm tắc khen thầm, ông tự bảo với mình :
- Đây là Lương Tương chưởng lực của bà ta.
Vừa nghĩ đến đây thì Lư Âu giơ bàn tay tả ra vẩy mạnh một cái, miếng xương cá lập tức bay về trong đĩa.
Mọi người thảy đều khen dậy, Trì Phật Anh vỗ tay reo lên :
- Sư phụ phải truyền môn nghệ thật này cho con để con bóc thịt cá.
Lúc bấy giờ đã vào khoảng canh tư, Cô Trúc thấy đã luân đến phiên mình, vội đứng dậy nói :
- Để ta ra ngoài kia bách bộ một chút!
Nói rồi mình đi ra ngoài.
Trong một loáng mọi người bỗng nghe có tiếng chim én kêu inh ỏi, thảy đều lấy làm lạ và Cô Trúc đã tươi cười bước trở vào.
Người ta thấy cách trên đỉnh đầu ông ta chừng nửa thước có chừng mười mấy con chim én lượn chung quanh.
Mặc dù chúng nó cố gắng vùng vẫy nhưng không thể nào bay thoát ra khỏi phạm vi năm thước.
Mấy người trẻ tuổi thấy vậy reo cười ầm ĩ, Cô Trúc cười rằng :
- Ta bắt én về cho chúng bay chơi.
Câu nói chưa dứt thì mười mấy con chim én bỗng thình lính mất hết dẫn lực tung cánh bay nhảy khắp nhà.
Cô Trúc chỉ vào bầy chim én mà nói :
- Trong vòng mười tiếng ta sẽ bắt mười con chim én này trở về, nhưng mười ngón này thảy đều sử dụng giữa không trung, nếu nửa chừng mà ta rơi trở về mặt đất kể như ta thua.
Dứt lời, Cô Trúc ngửa mặt nhìn lên, thấy mười con chim én bay lung tung tản mác khắp mọi nơi.
Bỗng nhiên Cô Trúc cất lên một tiếng hú thật dài làm kinh động những người trong gian nhà đá.
Tiếp theo tiếng hú, thân hình của ông ta bắn lên như một mũi tên trong cái thế Bổ Phong Tróc Ảnh, và người ta thấy có một con chim én lọt vào bàn tay của lão.
Tiếp theo đó, thân hình của lão như một người phi hành giữa không trung, khi tả khi hữu, lúc đông lúc tây, xa trông dường như một áng mây mờ bay lững thững.
Cứ mỗi một lần thay đổi một thế võ là mỗi một lần ông ta lấy đó làm điểm tựa để cho thân hình cứ đảo qua đảo lại giữa từng không.
Mỗi một thế võ đều là một đòn danh chấn giang hồ, làm cho ai nấy phải tấm tắc ngợi khen.
Trong chớp mắt, mười đòn đã dứt và ông ta mới la đà rơi trở về mặt đất.
Người ta thấy ông cười niềm nở, xoè hai bàn tay ra, trong mỗi lòng bàn tay có năm con chim én đang chớp cánh cựa quậy muốn bay lên mà không tài nào bay nổi.
Lão ta buông ra một tràng cười khoái chá và bảo :
- Thôi... cho chúng bay về với tự do.
Nói đoạn đưa nhẹ hai bàn tay ra cửa, và mười con chim én tức khắc mất hết dẫn lực và bay vù vù ra cửa.
Lúc bấy giờ phương đông đã dần dần hửng sáng, và mọi người đều phải đứng dậy đề nghị giải tán buổi liên hoan.
Bệnh Hiệp lấy mắt ra dấu cho Tâm Đăng lấy một tấm giấy đưa ra để trước mặt mình, mọi người còn đang ngơ ngác, chưa hiểu đầu đuôi thì Bệnh Hiệp khẽ dùng mi mắt của mình động đậy nhè nhẹ.
Đến khi Bệnh Hiệp mở bừng mắt ra thì trên tấm giấy đã bị soi thủng một hàng chữ :
“Đa tạ chư vị”.
Việc này làm cho mọi người lấy làm lạ, vì rằng một người mang bệnh sắp sửa lìa đời kia lại còn đủ công lực để dùng nội công soi thủng những chữ này.
Tâm Đăng và Khắc Bố ôm lấy Bệnh Hiệp mà nước mắt rơi tầm tã!
Thế rồi buổi liên hoan giải tán trong khi bình minh ló rạng, và trong ngôi nhà đá lạnh lùng kia chỉ còn lại một mình Bệnh Hiệp và Khắc Bố.
Bệnh Hiệp thở một hơi dài ảo não, từ từ khép đôi mắt của mình lại.
* * * * *
Ánh trăng thu bàng bạc chiếu khắp Bố Đạt La Cung, lúc bấy giờ trong chùa đã vắng bặt tiếng kinh. Đó đây im lìm lặng lẽ.
Tâm Đăng học ôn lại võ công của ba phái rồi, nghe thấy tinh thần của mình sáng suốt lắm, chú ngồi xuống trên một chiếc ghế đá, đưa tay chống cằm mà ngắm vầng trăng lạnh.
Chú nghĩ :
- Khi trăng mùa thu hiện lên là ta sẽ phải hoàn tục! Và ta sẽ phải hoàn thành nhiều việc... và ta phải lo việc của ta, là tìm cho ra nguồn gốc, cha mẹ ta là ai?
Chắc họ không phải là người Tây Tạng, vì nếu họ là người Tây Tạng thì họ đã tới thăm ta.
Tâm Đăng nghĩ đến đây, bất giác vô cùng kinh hãi, lẽ ra việc sống chết với chú không ăn nhằm gì, nhưng mà mỗi khi nghĩ đến cha mẹ đã chết đi, không thể đến thăm mình, chú bất giác ứa ra vài dòng nước mắt.
Còn đang bùi ngùi than thở, chợt thính giác báo cho chú biết có một người vừa phóng qua, làn gió nghe có vẻ gấp lắm.
Tâm Đăng lặng lẽ khinh công đuổi theo bén gót, bóng đen có vẻ hơi thấp đang chạy về hướng Kim Nga điện. Bóng đen nấp bên ngoài nghe ngóng rồi nhảy vào trong điện. Tâm Đăng nhẹ nhàng đến bên cửa sổ dòm vào. Té ra bóng đen đó là Vô Danh lão nhân.
Lão ta mặt mày hầm hầm sát khí đương đưa chưởng lên bức bách một người mà mới thoạt nhìn Tâm Đăng vô cùng sửng sốt, đó là Tạng Tháp, vị đại sư trụ trì của Tâm Đăng.
Bỗng nghe Vô Danh lão nhân cất tiếng lạnh lùng :
- Tạng Tháp! Nếu mi muốn sống thì hãy đưa Tàm Tang khẩu quyết cho ta, còn nếu không ta giết mi tức khắc.
Tạng Tháp khẽ nói :
- Quyển sách này do một người theo đạo nhà Phật là Tàm Tang Tử viết ra, ông viết với một thiện chí, không ngờ Phật tử lại lạm dụng nó để làm điều xằng bậy.
Bây giờ ta thu hồi mà trả về cửa Phật, thí chủ xem ta làm như thế có phải hay không? Nếu phải thì đừng cản trở.
Không biết Tạng Tháp quả có thật lòng, hay là ông ta đóng kịch, nhưng mà giọng nói của ông ta thật chân thành và cảm động.
Tâm Đăng nghe nói, máu nóng nổi lên bừng bừng, tự nói với mình :
- Nếu vì lý do này mà Tạng Tháp không chịu trao quyển sách này ra thì thật là đáng phục.
Vô Danh lão nhân trầm ngâm nghĩ ngợi đoạn nói một câu sắc lạnh :
- Nếu mi đã có lòng tốt thì cớ sao lại tạo ra một quyển sách giả để hại Y Khắc?
Tạng Tháp nghe hỏi, thẹn đỏ bừng sắc mặt, lớn tiếng nói rằng :
- Y Khắc là một người dưới tay ta, nhưng lại gian ngoan xảo quyệt, không trung thành với ta nên ta cho nó một bài học.
Câu nói của Tạng Tháp chưa dứt thì Vô Danh lão nhân đã cười khan mà cắt đứt :
- Tạng Tháp... Mi thật là giỏi nói, Y Khắc đã chết rồi thì ai chứng kiến việc này... Ha ha...
Sắc mặt của Tạng Tháp càng ngày càng khó coi, ông ta nói nho nhỏ :
- Ta là người trong cửa Phật, ta cần làm sao cho tâm tính được bình tĩnh, ngoài ra không thiết việc gì nữa.
Tâm Đăng lấy làm lạ tự hỏi mình :
- Thế là thế nào? Phật đã bảo phổ độ chúng sinh chứ không có bảo mình chỉ giữ toàn vẹn lấy mình mà thôi!
Về phần Vô Danh lão nhân bị mấy câu nói của Tạng Tháp làm cho nóng giận, ông ta hỏi với vẻ quyết liệt :
- Vậy thì... Hòa thượng bây giờ mi nghĩ sao?
Tạng Tháp biết rằng công lực của mình kém lão già này xa lắm, nhưng khi lão ta nhớ đến lão già này sẽ lấy được quyển thiên hạ đệ nhất kỳ thư trong lòng mình đây, thì máu nóng sôi lên sùng sục, ông ta tự nói với mình :
- Ta rơi vào biển khổ đã lâu thì cứ hãy đắm chìm trong biển khổ! Dù chết, ta cũng không trao quyển sách này ra... Vạn bất đắc dĩ ta hủy bỏ quyển sách.
Nghĩ đến đây, đã định, nên trong lòng Tạng Tháp cảm thấy bình tĩnh hơn ban nãy, ông ta thò tay ra thủ một thế cực kỳ hóc hiểm đoạn nói rằng :
- A di đà Phật, quyển sách này bần tăng nhất định chẳng trao ra...
Vô Danh lão nhân nghe nói, đôi mắt trợn trừng, tóc tai dựng ngược.
Máu thắm nhuộm rừng hoang
Vô Danh lão nhân nói một câu đầy sát khí :
- Tạng Tháp! Mi hãy suy nghĩ cho kỹ, đây là giờ phút quyết định sự sống chết của mi!
Tạng Tháp nghe nói mà mặt biến sắc, biết rằng đêm nay lành ít dữ nhiều, mình không phải là đối thủ của hắn ta, nhưng bảo mình phải trao quyển Tàm Tang khẩu quyết cho người, thì thà là chết chứ chẳng chịu trao ra.
Tạng Tháp từ từ ngẩng đầu dậy, nói một câu đầy bi thiết :
- Người xuất gia chúng ta sẵn sàng nhớ câu “Dĩ thân tuẫn đạo”.
Vô Danh lão nhân ngửa mặt lên trời cười ròn rã :
- Hay lắm! Khi Y Khắc chết đi mi đã từng bốn chữ này biếu nó, bây giờ đến lượt mi nay.
Tạng Tháp tái mặt nói rằng :
- Người xuất gia chúng ta tin rằng khi gặp điều đại nạn, biết đâu sẽ gặp đường giải thoát?
Vô Danh lão nhân tỏ vẻ khó chịu, gật gù :
- Hay lắm! Để ta xem mi giải thoát bằng cách nào?
Dứt lời ông ta rũ ống tay áo, bay vù tới bên mình của Tạng Tháp, nhẹ nhàng trổ ra một đòn Phi Vũ Phá Vân, đấm một đòn sấm sét vào giữa mặt của Tạng Tháp.
Tạng Tháp giật mình, biết trốn cũng không thoát nên cắn răng mà trả đòn, ông ta khẽ nhón gót cho thân hình bắn lùi ba thước, chưa kịp trả đòn thì bàn tay hữu của Vô Danh lão nhân quất ngược trở lên để trổ đòn thứ hai là Hải Điểu Lược Ba.
Hai ngón tay của lão như hai tia điện chớp, xỉa mạnh vào huyệt Giai Tĩnh của Tạng Tháp.
Hai đòn này thật nhanh không thể tả lại liên hoàn chặt chẽ với nhau, Tạng Tháp thấy chỉ lực của người này thật là vô cùng lợi hại, nên lại bắn lùi thêm ba bước để trốn đòn.
Và lần này... chân vừa đứng vững, thì Tạng Tháp vội vàng dùng bàn tay tả trổ ra một đòn Bá Thạch Kim Sơn, tống vào huyệt Tâm Kinh của Vô Danh lão nhân một đòn sấm sét.
Tạng Tháp tuy kém hơn Vô Danh lão nhân nhưng cũng thuộc hàng cao thủ, lại có tinh thần tử chiến, mỗi một đòn đều tung ra mười phần sức lực nên thanh thế thật là đáng sợ.
Vô Danh lão nhân dường như chưa dốc hết toàn lực, Tâm Đăng nhận thấy thân hình của ông ta nhanh như một chiếc xe gió, luồn qua lách lại, xen vào giữa kẽ hở những đưỡng võ của đối phương mà tiến thoái như bay, thỉnh thoảng lại tung ra một đòn trí mạng.
Tâm Đăng vừa thấy Vô Danh lão nhân xuất thủ thì biết Tạng Tháp lành ít dữ nhiều nên để hết tinh thần vào cuộc chiến, chú nghĩ thầm :
- Nếu Tạng Tháp lâm nguy, ta sẽ tức tốc giải cứu!
Đêm lạnh lùng trôi.
Một người tăng, một người tục, lặng lẽ mà thẳng tay sát phạt với nhau, bốn bề im phăng phắc, chỉ có tiếng quyền cước đi rì rào trong gió.
Tâm Đăng nhìn kỹ thấy những thế võ của Vô Danh lão nhân hình thức vô cùng kỳ quặc, khí lực lại hùng hồn, mỗi một thế võ thảy đều biến hóa ly kỳ, làm cho Tâm Đăng khó mà lường trước được.
Chú thầm nghĩ :
- Công lực người này tuy cao nhưng hãy còn kém sư phụ một bực, nếu ta dốc toàn lực thì có thể cầm đồng ngang ngửa.
Lúc bấy giờ cuộc chiến càng lúc càng găng, Tạng Tháp quyết lòng tử chiến nên khí thế thật là hùng dũng.
Thấy Tạng Tháp chưa có vẻ gì nguy biến nên Tâm Đăng bỏ lơi không chú ý nữa, nhờ đó mà chú phát giác ra sau lưng mình dường như có tiếng động khẽ.
Bằng một động tác cực kỳ nhẹ nhàng, chú quay đầu nhìn lại thấy có người con gái hình dáng yểu điệu đang thò tay ra vẫy mình.
Tâm Đăng lấy làm lạ, tự nói với mình :
- Sao Mặc Lâm Na lại ra đây?...
Và không biết từ đâu nổi lên một luồng mãnh lực làm cho hai chân Tâm Đăng từ từ xê dịch về phía Mặc Lâm Na.
Còn hai lão già đang hồi kịch chiến nên chưa phát giác có người ở bên cạnh.
Tâm Đăng lại lấy làm lạ kỳ vì chàng càng xê dịch càng tới gần chừng nào thì Mặc Lâm Na cũng từ từ rút lui chừng nấy, thần sắc vừa khẩn trương vừa sợ hãi, dường như nàng rất sợ hai lão già kia phát giác.
Thân hình của hai người như hai chiếc bóng ma, xê dịch ra ngoài hơn mười trượng, thì Tâm Đăng đã tiến sát đến bên Mặc Lâm Na se sẽ hỏi rằng :
- Cô đến đây làm gì?
Mặc Lâm Na tỏ vẻ lo sợ, nắm tay áo của Tâm Đăng mà nói :
- Tiểu hòa thượng... Mi trốn ở đây làm gì, đừng can thiệp vào làm gì coi chừng mất mạng đó!...
Tâm Đăng nghe nói lấy làm lạ, hỏi nho nhỏ :
- Tại sao? Cô biết Vô Danh lão nhân ư?
Mặc Lâm Na trả lời qua một thái độ lo âu :
- Đừng hỏi lôi thôi, mi hãy đi khỏi chỗ này.
Tâm Đăng lắc đầu nói :
- Không được! Tôi không thể rời khỏi chỗ này vì vị hòa thượng kia là trụ trì của Bố Đạt La Cung khi xưa.
Mặc Lâm Na thấy Tâm Đăng cưỡng lại ý mình, tức tối giậm chân nói rằng :
- Việc này đã biết, mi hãy mau trở về chùa.
Tâm Đăng thấy nàng cứ hối thúc mình trốn tránh bằng một thái độ chân thành tha thiết, trong lòng không biết đầu đuôi ra sao, chú nghĩ :
- Hay là việc này có liên quan mật thiết đến nàng?...
Ý nghĩ của chàng thình lình bị cắt ngang bởi một tiếng hét não nùng rùng rợn của Tạng Tháp.
Giữa đêm trường vắng lặng, tiếng gào thét của Tạng Tháp làm cho người ta mọc ốc cùng mình, hồn phi phách táng.
Như một kẻ điên cuồng, Tâm Đăng rút phắt ống tay áo của mình lại, bay vù về phía Tạng Tháp.
Trong lúc đó thì Mặc Lâm Na vội vàng trổ ra một đòn Thám Mã Trảo nhanh như một tia chớp, chụp lấy bậu áo cà sa của Tâm Đăng, nhưng với tốc lực phi thường của Tâm Đăng nàng đâu với kịp.
Nàng hốt hoảng rú lên :
- Tâm Đăng! Đừng can thiệp vào việc của người khác.
Tâm Đăng nào chịu vâng lời, nhún mình thêm một cái nữa chàng đã bay mình đến bên Tạng Tháp.
Thấy Tạng Tháp bây giờ ngã ngửa trên mặt đất, trước ngực máu đổ ròng ròng, còn Vô Danh lão nhân thì đi đâu mất dạng.
Tâm Đăng bàng hoàng ngơ ngẩn, chú ngồi xuống bên Tạng Tháp, ôm Tạng Tháp vào lòng.
Ông ta mắt nhắm nghiền, sắc mặt trắng bạch, vạt áo trước ngực đã bị móc rách, máu thịt be bét trông thật là kinh rợn.
Hai dòng nước mắt ứa ra trên gò má của Tâm Đăng, chú điểm một ngón vào huyệt Khuyết Trung của Tạng Tháp để cầm máu, rồi lại xoa nắn huyệt Khí Hải.
Tạng Tháp mơ màng hồi tỉnh, nhường cặp mắt lên nhìn khắp bốn bề bằng một cách cực kỳ tuyệt vọng, sắc mặt của ông cau có lại, ông mơ màng không biết mình đang nằm ở nơi đâu?
Nhưng chỉ có một việc mà ông biết rõ là quyển Tàm Tang khẩu quyết đã bị cướp mất rồi.
Tâm Đăng thấy ông ta vẫn chưa định tỉnh nên vội vàng điểm thêm một ngón vào huyệt Bách Hội rồi hỏi nho nhỏ rằng :
- Đại sư!... Đại sư!...
Chú nức nở nói không ra lời vì suốt mười mấy năm sống trong cuộc đời tôn giáo, Tạng Tháp là một người hiền từ cao quý mà chú hằng ngưỡng mộ.
Nhưng không ngờ Tạng Tháp ngày hôm nay lại rời bỏ cuộc đời tôn giáo mà dấn thân vào biển khổ!
Bấy giờ thần trí của Tạng Tháp lần lần hồi tỉnh, ông ta phát giác người ôm mình dậy chính là Tâm Đăng, ông ta run rẩy nói :
- Ủa... Tâm Đăng.
Lệ ứa nay mặt, Tâm Đăng gật đầu nói :
- Đại sư... tôi chính là Tâm Đăng.
Tạng Tháp thều thào nói :
- Không ngờ mi cũng biết võ, vậy thì... những việc xảy ra mi đều trông thấy hết?
Tâm Đăng gật đầu thảm não :
- Phải! Con đều trông thấy.
Tạng Tháp lại thở dài nói rằng :
- Ta thật lấy làm hổ thẹn!.. Ta đã là một bậc Đại Lạt Ma lãnh đạo hơn bảy nghìn Lạt Ma vẫn không sao thoát khỏi biển khổ... ngược lại tự mình dấn thân vào con đường khổ ải.
Nghe Tạng Tháp nói, Tâm Đăng đau lòng lắm, chú lấy làm hối hận, tiếc cho đời sống tôn giáo của mình rồi đây cũng sẽ mất đi.
Chuỗi ngày quí báu này sẽ không bao giờ có nữa, và người khác sẽ không có dịp may mắn như chú mà hưởng thụ đời sống vô tư lự này.
Nay chú đã có nó mà chú lại muốn bỏ đi!
Trong lòng chú xốn xang bứt rứt vô cùng, Tạng Tháp nức nở một hồi đoạn thều thào nói tiếp :
- Cái chết bi thảm của Y Khắc là vết xe đi trước mà ta lại cứ chấp nê, dấn thân vào con đường tội lỗi... Đây là một sự báo ứng rõ ràng... Tâm Đăng, ta không bao giờ nghĩ rằng mi là người biết võ, mi không muốn hoàn tục, thì hãy thôi, đừng luyện võ công nữa... người xuất gia phải làm xứng đáng là người xuất gia. Đời ta đến đây là hết! Nhưng tâm trí của ta bình tĩnh lắm, ta không hờn giận, không sợ sệt, không nghi kỵ, tất cả đều là “không không”... và giờ phút này là giờ phút chân chính giác ngộ của ta đây.
Tâm Đăng nức nở bùi ngùi :
- Thưa đại sư, người đả thương đại sư đó là ai? Hắn có phải là người Tây Tạng?
Tạng Tháp buông ra một tiếng cười thê thảm :
- Đừng hỏi nữa, ta phải quên hết, quên tất cả...
Nhưng Tâm Đăng nào chịu quên, chú đeo theo hỏi cho kỳ được, nhưng Tạng Tháp không chịu trả lời, ông ta hổn hển nói rằng :
- Ta sắp đi rồi! Mong rằng khi ta chết, mi đem thi thể của ta trở về Bố Đạt La Cung, cứ nói rằng vô tình phát hiện ra thi thể của ta là được... Ta tin rằng Điệp Bố sẽ có lời giải thích êm xuôi... ta mong rằng ta được chôn thây trong Bố Đạt La Cung.
Tâm Đăng gật đầu, nước mắt ràn rụa, trả lời :
- Đại sư yên trí, thế nào tôi cũng đưa đại sư trở về Bố Đạt La Cung.
Trên gương mặt của Tạng Tháp bỗng lộ ra một nét cười đầy an ủi, ông ta thở hắt ra một hơi dài rồi mửa ra một bụm máu, Tâm Đăng biết ông ta sắp “đi” nên ôm lấy ông ta mà gào lên thảm thiết :
- Đại sư... đại sư...
Và Tạng Tháp dần dần xuôi tay nhắm mắt, Tâm Đăng loáng thoáng nghe ông ta mấy máy mấy chữ :
- Trác Đặc Ba... Trác Đặc Ba... hồ Tuấn Mã...
Nói dứt mấy chữ này rồi ông tắt thở trong lòng của Tâm Đăng.
Tâm Đăng đương lúc đau đớn vô hồi, bỗng thần kinh của chú bị kích thích mãnh liệt vì mấy chữ “Trác Đặc Ba”, chú ôm cái xác đã dần dần nguội lạnh của Tạng Tháp mà quay cuồng một ý nghĩ :
- Trời... cũng lại là thằng Trác Đặc Ba.
Tâm Đăng cúi xuống, nhìn thân xác co quắp của Tạng Tháp nằm trong lòng của mình mà đau đớn vô hồi.
Chú không ngờ một con người đã tu hành khổ hạnh mấy mươi năm, mà bấy giờ gặp phải cảnh bi thương ảo não như ngày hôm nay.
Ngổn ngang trăm mối, Tâm Đăng tự bảo lấy mình :
- Ta phải mang xác của Tạng Tháp về Bố Đạt La Cung, và để cho chúng Lạt Ma tự phát giác, như phát gíac cái xác của Y Khắc vậy.
Tâm Đăng quyết định rồi liền vác cái xác của Tạng Tháp mà đi thẳng về Bố Đạt La Cung, vừa đi trong trí của chú vừa quay cuồng một ý nghĩ :
- Thế là thế nào? Lại thằng Trác Đặc Ba? Còn chăng?
Hèn chi ta thấy nó tướng mạo đường hoàng mà thân hình hơi lùn, thì ra nó đã tự hủy hoại đôi chân của nó mới ra nông nỗi.
Từng cơn gió lạnh khua động những chiếc lá rừng nghe xào xạc, đêm càng về khuya khí hậu càng lạnh lùng khôn tả, bầu không khí thật họp với cảnh thê lương thảm đạm lúc bấy giờ.
Tâm Đăng ôm lấy cái xác lạnh như đồng, đây là lần thứ nhất trong đời chú ôm lấy một người đã chết.
Chú vượt qua khỏi bức tường của Bố Đạt La Cung, chú quyết định :
- Ta phải mang xác của Tạng Tháp đặt trước phòng chứa sách, để cho Mạc Cổ tự phát giác lấy, và an bài một cách êm ái, đừng để kinh động đến chúng Lạt Ma.
Thế là chú quay đầu về phía lầu chứa sách mà đi thẳng.
Nhún mình bay nhẹ lên mái lầu chứa sách, Tâm Đăng đặt xác của Tạng Tháp nằm vào chỗ của mình nằm ngủ khi xưa.
Trong phòng lúc bấy giờ chỉ có một ngọn đèn dầu leo lét, tỏa ra một thứ ánh sáng vàng ẻo, làm cho bầu không khí thêm phần bi thảm.
Tâm Đăng bùi ngùi giây lát rồi mới bay mình ra cửa sổ, thất thểu trở về phòng mình.
Vừa đi chú vừa suy nghĩ :
- Thật là lạ, chẳng biết Mặc Lâm Na trở về tự hồi nào mà ta chẳng hay biết? Tại sao nàng chẳng cho ta cứu Tạng Tháp? Nếu không có nàng biết đâu ta chẳng cứu được ông ta? Nàng vô tình mà tạo ra một điều tội lỗi, trời đất chắc chẳng dung thứ cho cô ta? A di đà Phật!
Tâm Đăng xô cửa vào phòng, buông mình thật mạnh lên giường của mình làm cho một chú tiểu gần đó giật mình thức giấc càu nhàu :
- Tâm Đăng, việc gì thế?...
Chú trả lời gắt gỏng :
- Việc mật, chẳng có việc gì... Mi ngủ đi...
Thế rồi hai người mơ màng nhắm mắt, đêm ấy Tâm Đăng mơ một giấc mơ kinh khủng.
Sáng ngày hôm sau Bố Đạt La Cung xôn xao náo nức, những vị Lạt Ma cao cấp, thảy đều đi lên tầng trên nhất để mở cuộc hội nghị bí mật.
Ai nấy thảy đều lấm la lấm lét, cho rằng Bố Đạt La Cung đã xảy ra một việc hệ trọng.
Đến chiều hôm đó, trụ trì là Điệp Bố tuyên bố rằng chiều hôm ấy ông ta sẽ dùng cơm chay chung với bảy nghìn Lạt Ma.
Mọi người đều mừng rỡ, cho đó là một điều chưa từng có trong Bố Đạt La Cung.
Nào ngờ, sau khi dùng cơm... Điệp Bố đứng lên tuyên bố rằng :
- Hôm nay sở dĩ ta đến đây dùng cơm chỉ vì ngày mai này, chúng ta sẽ bắt đầu không dùng cơm nữa.
Toàn thể bảy nghìn Lạt Ma chúng ta phải tuyệt thực hai hôm để tưởng niệm một người, người ấy chính là cựu trụ trì Tạng Tháp.
Thật ra... Tạng Tháp đại sư không mất tích mà ông ấy lén giam mình trong Kim Nga điện để tuyệt thực cho đến chết ngõ hầu tự giải thoát cho mình.
Mãi đến ngày hôm qua đây, Tạng Tháp đại sư đã hoàn thành công việc của mình, và ông ta đã viên tịch trong Kim Nga điện.
Sau lời tuyên bố của trụ trì, mọi người thảy đều bùi ngùi than thở.
Bởi vì Tạng Tháp đối với họ, thật có uy tín, vì khi ông ta trụ trì Bố Đạt La Cung tỏ ra là một vị đắc đạo cao tăng, vì vậy mà ông mất đi mọi người đều thương tiếc.
Điệp Bố lại tuyên bố rằng :
- Chúng ta nên coi việc Tạng Tháp đại sư viên tịch là một điều vui mừng, nay ta thỉnh ý của đức Đạt Lai đúc tượng của Tạng Tháp để quàn trong Kim Nga điện, để cho người đời sau chiêm ngưỡng.
* * * * *
Trưa hôm đó, Tâm Đăng sẽ lén đi về phía ngôi nhà đá, báo tin này cho Bệnh Hiệp nghe.
Bệnh Hiệp nghe xong trợn trừng cặp mắt, ông ta không ngờ Tạng Tháp lại chết trong tay của Trác Đặc Ba, và càng không ngờ Trác Đặc Ba đã chiếm được Tàm Tang khẩu quyết.
Tâm Đăng thưa với ông ta rằng :
- Sư phụ xin cho con đến hồ Tuấn Mã một phen.
Bệnh Hiệp gạt ngang :
- Không được... Mi không được làm kinh động. Trước khi mi hoàn tục, mi tuyệt đối không thể đến hồ Tuấn Mã.
Mi cố giữ hành tung cho thật bí mật, đừng để Trác Đặc Ba sinh nghi.
Bệnh Hiệp lại dặn :
- Ngày mai mi khỏi phải đến đây nhưng ngày kia phải đến.
Tâm Đăng cúi đầu vâng dạ rồi trở về Bố Đạt La Cung.
Về đến nơi thì chúng đồng đạo đã ngủ vùi, sau khi buông mình lên giường, chú chợt nhớ ra miếng bài vị của Vân Cô trao cho mình.
Chú vội vàng trở dậy, mang nó sang bên Trắc Điện, tìm một nới vắng vẻ để yên rồi bắt đầu tụng kinh gõ mõ.
Câu kinh tiếng mõ đã đem đến sự bình thản cho tâm hồn của chú.
Và khi tụng xong hồi kinh, chú bước trở ra ngoài, bỗng giật mình vì nghe có tiếng ám khí xé gió bay vèo vèo, vội vàng thò tay ra sử một thế Bổ Phong Tróc Ảnh.
Trong cái chớp mắt, chú đã bắt gắn một vật, thì ra đó là một tấm giấy vo tròn, nhìn quanh đi quẩn lại không thấy bóng dáng một ai.
Lấy làm nghi hoặc, chú trở về phòng mình, vuốt phẳng tấm giấy ra, thấy trên đề mấy dòng chữ :
“Tâm Đăng.
Canh ba đêm mai ta gặp mi tại Kim Nga điện.
Khúc Tinh”.